Công trình vi phạm trên đất rừng Sóc Sơn (KỲ II): Chờ cưỡng chế, biệt thự nghỉ dưỡng vẫn tấp nập đón khách

THIÊN BÌNH 01/05/2019 07:00

Mặc dù UBND huyện Sóc Sơn khẳng định sẽ tiến hành cưỡng chế 20 công trình “xẻ thịt” đất rừng trong tháng 5/2019. Tuy nhiên hàng trăm biệt thự nghỉ dưỡng, homestay tại đây vẫn tấp nập đón khách.

homestay xinh xắn nằm trên đồi.

Một homestay kinh doanh trên đất rừng phòng hộ

Trong cuộc trò chuyện 2 tuần trước, chị Lan Anh (Cầu Giấy – Hà Nội) cho biết, để chuẩn bị cho kỳ nghỉ lễ dài 30/4 – 1/5, chị gọi điện đến nhiều khu nghỉ dưỡng tại Sóc Sơn để đặt phòng tuy nhiên hầu hết các khu nghỉ dưỡng đều thông báo hết. Cuối cùng, chị đành chọn một homestay xinh xắn nằm trên đồi.

Giá thuê cao ngất ngưởng

Trước thông tin về việc cưỡng chế hàng loạt khu biệt thự nghỉ dưỡng tại đây, để yên tâm chị hỏi cặn kẽ chủ nhà thì được biết: “Khu homestay không ảnh hưởng, vẫn hoạt động bình thường”.

Trong vai người cần thuê địa điểm nghỉ ngơi cuối tuần cho gia đình, đi dọc thôn Lâm Trường không khó để bắt gặp biển chỉ dẫn, quảng cáo của những khu nhà vườn, sinh thái nghỉ dưỡng, homestay được cắm tràn lan, công khai. Có biệt thự treo tên ở ngoài như Flower villa, The Moonlight, Cee Land, The Gardenvilla, Flower Villa… Có biệt thự không treo biển hiệu và trồng cây kín cổng cao tường.

Nhiều khu nghỉ dưỡng được

Hàng trăm homestay, khu nghỉ dưỡng, Villas đang kinh doanh tại khu vực rừng phòng hộ Sóc Sơn

Trên con đường rộng khoảng 4m, hàng trăm ô tô biển Hà Nội đi ra vào. Khi hỏi các địa chỉ cho thuê, kinh doanh lưu trú ở khu vực rừng phòng hộ Sóc Sơn chủ nhà vẫn nhận đón khách, tuy nhiên giá thuê cao ngất ngưởng. 

Cụ thể, khu The Moonlight giá từ 1,2 triệu đồng/đêm; De’Bay Villa giá 1.790.000 đồng/đêm; Hoa Mai Viên Sóc Sơn Villas giá từ 3.500.000 đồng/đêm; The Sun Homestay Sóc Sơn giá từ 3.500.000 đồng/đêm; The Chipmunk giá từ 3.200.000 đồng/đêm; Maia House giá từ 3.500.000 đồng/đêm.

Với các biệt thự thuê trọn cả nhà giá dao động từ 4.000.000 - 6.000.000 đồng/đêm. Thuê phòng lẻ từ 1.000.000 - 2.000.000 đồng/đêm.

Các ngôi nhà nhỏ nằm trong tán thông rộng lớn rất khó nhận ra

Nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng của du khách rất lớn

Người dân ở đây cho biết, khoảng 3 - 4 năm gần đây, dịch vụ cho thuê, kinh doanh phục vụ mục đích du lịch, nghỉ dưỡng đang trở thành xu hướng kinh doanh phát triển trên đất rừng phòng hộ thuộc xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn, Hà Nội).

"Lĩnh vực kinh doanh đem lại lợi nhuận không hề nhỏ bởi nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng của du khách rất lớn lại ngay gần trung tâm Hà Nội. Mỗi khu kinh doanh hoạt động trung bình 3 – 4 lượt/tuần. Ngoài nghỉ ngơi, các khu nghỉ còn có rất nhiều dịch vụ kèm theo khác như hội nghị, hội thảo, team building, câu cá… với mức giá thỏa thuận" - Anh Trung, Quản lý khu nghỉ dưỡng ở xã Minh Phú cho biết.

Xử nghiêm các vi phạm

Ông Lê Văn Sơn, Phó giám đốc Ban quản lý rừng Phòng hộ - Đặc dụng Hà Nội cho biết: “Thôn Lâm Trường có hơn 100ha rừng phòng hộ, chưa có bất kỳ khu dịch vụ nào được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Tất cả đều là tự phát bởi đã là rừng phòng hộ thì không thể xây dựng nhiều công trình trên đó được”.

Theo Cục Quản lý hoạt động xây dựng – Bộ Xây dựng, một trong những hành vi bị nghiêm cấm được quy định rất rõ tại Khoản 3 Điều 12 Luật Đất đai năm 2013 là “không sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích”. Do đó, hành vi xây dựng công trình trên đất lâm nghiệp (rừng phòng hộ) là hành vi bị nghiêm cấm vì sử dụng đất không đúng mục đích.

Để hạn chế tình trạng vi phạm trật tự xây dựng nói chung, ông Hoàng Quang Nhu - Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng cho rằng cần thực hiện kịp thời một số giải pháp. Trước tiên là rà soát thường xuyên, kịp thời văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để phát hiện những bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo trong quá trình thực hiện; tăng cường thanh tra, kiểm tra của chính quyền các cấp.

Bên cạnh đó, cần thực hiện nghiêm Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Nghị định số 139/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở trên đất lâm nghiệp.

Kỳ III: Công nhân lâm trường Sóc Sơn: Ngày ấy - Bây giờ

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Công trình vi phạm trên đất rừng Sóc Sơn (KỲ II): Chờ cưỡng chế, biệt thự nghỉ dưỡng vẫn tấp nập đón khách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO