Mặc dù tăng trưởng ở mảng vui chơi giải trí nhưng Công viên nước Đầm Sen phải trích dự phòng 28 tỷ đồng cho hai khoản đầu tư chứng khoán.
Báo cáo tài chính quý II của Công ty cổ phần Công viên nước Đầm Sen ghi nhận doanh thu thuần tăng 7,7% lên 137,7 tỷ đồng. Dù khoản mục giá vốn hàng bán tăng trưởng tới 16,2%, từ 39,6 tỷ đồng lên 46 tỷ đồng, song doanh nghiệp vẫn ghi nhận khoản lợi nhuận gộp 91,7 tỷ đồng, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2018 và tương ứng biên lãi gộp từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ lên tới 66,5%.
Trong bối cảnh chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của Công viên nước Đầm Sen chỉ ghi nhận mức biến động nhẹ, còn doanh thu tài chính tăng trưởng tới 36,5% nhờ khoản lãi tiền gửi, doanh nghiệp đạt lợi nhuận trước thuế là 77,5 tỷ đồng, tăng 5,7% so với cùng kỳ.
Sau 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp không phát sinh các khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn cũng như dài hạn, vậy nên, không ghi nhận các khoản dự phòng phải trả và chi phí lãi vay.
Với mức thuế TNDN 20%, lợi nhuận sau thuế của Công viên nước Đầm Sen đạt 62,04 tỷ đồng. Như vậy, trung bình mỗi tháng, Công viên nước Đầm Sen lãi hơn 10 tỷ đồng.
Về cơ cấu nguồn vốn, tổng tài sản của Công ty CP Công viên nước Đầm Sen (DSN) tại thời điểm ngày 30/6/2019 đạt 255,1 tỷ đồng, phần lớn nằm ở khoản mục tiền và các khoản tương đương tiền là 16,6 tỷ đồng và khoản mục đầu tư nắm giữ tới ngày đáo hạn (tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn từ 12 tháng trở xuống với lãi suất 7-8,5%/năm) là 219,5 tỷ đồng, chiếm gần 93% tổng tài sản.
Ban lãnh đạo Công viên nước Đầm Sen cho biết đang nhìn thấy dư địa dồi dào để tăng trưởng. Ngay cả khi không có dịch vụ vui chơi giải trí lớn trong hai năm tới, công ty tự tin tăng trưởng doanh thu tối thiểu 4-6% một năm và cũng sẵn sàng cho cuộc chiến dài hơi trong tương lai xa hơn.
Tuy nhiên, đối lập với đà tăng trưởng đều đặn của hoạt động kinh doanh chính, các khoản đầu tư ngoài ngành của Công viên nước Đầm Sen đều gặp vấn đề. Tính đến ngày 30/6, doanh nghiệp này đã phải trích lập dự phòng gần 25 tỷ đồng cho khoản đầu tư vào Ngân hàng Việt Á (VAB). Chi phí gốc của khoản đầu tư này là 32 tỷ đồng, tương ứng mỗi cổ phiếu mua vào hơn 15.000 đồng nhưng hiện giá trị hợp lý chỉ còn 3.300 đồng.
Có thể bạn quan tâm
00:00, 11/02/2014
00:00, 30/08/2013
Ngoài ra, họ còn phải trích lập dự phòng toàn bộ cho khoản đầu tư trị giá 2,5 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Khải Hoàn Môn để nắm giữ 21,84% vốn điều lệ.
Tổng tài sản của Công viên nước Đầm sen tính đến cuối quý II giảm nhẹ so với đầu năm, chỉ còn 255 tỷ đồng. Nợ phải trả tăng vọt lên 40 tỷ đồng do phát sinh các khoản thuế, phải trả người lao động.
CTCP Công viên nước Đầm Sen vốn điều lệ 121 tỉ đồng, do cổ đông lớn nhất là CTCP Dịch vụ Du lịch Phú Thọ sở hữu 33,54% vốn điều lệ; còn lại là các cổ đông khác. Nửa đầu năm, công ty trả cổ tức cho các cổ đông gần 79 tỉ đồng.
Năm 2019, ban lãnh đạo Công viên nước Đầm Sen đặt mục tiêu mang về 219 tỷ đồng doanh thu. Đồng thời, giữ mức tổng chi cho quảng cáo, ca nhạc, tiếp thị trong năm ở tỷ lệ 6% tổng doanh thu. Ngoài ra, ban lãnh đạo Đầm Sen cũng có kế hoạch dành hơn 78,5 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông, tỷ lệ chi trả 65%. Đây là số tiền nằm trong khoản 81 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối còn lại sau khi đã trích lập các quỹ dự phòng, đầu tư.
Ban lãnh đạo doanh nghiệp dự báo lợi nhuận năm nay có thể bị ảnh hưởng bởi hợp đồng thuê đất đã hết hạn vào 2018 và sẽ điều chỉnh trong lần gia hạn. Nhiều tài sản đầu tư cách đây 20 năm cũng xuống cấp nhưng công ty không còn diện tích để bố trí thêm các hạng mục trò chơi mới.