[COVID-19] Doanh nghiệp đảm bảo nguồn cung thực phẩm dồi dào cho thị trường Hà Nội

Thy Hằng - Ảnh: Quốc Tuấn 08/03/2020 14:12

Đại diện Big C cho biết mở cửa sớm hơn và đóng cửa muộn đến 11h đêm, thậm chí mở cửa hoạt động đến khi hết khách hàng. Doanh nghiệp đảm bảo hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm rất dồi dào, không tăng giá.

Trao đổi với DĐDN, bà Nguyễn Thị Phương - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail (hệ thống siêu thị Big C) cho biết, ngay sau chỉ đạo nhanh chóng, quyết liệt của Chính quyền TP Hà Nội, đặc biệt là đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bộ Công Thương, doanh nghiệp đã làm việc với nhà cung cấp đảm bảo nguồn cung.

Hai ngày qua có tình trạng người dân Thủ đô đổ xô ra các siêu thị mua lương thực, thực phẩm tích trữ.

Hai ngày qua có tình trạng người dân Thủ đô đổ xô ra các siêu thị mua lương thực, thực phẩm tích trữ.

Hàng hoá đảm bảo dồi dào

Doanh nghiệp cho biết, ngay trong hôm qua (7/3) doanh nghiệp đã làm việc với các Nhà cung cấp tăng cường tần suất giao hàng, huy động và tăng cường nhân viên làm việc tối đa.

“Chúng tôi mở cửa sớm hơn và đóng cửa muộn đến 11h đêm, và thậm chí mở cửa hoạt động đến khi hết khách hàng. Nhờ đó, hôm nay tại các siêu thị Big C khu vực Hà Nội, hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm, đã tăng cường rất dồi dào”, Phó Tổng Giám đốc Central Retail chia sẻ.

Đặc biệt, đại diện doanh nghiệp này cho biết  tiếp tục cam kết không tăng giá hàng hóa. Như vậy, những ngày tới, người dân có thể yên tâm mua sắm tại Big C.

Lãnh đạo Sở Công thương TP Hà Nội cho biết, hai ngày qua, lượng hàng bán ra ở các siêu thị, trung tâm tiện ích tăng khoảng 40 - 50%. Sở đã yêu cầu các đơn vị không được tăng giá, găm hàng, đồng thời giao quản lý thị trường giám sát kiểm tra.

Sở Công thương nhận định hiện tượng thiếu hàng chỉ là cục bộ, “sở khẳng định không thiếu hàng, các mặt hàng thiết yếu sẽ được cung cấp đầy đủ. Người dân bình tĩnh không nên mua sắm quá nhiều". Đồng thời đề nghị các siêu thị thông tin cho người dân biết việc có đủ hàng hóa cung cấp.

"Trong bất kỳ tình huống nào, các hệ thống phân phối của Hà Nội cũng đảm bảo đầy đủ đáp ứng nhu cầu của người dân. Kể cả lượng mua hàng của người dân tăng gấp 1,5-2 lần thì nguồn hàng của các hệ thống phân phối vẫn đáp ứng đủ. Hà Nội cam kết đủ hàng, không ngày nào thiếu để người dân phải dự trữ", bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết.

Thống kê của Sở Công thương, hiện toàn thành phố có 455 chợ; 26 trung tâm thương mại; 142 siêu thị; 1.800 cửa hàng tiện ích và một số lượng lớn doanh nghiệp bán hàng online.

Có thể bạn quan tâm

  • [COVID-19] VinMart và VinMart+ cam kết đồng hành, đảm bảo nguồn cung, bình ổn và không tăng giá hàng hóa

    18:33, 07/03/2020

  • Bộ Công Thương yêu cầu doanh nghiệp tăng nguồn cung hàng hóa

    11:00, 07/03/2020

  • Hà Nội cam kết đảm bảo nguồn cung lương thực chống COVID-19

    10:57, 07/03/2020

  • [COVID-19] Thủ tướng yêu cầu hệ thống bán lẻ mở cửa bán gạo đến 11h đêm

    18:20, 07/03/2020

  • [COVID-19] Thủ tướng đưa 7 giải pháp cấp bách gỡ khó cho doanh nghiệp

    15:55, 06/03/2020

Cấp phát nhu yếu phẩm cho 195 người cách ly tại Trúc Bạch

Không chỉ đảm bảo nguồn cung cho tiêu dùng chung, nhu yếu phẩm cho khu vực bị cách ly cũng là điều được chính quyền Hà Nội đảm bảo.

Ông Tạ Nam Chiến, Chủ tịch UBND quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết, cơ quan chức năng sẵn sàng đáp ứng đầy đủ nhu yếu phẩm cho 195 người dân thuộc diện cách ly tại phố Trúc Bạch sử dụng. Mỗi đợt cấp phát sẽ đáp ứng 3 ngày sử dụng của người dân trên cơ sở đã tính toán.

Theo đó, các mặt hàng nhu yếu phẩm đã được định lượng trên số dân trên cơ sở tính toán của Sở Công Thương thành phố. Nhu yếu phẩm được cấp phát cho người dân đảm bảo rau xanh và thịt, gồm: thịt lợn, thịt gia cầm, trứng, gạo, mì ăn liền, mỳ gói, nước uống, dầu ăn…

Trước khi cấp phát nhu yếu phẩm, vào trưa ngày 7/3, UBND quận Ba Đình cũng đã cung cấp 195 suất cơm hộp, nước uống cho toàn bộ người dân bị cách ly nói trên, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hà Nội thực hiện cách ly và khử trùng khu vực Trúc Bạch, Ba Đình. Ảnh: Quốc Tuấn

Khu vực Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội xuất hiện ca nhiễm COVID-19 đầu tiên. Ảnh: Quốc Tuấn

Hà Nội thực hiện cách ly và khử trùng khu vực Trúc Bạch, Ba Đình. Ảnh: Quốc Tuấn

Hà Nội thực hiện cách ly và khử trùng khu vực Trúc Bạch, Ba Đình. Ảnh: Quốc Tuấn

Về khả năng cung cấp một số mặt hàng nhu yếu phẩm cho những người dân khu vực bị cách ly, ông Tạ Nam Chiến khẳng định: “Trên cơ sở thống kê các cửa hàng, chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn, quận có thể cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm cho người dân trong thời gian dài. Đồng thời, quận cũng đã chuẩn bị cả phương án khi nhu cầu sử dụng nhu yếu phẩm của người dân tăng đến 50% vẫn sẵn sàng cấp phát”.

Liên quan tới công tác phòng chống dịch, bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Hà Nội có phương án chuẩn bị lượng hàng hóa tăng thêm 30% - 50% so với nhu cầu bình thường của người dân trong một tháng.

Thành phố cũng lên phương án dự kiến lượng hàng hóa để phục vụ cho khu vực bị cách ly, giả định cho khoảng 5.000 người trong thời gian 30 ngày với định mức mỗi người gồm gạo 18kg; thịt lợn 1,35kg; trứng gia cầm 15 quả; muối ăn, bột canh 0,15kg; thủy hải sản đông lạnh 1,56kg; thực phẩm chế biến 1,35kg... thì tổng lượng hàng cần thiết là gạo 90 tấn; thịt lợn 6,75 tấn; trứng gia cầm 75.000 quả; muối ăn, bột canh 750kg; thủy hải sản đông lạnh 7,8 tấn; thực phẩm chế biến 6,75 tấn...

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
[COVID-19] Doanh nghiệp đảm bảo nguồn cung thực phẩm dồi dào cho thị trường Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO