[COVID-19] Doanh nghiệp gỗ "chạy đua" thay đổi phương thức kinh doanh để “vượt bão”

Hoài Anh 16/04/2020 00:00

Đại dịch COVID- 19 đã và đang tác động tiêu cực tới ngành gỗ của Việt Nam. Kinh doanh theo hình thức online là giải pháp giúp doanh nghiệp gỗ “vượt bão”

Do ảnh hưởng của COVID-19, từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp (DN) ngành gỗ đã liên tục bị hủy đơn hàng, thiệt hại lên đến hàng triệu USD. Nhiều sự kiện xúc tiến thương mại không thể được tổ chức, bạn hàng không thể tới Việt Nam để khảo sát thị trường. Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam dự báo, năm 2020, xuất khẩu gỗ có thể không có tăng trưởng.

Kết quả khảo sát nhanh bởi nhóm nghiên cứu các Hiệp hội ngành gỗ từ 124 DN được thực hiện mới đây cho thấy, có 76% số DN phản hồi cho biết mức thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 3,066 nghìn tỷ đồng; trên một nửa (51%) số DN phản hồi cho biết đã thu hẹp quy mô sản xuất; khoảng 45% tổng số lao động trong các DN đã mất việc do dịch.

Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp Hội chế biến gỗ tỉnh Bình Định (BIFA) - Tổng Giám đốc Công ty Minh Phát 2 (MIFACO) - nhận xét: Trong bối cảnh này, DN chỉ có 2 sự lựa chọn. Một là cố gắng tìm các giải pháp để tồn tại và chuẩn bị kỹ càng các bước tiếp theo để khi nào bệnh dịch qua đi thì tăng tốc trở lại. Hai là đóng cửa và phá sản. Do đó, doanh nghiệp đang chuyển đổi sang kinh doanh online để kỳ vọng “vượt bão”.

 Doanh nghiệp gỗ đang gặp khó khăn vì Covid-19

Doanh nghiệp gỗ đang gặp khó khăn vì Covid-19

Thời gian qua, trong khi kênh bán hàng offline gần như tê liệt thì tiêu thụ đồ nội thất qua kênh online của các nền tảng như Amazon, Wayfair, Shopify… vẫn tăng trưởng đều. Thống kê của nhà cung cấp dịch vụ Amazon tại Việt Nam - Công ty OnBrand, chỉ tính trong một tháng qua, lượng DN gỗ kết nối với OnBrand để bán hàng trên nền tảng Amazon đã tăng trưởng gấp 5 lần.

“Hiện tại BIFA đang hợp tác với 2 công ty thương mại điện tử lớn nhất toàn cầu Amazon và Alibaba trong việc chuyển đổi hình thức bán hàng. Hai đối tác này đang tiến hành các hoạt động đào tạo cho một số công ty thành viên của BIFA và kỳ vọng trong tương lai các bên sẽ phối hợp để hình thành kênh thương mại online”, ông Hiệp chia sẻ.

 Nắm bắt được điều này, mới đây, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh HAWA, Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) và Hiệp hội Gỗ và Thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (DOWA) đã ký kết bản thỏa thuận hợp tác với các DN công nghệ trong và ngoài nước nhằm chuyển đổi số và thúc đẩy bán hàng qua kênh TMĐT. Trong thỏa thuận này, Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) sẽ hỗ trợ kết nối hợp tác các hội viên của HAWA với các nền tảng TMĐT như Amazon, Wayfair, Shopify... hoặc các trung gian bán hàng trên các nền tảng TMĐT, từ đó đẩy xuất khẩu ra thị trường thế giới. Xuất khẩu qua sàn thương mại điện tử (TMĐT) không chỉ là giải pháp giúp các DN sản xuất đồ gỗ nội thất vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh hiện nay mà còn mở ra cơ hội tăng kim ngạch, tìm kiếm nhiều bạn hàng trong tương lai.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp điều

    Doanh nghiệp điều "điêu đứng" vì COVID-19 

    06:00, 15/04/2020

  • EVFTA và cơ hội cho ngành gỗ Việt

    EVFTA và cơ hội cho ngành gỗ Việt

    05:06, 13/07/2019

  • Đại dịch COVID -19 ảnh hưởng ra sao tới xuất khẩu dăm gỗ Việt Nam?

    Đại dịch COVID -19 ảnh hưởng ra sao tới xuất khẩu dăm gỗ Việt Nam?

    10:25, 17/02/2020

Không chỉ tập trung xuất khẩu, DN còn tận dụng kênh online để sản xuất sản phẩm phục vụ thị trường trong nước.

Ông Nguyễn Duy Khiêm, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phát chia sẻ, Công ty hiện tại hoạt động chủ yếu theo phương thức bán hàng online, qua zalo, viber và sản xuất theo các đơn đặt hàng theo các kênh đặt hàng trên các nhóm này.

Bên cạnh đó, công ty đang có hướng nghiên cứu, chuyển đổi sản xuất các sản phẩm như cũi trẻ em, ghế ăn trẻ em… cung ứng cho thị trường nội địa. “Những sản phẩm này, trước đây, Việt Nam thường nhập khẩu từ Trung Quốc, Công ty đang xoay sang sản xuất các mặt hàng này để tạo công việc cho lao động, tạo nguồn lực để vực dậy khi dịch kết thúc”, ông Khiêm nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
[COVID-19] Doanh nghiệp gỗ "chạy đua" thay đổi phương thức kinh doanh để “vượt bão”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO