Hơn 20 năm, 40 sản phẩm của Công ty CP Dược phẩm Yên Bái đã được đăng ký sản xuất lưu hành, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ người dân.
Đi vào tiềm thức người tiêu dùng bằng dòng sản phẩm cảm xuyên hương từ những ngày mới thành lập, đến nay, sau hơn 20 năm, 40 sản phẩm của Công ty CP Dược phẩm Yên Bái đã được đăng ký sản xuất lưu hành, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ người dân.
Gắn bó với công ty từ khi là cựu sinh viên trường Dược đến khi đảm nhiệm vai trò là Tổng giám đốc Công ty CP Dược phẩm Yên Bái, bà Hoàng Thị Bình luôn tâm niệm: Phải biến những tinh túy của các loại dược liệu quý trong thiên nhiên trở thành các sản phẩm Đông dược có giá trị. Điều đó đã góp phần đưa thương hiệu Ypharco chỗ đứng trên thị trường.
Bà Bình chia sẻ, với mục tiêu xuyên suốt là chất lượng, hiệu quả và an toàn, Ypharco đã tập hợp các chuyên gia đầu ngành về Y, Dược học cổ truyền hợp tác nghiên cứu chế thử sản phẩm, từ đó đưa vào sản xuất và phân phối, lưu thông. Vì vậy, các sản phẩm của Ypharco đã thể hiện sự kết hợp hài hoà giữa bản sắc cổ truyền và công nghệ hiện đại, luôn luôn đạt hiệu quả trong điều trị và an toàn cho người sử dụng.
Bên cạnh sản phẩm Cảm Xuyên hương đã được sản xuất dưới 4 dạng bào chế: viên nang, siro, cốm, bột pha nước tắm, các sản phẩm của Ypharco đã và đang được người tiêu dùng đánh giá cao như Phụ huyết khang, An thảo, Trita - YBA, Bổ tỳ Y/B, An thần, Phu Gia…
“Một sản phẩm tốt hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng yếu tố đầu tiên là chất lượng nguyên liệu đầu vào, rồi đến quy trình sản xuất, bảo quản trong quá trình phân phối…” – bà Bình khẳng định và cho biết, trong quá trình chỉ đạo dây chuyền sản xuất từ đầu vào đến đầu ra, Ypharco đều có sự kiểm tra, kiểm soát rất chặt chẽ.
Giống như nhiều công ty sản xuất thuốc từ Dược liệu khác, Ypharco cũng gặp khó trong việc chủ động nguyên liệu đầu vào khi có đến hơn 60% dược liệu phải nhập khẩu từ Trung Quốc.
Theo bà Bình, ngành Đông dược đứng trước thách thức phải quy hoạch đồng bộ từ việc nuôi trồng, khai thác, bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu nhằm chủ động trong sản xuất, tiến tới xuất khẩu. Vì vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa 3 bên Chính phủ, doanh nghiệp và người dân cùng chính sách khuyến khích các địa phương quan tâm đầu tư nuôi trồng dược liệu.