COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng không thiếu và sốt hàng

NGUYỄN VIỆT 17/06/2021 18:22

Mặc dù COVID-19 có những diễn biến phức tạp, nhưng ngành Công Thương đã nỗ lực kết nối cung cầu thị trường trong nước, đảm bảo cung cầu hàng hóa thiết yếu cho người dân.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 5, chiều 17/6. Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, dù có nhiều nơi bị cách ly, giãn cách nhưng nhìn chung không có tình trạng thiếu hàng, sốt hàng, nhất là hàng hóa thiết yếu.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải.

Đồng thời vẫn đảm bảo duy trì sản xuất ngay tại các địa phương có dịch như Bắc Giang, Bắc Ninh, TP.HCM... tránh để gián đoạn, đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng không chỉ của Việt Nam mà của các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Sản xuất vẫn duy trì tại những vùng có dịch

“Để làm được điều này là nỗ lực lớn của các bộ ngành, hiệp hội, doanh nghiệp, trong đó có Bộ Công Thương. Triển vọng từ nay đến cuối năm được kỳ vọng sẽ tốt hơn, nhất là khi Việt Nam đang nỗ lực tìm nguồn vaccine”, ông Hải nói.

Có được kết quả này, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng có sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan báo chí, truyền thông. Thông qua các cơ quan báo chí truyền thông, ngành Công Thương đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, nhận được sự đánh giá cao của các cấp có thẩm quyền, người dân, doanh nghiệp.

Trao đổi với báo chí tại cuộc họp báo về xúc tiến tiêu thụ nông sản, ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, việc hỗ trợ địa phương tiêu thụ nông sản đến mùa vụ không phải việc năm nay mới làm mà Bộ Công Thương hàng năm đều triển khai và phối hợp triển khai tổng thể.

Cụ thể, ngay trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương đã có Chỉ thị số 08/CT-BCT ngày 25/5 về việc tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông và tăng cường hỗ trợ tiêu thụ tại thị trường trong nước các sản phẩm nông sản của các địa phương.

Căn cứ Chỉ thị này, Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp với các địa phương tổng hợp số liệu, số lượng nông sản mùa vụ, nhu cầu hỗ trợ xúc tiến thương mại, sau đó có kế hoạch tổng thể để hỗ trợ tiêu thụ.

Việc này cũng cần sự vào cuộc của nhiều cục vụ khác như Tổng cục Quản lý thị trường, Vụ Thị trường trong nước, Văn phòng Bộ, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số… cũng như các bộ ngành liên quan và địa phương.

“Như vậy, việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản không phải chỉ được triển khai sát mùa vụ mà là chương trình hàng năm. Ví dụ khi phối hợp với Hải Dương, Bắc Giang để tiêu thụ nông sản, Bộ Công Thương đã phải làm việc từ đầu năm 2021, cùng địa phương lên kế hoạch tổng thể. Kết quả tiêu thụ thời gian vừa qua là kết quả của một chuỗi các hoạt động đã được triển khai bài bản trước đó”, ông Chiến chia sẻ.

Bên cạnh đó, việc hỗ trợ tiêu thụ đã được triển khai qua nhiều kênh khác nhau như các kênh truyền thống như siêu thị, các nhà phân phối lớn, các sàn thương mại điện tử… Vải thiều của Hải Dương và Bắc Giang trong năm nay cũng lần đầu tiên được thí điểm áp dụng ứng dụng truy xuất nguồn gốc và nhận được phản hồi tích cực từ địa phương, doanh nghiệp thu mua, thị trường nước ngoài. Bằng nhiều giải pháp tổng thể, cùng với tiêu thụ nội địa, đến nay, vải thiều đã xuất khẩu thành công sang nhiều thị trường như Nhật Bản, Pháp...

“Thời gian tới, Cục Xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương khác để kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản. Cụ thể như sắp tới sẽ kết nối với Hưng Yên để tiêu thụ nhãn và nông sản; kết nối với Bình Thuận để hỗ trợ tiêu thụ thanh long”, ông Chiến nói.

Đánh giá về xuất khẩu bền vững, theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu,  vấn đề này đã được đưa ra từ lâu và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế. Đây là khái niệm có nhiều nội hàm nhưng được thể hiện qua các yếu tố như quy mô xuất khẩu, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, tính ổn định trong tăng trưởng xuất khẩu… Và điều quan trọng nhất là xuất khẩu nhưng không đánh đổi những vấn đề quan trọng khác như lao động, môi trường. Xuất khẩu phải gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì ổn định cán cân thương mại.

“Để xuất khẩu bền vững, thì việc tạo được nguồn hàng ổn định là yếu tố quan trọng hàng đầu. Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ ngành để quy hoạch sản xuất, xuất khẩu theo hướng giảm bớt các mặt hàng có giá trị gia tăng thấp và tập trung các mặt hàng có giá trị gia tăng cao”, ông Hải nhấn mạnh.

Xây dựng chiến lược xuất nhập khẩu

Bên cạnh đó là rà soát các văn bản pháp lý, tháo gỡ khó khăn và tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động thương mại. Ví dụ, với những ngành hàng như dệt may, hiện nay các địa phương có tâm lý không tiếp nhận các đầu tư cho các dự án dệt nhuộm, coi đó là ngành nghề tác động đến môi trường.

Toàn cảnh cuộc họp báo.

Toàn cảnh cuộc họp báo.

“Đây là yếu tố cần làm rõ, vì hiện nay công nghệ dệt nhuộm đã có nhiều cải thiện. Nếu nhà đầu tư đáp ứng được các yếu tố về môi trường thì các địa phương có thể xem xét ra sao để giải quyết vấn đề này, tạo điều kiện cho khâu dệt nhuộm vải”, ông Hải đề xuất.

Đối với các FTA đã được ký kết, doanh nghiệp khai thác và tận dụng các cơ hội như thế nào? Ông Hải cho biết, Bộ Công Thương đã có nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực trong lĩnh vực xuất khẩu, thích nghi và vượt qua rào cản thương mại.

Cùng với việc mở cửa thị trường thì doanh nghiệp cũng phải đối diện với nhiều hàng rào thương mại phi thuế và việc hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các hàng rào này cũng là việc quan trọng.

Ngoài ra là vấn đề đổi mới công tác xúc tiến thương mại và phát triển thị trường. Ông Hải cho biết, thời gian tới, công tác xúc tiến thương mại sẽ tập trung vào lĩnh vực công nghệ và cách triển khai hoạt động xúc tiến thương mại sẽ có nhiều điểm phù hợp với bối cảnh hiện nay. Các biện pháp xúc tiến thương mại sẽ được tiến hành cả trong nước và nước ngoài.

Vấn đề đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cũng là yếu tố quan trọng để tránh những rủi ro, bất lợi từ việc phụ thuộc quá lớn vào một thị trường. Đối với hoạt động thương mại biên giới, các địa phương biên giới cần đẩy mạnh các giải pháp xuất khẩu chính ngạch, xuất khẩu qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính.

Bên cạnh đó là các giải pháp về thuế, lao động, tín dụng, cải cách thủ tục hành chính… Hiện nay các Bộ ngành, trong đó có Bộ Công Thương được đánh giá rất cao về việc cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi lớn nhất cho doanh nghiệp xuất khẩu. Đây là hoạt động cần tiếp tục duy trì trong giai đoạn tới.

Song hành với phát triển xuất khẩu, cũng phải làm tốt việc điều hành nhập khẩu thông qua các vấn đề như quy tắc xuất xứ, chống các biện pháp lẩn tránh, phát triển công nghiệp hỗ trợ thay thế hàng nhập khẩu…

“Như vậy, trên các nền tảng định hướng này, Bộ Công Thương đang xây dựng chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2021-2030, sẽ trình Chính phủ xem xét và ban hành trong thời gian tới. Các quan điểm, định hướng về xuất khẩu bền vững sẽ được thể hiện rõ nét trong văn bản này”, ông Hải bày tỏ.

Có thể bạn quan tâm

  • Bộ Công Thương xây dựng lộ trình cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh

    Bộ Công Thương xây dựng lộ trình cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh

    14:52, 10/06/2021

  • Bộ Công Thương nói gì về đề xuất

    Bộ Công Thương nói gì về đề xuất "thành lập Quỹ bình ổn giá thép"?

    21:51, 03/06/2021

  • Bộ Công Thương đề xuất tiêm vaccine cho lao động tại hệ thống bán lẻ

    Bộ Công Thương đề xuất tiêm vaccine cho lao động tại hệ thống bán lẻ

    14:59, 03/06/2021

  • Bộ Công Thương: Quy hoạch điện VIII ưu tiên cao cho phát triển năng lượng tái tạo

    Bộ Công Thương: Quy hoạch điện VIII ưu tiên cao cho phát triển năng lượng tái tạo

    03:30, 01/04/2021

  • Thứ trưởng Bộ Công thương: Nhiều tín hiệu lạc quan trong sản xuất thương mại và xuất khẩu

    Thứ trưởng Bộ Công thương: Nhiều tín hiệu lạc quan trong sản xuất thương mại và xuất khẩu

    12:21, 13/03/2021

  • Bộ Công Thương nói gì về tình trạng xăng giả dầu lậu?

    Bộ Công Thương nói gì về tình trạng xăng giả dầu lậu?

    03:00, 13/03/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng không thiếu và sốt hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO