Kết quả khảo sát của ĐH KTQD cho thấy, 93,9% các doanh nghiệp điều tra đánh giá dịch COVID-19 có tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Bên cạnh các số liệu thống kê chính thức, để có thể thấy rõ hơn tác động của đại dịch COVID-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, trường ĐH KTQD tiến hành khảo sát ý kiến của 510 doanh nghiệp (tính đến ngày 1/4/2020).
Mẫu doanh nghiệp này bao gồm 92,6% doanh nghiệp ngoài nhà nước, 6,08% doanh nghiệp FDI và 1,76% DNNN. Trong đó, các doanh nghiệp thuộc ngành dịch vụ chiếm 65,1%, công nghiệp và xây dựng 29,8% và nông nghiệp 5,1%. 69,3% các doanh nghiệp tại Hà Nội, 12,2% tại TP. HCM và 18,5% tại các địa phương khác. Trong số này có 61,56% doanh nghiệp có quy mô lao động dưới 50 người và 82,74% doanh nghiệp dưới 200 người.
Hệ quả từ COVID-19 đang dần bộc lộ
Kết quả nghiên cứu số liệu báo cáo của các cơ quan quản lý Nhà nước và kết quả khảo sát doanh nghiệp của ĐH KTQD cho thấy, cho đến thời điểm hiện tại, tác động của COVID-19 đến khu vực doanh nghiệp đã bắt đầu bộc lộ một cách rõ ràng trong tất cả các ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp. Dịch bệnh đã làm cho các doanh nghiệp cùng một lúc phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Có thể bạn quan tâm
11:35, 04/04/2020
10:25, 06/04/2020
Với các doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh, khảo sát đã đề nghị các doanh nghiệp đưa ra 5 khó khăn lớn nhất mà họ đang gặp phải. Kết quả cho thấy, nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với việc sụt giảm nguồn thu để bù đắp cho các chi phí khác (60,2% doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực lựa chọn); hay hoạt động sản xuất kinh doanh vận hành dưới mức bình thường (51,8% doanh nghiệp lựa chọn).
Bên cạnh đó, 43,4% doanh nghiệp trong số này gặp khó do không có nguồn thu; 39,4% không thực hiện được hoạt động sản xuất kinh doanh. Chẳng hạn, phải đóng cửa trường học, cơ sở sản xuất kinh doanh theo quy định để phòng chống dịch.
Ngoài ra, 31,2% doanh nghiệp trả lời do hàng hóa sản xuất không tiêu thụ được trong nước; 17,20% không xuất khẩu được. Các vấn đề về thiếu hụt vốn (36,7% doanh nghiệp lựa chọn), thiếu hụt nguyên liệu sản xuất cũng là một khó khăn lớn, đặc biệt nguồn nguyên liệu từ nhập khẩu (29,1% doanh nghiệp lựa chọn).
Sụt giảm doanh thu đang là khó khăn lớn nhất mà nhiều doanh nghiệp gặp phải trong thời kỳ dịch bệnh. Cụ thể, 20,2% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực cho rằng doanh thu của doanh nghiệp mình sụt giảm từ 80% trở lên; 28,4% doanh nghiệp bị sụt giảm từ 50% đến 80% doanh thu; 34,9% sụt giảm từ 30% đến 50%; 13,9% sụt giảm từ 10% đến 30%; và chỉ có 2,7% doanh nghiệp bị sụt giảm dưới 10% doanh thu.
Trong khi doanh thu bị sụt giảm nặng nề, các doanh nghiệp vẫn phải gánh chịu nhiều khoản chi phí lớn. Kết quả khảo sát cho thấy, chi phí nhân công lao động đang là gánh nặng lớn nhất của 34,5% doanh nghiệp dưới tác động của dịch Covid-19. Tiếp theo là khoản chi trả lãi vay ngân hàng (25,0%), chi phí hoạt động thường xuyên (20,6%), chi phí thuê mặt bằng (17,9%).
Số lượng, quy mô doanh nghiệp suy giảm cùng với đó là lao động mất việc làm và thất nghiệp gia tăng. Trong 2 tháng đầu năm có 16.151 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 19,5% so với cùng kỳ. 2.807 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.
Đây là tháng đầu tiên hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ghi nhận những tác động của dịch COVID-19. Quy mô sản xuất của các doanh nghiệp cũng bị thu hẹp. Tính đến 20/3/2020, đã có trên 15% số doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất (tháng 2/2020 là 10%).
Nếu ước tính số lao động bình quân 1 doanh nghiệp khoảng 25 người thì trong 2 tháng đã có khoảng 400.000 lao động bị ảnh hưởng do các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh. Ước tính số lao động bị giảm giờ làm hoặc mất việc làm khoảng 440.000-880.000 người.
Nếu dịch bùng phát, số lao động bị giảm giờ làm hoặc bị mất việc làm khoảng 880.000-1,32 triệu người. Thống kê trong tháng 2/2020 đã cho thấy, số người thất nghiệp nộp hồ sơ hưởng BHTN là trên 47.000 người, tăng 60% so với tháng 01/2020 và tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái (gần 28.000 người).
Kết quả từ cuộc khảo sát của ĐH KTQD cho thấy, để đối phó với những khó khăn do tác động của đại dịch, các doanh nghiệp đã có các giải pháp cụ thể. 65,5% doanh nghiệp thực hiện cắt giảm chi phí hoạt động thường xuyên; 35,3% doanh nghiệp phải cắt giảm lao động; 34,0% phải cắt giảm lương nhân công lao động và 34,5% doanh nghiệp đã phải cho lao động nghỉ việc không lương; 44,7% doanh nghiệp cắt giảm quy mô sản xuất kinh doanh; 34,7% các doanh nghiệp lựa chọn tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh để chờ qua thời kỳ khó khăn và 15,1% doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi hình thức sản xuất kinh doanh cho phù hợp với bối cảnh mới.
Doanh nghiệp phản hồi chính sách hỗ trợ
Trong nỗ lực giải cứu các doanh nghiệp và người lao động khỏi những tác động tiêu cực của dịch bệnh, ngày 4/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19. Trên tinh thần Chỉ thị trên, các Bộ, ban, ngành đã khẩn trương nghiên cứu, xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo cụ thể trong từng lĩnh vực mà mình phụ trách. Cho đến cuối tháng 3/2020, nhiều chính sách hỗ trợ đã được ban hành.
Trong thời gian tới, một số dự thảo Nghị định, đề án… sẽ sớm được thông qua và có hiệu lực. Trên cơ sở tổng hợp các giải pháp, chính sách mà Chính phủ đã và sẽ ban hành, ĐHKTQD đã đề nghị các doanh nghiệp xếp hạng mức độ cần thiết của từng chính sách nhằm khắc phục những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra (với 1 là cần thiết nhất).
Các chính sách được các doanh nghiệp đánh giá cao là cần thiết tiếp theo lần lượt là miễn, giảm lãi phí ngân hàng (2,51 điểm); hỗ trợ cho vay vốn với mức lãi suất ưu đãi (2,6) điểm); và cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các khoản nợ (2,66 điểm). Trong bối cảnh nguồn thu sụt giảm, nguồn vốn sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, các chính sách hỗ trợ cho vay vốn với mức lãi suất ưu đãi là rất cần thiết nhằm giúp cho các doanh nghiệp duy trì và khôi phục sản xuất kinh doanh.
Dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, hiện tại, nhiều ngân hàng thương mại đã thông báo giảm lãi suất cho vay tối đa2,5%/năm so với biểu lãi suất thông thường, nhất là với những lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế.
Các chính sách còn lại, bao gồm tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn (2,78 điểm), không tăng chi phí điện, nước (2,9 điểm) và rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp (3,08 điểm). Đây cũng là những chính sách rất cần thiết giúp giảm chi phí hoạt động của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong khắc phục những hậu quả do dịch COVID-19 gây ra.
Nhìn chung, các chính sách ở trên đều được các doanh nghiệp đánh giá cao vì điểm trung bình về mức độ cần thiết của từng chính sách đều thấp hơn mức trung bình chung là 3,5. Tuy nhiên, dường như chưa có chính sách nào vượt trội hơn cả nhằm đáp ứng nhu cầu của số đông doanh nghiệp...