Bị đánh cắp thương hiệu, Cty CP Hoàng Hà gửi đơn đến cơ quan chức năng đề nghị xử lý vụ việc.
Sở Khoa học – Công nghệ Thái Bình thành lập đoàn thanh tra liên ngành thì tá hỏa 2 cơ quan cùng cấp chung 1 nhãn hiệu.Sau khi có kiến nghị của Cty Hoàng Hà, Sở Khoa học – Công nghệ Thái Bình đã thành lập đoàn thanh tra 4 đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn Thái Bình đã có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ như Cty Hoàng Hà đã phản ánh: Cty TNHH TM& DV vận tải Thịnh Phú; Cty TNHH Mai Tuyên HTP; của Xí nghiệp vận tải Tiến Bộ; Cty CP vận tải cơ khí ô tô Quỳnh Hưng. Tại đây, đoàn thanh tra đã ghi nhận có 9 phương tiện của 4 đơn vị vận tải trên có sử dụng logo HHG, HHC của Cty Hoàng Hà.
Ngày 18/5, sở Khoa học – Công nghệ Thái Bình đã thành lập đoàn thanh tra đột xuất việc chấp hành các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ đối với công ty TNHH TM&DV vận tải Thịnh Phú (xã Bình Thanh, huyện Kiến Xương). Tại buổi làm việc, đoàn công tác thông báo cho cty Thịnh Phú việc sử dụng nhãn hàng hóa HHC trên xe BKS 17B – 00839 tuyến Thái Bình – Quảng Ninh và ngược lại, gây nhầm lẫn với nhãn hiệu HHC mà Cty Hoàng Hà đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu HHC theo Quyết định số 63705/QĐ-SHTT ngày 13/9/2017. Đồng thời, đoàn công tác cũng yêu cầu ty Thịnh Phú làm rõ việc sử dụng nhãn hàng hóa HHC trên xe khách.
Có thể bạn quan tâm |
Ông Bùi Văn Luyện, chủ phương tiện BKS 17B – 00839 giải trình, Cty Thịnh Phú đã sử dụng nhãn hiệu hàng hóa HHC từ tháng 2/2016 cho xe có BKS trên trong kinh doanh vận tải tuyến Thái Bình – Quảng Ninh và ngược lại. Trong quá trình sử dụng, ông Luyện không biết đây là nhãn hiệu của Cty Hoàng Hà đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp.
Sau khi giải thích với chủ phương tiện, đoàn thanh tra yêu cầu cty Thịnh Phú thỏa thuận với cty Hoàng Hà về việc loại bỏ nhãn hàng hóa tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu HHC mà cty Hoàng Hà được bảo hộ.
Sẽ không có gì đáng nói nếu như trong quá trình thanh tra không phát sinh 1 chi tiết khá ly kỳ. Trong khi đoàn thanh tra làm việc với các đơn vị, tại đây 1 số chủ phương tiện đã xuất trình bản sao công chứng Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm logo HHG, loại hình Mỹ thuật ứng dụng ngày 14/8/2017 của Cục bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch. Cụ thể, logo HHG được Cục bản quyền tác giả cấp chứng nhận cho ông Phạm Ngọc Cường (xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình). Và như vậy, các chủ phương tiện trên cho rằng họ mới là người sở hữu hợp pháp nhãn hiệu HHG.
Trước tình huống chớ trêu đó, ngày 10/4 Sở Khoa học – Công nghệ Thái Bình đã có văn bản “cầu cứu” Cục sở hữu trí tuệ hướng giải quyết. “Để có đầy đủ chứng cứ trong quá trình giải quyết tranh chấp sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học – Công nghệ Thái Bình báo cáo và xin ý kiến Cục sở hữu trí tuệ hướng giải quyết đối với việc sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu HHG của Cty Hoàng Hà và Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm Logo HHG, loại hình: Mỹ thuật ứng dụng của đối tượng thanh tra” – Sở Khoa học – Công nghệ Thái Bình nêu rõ.
Đến nay sự việc về vi phạm sở hữu trí tuệ nhãn hiệu HHG, HHC vẫn chưa thể ngã ngũ. Vì sao có đến 2 cơ quan cùng cấp chung 1 nhãn hiệu HHG? Được biết, ngày 09/11/2015 Cty Hoàng Hà đã nộp Đơn lên Cục sở hữu trí tuệ xin được đăng ký nhãn hiệu HHG cho thương hiệu của mình. Ngày 09/12/2015 Cục Sở hữu trí tuệ đã có Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ của cty Hoàng Hà và công bố đơn trên Công báo sở hữu công nghiệp trong thời gian 02 tháng kể từ ngày ký quyết định. Ngày 13/9/2017, Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 2987890 theo Quyết định 63704/QĐ-SHTT cho nhãn hiệu “HHG”.