Nhiều công nhân lâm trường Sóc Sơn khi về hưu đã bán sạch đất rừng được nhà nước chia để mua đất những chỗ rẻ hơn nhường cho các đại gia Hà Nội làm resort.
Trong những ngày đầu hạ, cái nóng chưa thấm thía gì so với sức nóng từ những sai phạm trên đất rừng phòng hộ Sóc Sơn khi mà ở đây đang mọc lên hàng trăm biệt thự, homestay kinh doanh tấp nập.
Vô tư rao bán đất rừng
Không chỉ những phần diện tích đất rừng phòng hộ bị xâm phạm, mà ngay cả khu vực lòng hồ vốn dùng chứa nước tưới tiêu, phòng chống cháy rừng hiện cũng bị nhiều hộ dân sinh sống trong thôn rao bán với giá rẻ chỉ từ 2-4 triệu/m2 khiến nhiều ông chủ quyết định đầu tư các khu nghỉ dưỡng để kinh doanh.
Có thể bạn quan tâm
07:00, 01/05/2019
05:30, 29/04/2019
15:15, 31/10/2018
Trong vai người đi mua đất, chúng tôi tìm về thôn Lâm Trường, quả thật các tuyến đường nơi đây đều được trải nhựa rộng rãi, sạch sẽ, rừng phủ xanh ngút ngàn, không khí mát mẻ. Ngồi xuống uống chén nước, cô B (xin được giấu tên) cho biết: Những mảnh đất đẹp, mặt đường bị bán hết cả rồi muốn mua cũng không còn”.
Hỏi ra thì được biết, cô B. là một trong hàng chục công nhân lâm trường đã nghỉ hưu hơn 10 năm nay. Cô cho biết, khoảng năm 2.000, đất khu vực Lâm Trường tăng giá rất cao vì người ở khắp nơi đổ về mua. Giá cao, nhiều người dân bán sạch đất rừng được nhà nước chia, đi nơi khác ở hoặc mua đất những chỗ rẻ hơn.
Không chỉ làm nghề bán rau, cô B. còn kiêm thêm giới thiệu các lô đất cho khách có nhu cầu. Khi biết tôi có ý định tìm mua trong khu Lâm Trường cô B cho rằng người dân trong này thường bán từ 1.000m2 đất trở lên. Mua từ 2.000m2 mới có giá 2 triệu đồng/m2.
“Còn những miếng đất gần hồ bán hết rùi, giá cũng gấp 2 – 3 lần những vị trí khác”. Cũng theo cô B, khi mua đất thì chưa làm được sổ vì quy định cấm sang tên chuyển nhượng nhưng các nhà đầu tư vẫn mua. “Sổ tên người bán, chỉ ra công chứng giấy tờ thôi”– cô B cho biết.
Cách đó 2km, bác L. – một công nhân lâm trường về hưu hiếm hoi còn ở trong một căn nhà mái lụp xụp khi nhất quyết không chịu bán một m2 đất nào.
Bác L. cho biết, khi làm công nhân lâm trường bác được phân 2 sào Bắc Bộ (720m2 đất). Với những lô đất như gia đình bác ở sẽ có giá khoảng 5 triệu đồng/m2, có sổ. Giá đất trong khu trung tâm xã dao động từ 8-9 triệu đồng/m2.
Khi đề cập việc mua đất rừng bác lắc đầu: "Giá rẻ từ 1-2,5 triệu đồng/m2 nhưng không có sổ, vô cùng rủi ro".
Nhiều chiêu lách luật
Mới đây, Thanh tra TP Hà Nội đã có 2 Kết luận liên quan đến những vi phạm quản lý đất đai tại rừng phòng hộ Sóc Sơn. Cụ thể, có 659 công trình vi phạm trật tự xây dựng trên đất lâm nghiệp nêu từ 2008 không được xử lý mà tiếp tục để phát sinh các vi phạm mới. Đến năm 2017, huyện mới xác định 555 công trình vi phạm, nay vẫn còn 485/555 công trình chưa xử lý.
Tuy nhiên, kết quả thanh tra cho thấy việc xác định công trình vi phạm của UBND huyện Sóc Sơn năm 2017 không chính xác, thực tế số lượng công trình vi phạm lớn hơn rất nhiều. Điển hình cụ thể, chỉ riêng 2 xã Minh Phú, Minh Trí và khu vực ven 7 hồ lớn trong quy hoạch rừng đã có 797 công trình vi phạm.
Chuyện chuyển nhượng ngầm, sai đối tượng rồi hợp thức hóa đất rừng phòng hộ thành đất thổ cư ở Sóc Sơn đã và đang là vấn đề đặt ra. Đây cũng là lý do khiến nhiều người liều bỏ tiền ra mua đất đang được trồng rừng với giá rẻ với hy vọng sau này sẽ “hốt bạc” nếu được chuyển thành đất thổ cư.
“Khi mua bán đất, người mua và chủ đất rừng sẽ đến UBND xã xin xác nhận về việc ký “hợp đồng liên doanh” để phát triển rừng, sau đó một thời gian, chủ đất rút lui với lý do không đủ khả năng và giao toàn bộ quyền cho bên mua. Hoặc chỉ thông qua giấy tờ viết tay những khu đất đã chuyển nhượng ngầm hoặc trái quy định vẫn đang do người nhận chuyển nhượng quản lý. Một số hộ sau đó đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở” – một “cò đất” tiết lộ.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, một lãnh đạo huyện Sóc Sơn thừa nhận, việc quản lý đất rừng không rõ ràng nên một số lãnh đạo xã và cán bộ chuyên trách của huyện Sóc Sơn đã lợi dụng để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và vườn kề cho các hộ sử dụng.
Tại xã Minh Trí, Minh Phú và Lâm trường Sóc Sơn, nhiều cán bộ lập hồ sơ không đúng nguồn gốc, giả mạo giấy tờ cơ quan nhà nước để xét duyệt, trình ký cấp sổ đỏ cho một số trường hợp. Cuối năm 2005, một số sai phạm trên đã được xử lý với việc một trưởng phòng cùng 3 cán bộ địa chính, nhà đất huyện; cùng 6 cán bộ cấp xã đã phải nhận án tù.
KỲ IV: Không dung túng cái sai