Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh cho rằng với những diễn biến phức tạp như hiện tại, Việt Nam phải chuẩn bị những kế hoạch, kịch bản dài hơi hơn để ứng phó.
-Ông có đánh giá như thế nào về cách phòng dịch Việt Nam trong giai đoạn 1?
Có thể nói trong giai đoạn 1 Chính phủ thực hiện rất tốt việc phòng chống dịch. Ở giai đoạn này, việc kiểm soát dịch, không cho dịch tràn vào đã được thực hiện rất tốt. Điều này dẫn đến kết quả là số người nhiễm rất ít, và không có ai tử vong vì dịch bệnh. Ở giai đoạn vừa rồi nếu so với các nước trong khu vực và kể cả là các nước trên thế giới như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… thì Việt Nam đã làm tốt hơn rất nhiều.
Nhưng cuộc chiến với COVID-19 giai đoạn 2 đã có nhiều thay đổi nên nếu chúng ta đã bước sang giai đoạn 2 mà vẫn duy trì chính sách chống dịch như giai đoạn 1 sẽ không phù hợp và gây tốn kém không cần thiết.
-Ông có thể nói rõ hơn về điều này không, thưa ông?
Cần phải xác định rằng, giai đoạn 1 dịch mới chỉ bắt đầu xâm nhập vào nhưng sang giai đoạn 2 thì dịch đã bắt đầu phát tán ở ngoài cộng đồng nên cách chống dịch theo hướng dập dịch và khoanh vùng sẽ không còn phát huy tác dụng.
Có thể trong thời gian tới nhiều người sẽ bị nhiễm bệnh. Tôi chỉ đặt ra một tình huống giả định rằng khi dịch phát tán trong cộng đồng, hoặc có đến hàng nghìn người bị nhiễm thì việc có thể xác định được xem nguồn gốc của dịch, ai là người phát tán, ai lấy cho ai là điều rất khó khăn. Với quy mô dịch như vậy mà cách ly tất cả từ F1, F2… rồi phong tỏa cả khu thì rất tốn kém… Trường hợp dịch kéo dài trong vài ba tháng thì chúng ta có thể chịu được nhưng trong trường hợp mà dịch kéo dài hơn thì nguồn lực rất khó khăn.
Đó là chưa kể đến vấn đề, khi dịch phát tán quá rộng, nếu sử dụng chính sách “ngăn sông cấm chợ” trong một thời gian dài thì mọi vấn đề kinh tế sẽ bị ngừng trệ. Lúc ấy, nguồn lực kinh tế chống dịch của chúng ta sẽ không còn, chúng ta sẽ rất khó khăn.
-Nền kinh tế sẽ chịu ảnh hưởng như thế nào bởi dịch bệnh? Đâu sẽ là ngành nghề chịu ảnh hưởng nhiều nhất, thưa ông?
Cả nền kinh tế sẽ chịu ảnh hưởng, tất cả các ngành nghề và đối tượng sẽ chịu ảnh hưởng chứ không riêng gì đối tượng nào cả.
Có những ngành nghề sẽ chịu thiệt hại ngay khi dịch xảy ra như du lịch, hàng không, nhà hàng, khách sạn… tiếp đó là những đối tượng ăn theo các ngành nghề này cũng vì thế mà chịu ảnh hưởng. Sau đó, là các lĩnh vực khác như xây dựng, nông nghiệp… cũng chịu ảnh hưởng sau một thời gian dịch bệnh kéo dài.
Ở góc độ tổng thể nền kinh tế, thời gian ảnh hưởng của dịch Covid-19 lên nền kinh tế là trong thời gian tương đối dài chứ không kết thúc trong ngày một ngày hai, cũng không thể kết thúc ngay khi dịch kết thúc.
Có thể bạn quan tâm
17:46, 12/03/2020
17:03, 12/03/2020
16:12, 12/03/2020
15:12, 12/03/2020
-Vậy Việt Nam nên ứng phó với dịch này như thế nào, thưa ông?
Về lâu dài, với những diễn biến phức tạp như hiện tại, chúng ta phải chuẩn bị những kế hoạch, kịch bản dài hơi hơn để ứng phó.
Chính phủ chính là “nòng cốt” dẫn dắt niềm tin của xã hội. Do đó, trong cuộc chiến này, vai trò của Chính phủ không đơn giản chỉ là làm tốt công tác kiểm soát dịch bệnh, không cho dịch lan rộng, giảm tối đa các thiệt hại về người và những tổn hại lên nền kinh tế. Còn những gì mà nền kinh tế có thể tự làm được, giải quyết được thì Nhà nước không nên tác động vào.
Về phía người dân, một mặt cần tin tưởng và nghe theo các định hướng của Chính phủ liên quan đến công tác phòng, chống dịch. Mặt khác, cần nâng cao hơn nữa ý thức của bản thân mình, chủ động hơn nữa trong việc phòng dịch.
Về phía doanh nghiệp, hơn lúc nào hết, thời điểm hiện tại là lúc mà doanh nghiệp phải liệu cơm gắp mắm. Doanh nghiệp phải xác định được họ có nên tiếp tục đầu tư hay không? Cùng với đó, bản chất của kinh doanh là tính cộng sinh nên sẽ phải có sự san sẻ, hỗ trợ lẫn nhau. Tôi có thể dẫn chứng một ví dụ chủ mặt bằng có thể giảm bớt tiền thuê trong lúc khó khăn, doanh nghiệp có thể hỗ trợ nhân viên trong mức nhất định khi cho họ nghỉ tạm thời, người lao động cũng chia sẻ ngược trở lại với chủ sử dụng lao động...
Khi có ý thức hơn về sự cộng sinh, chúng ta sẽ giải quyết được các vấn đề lớn hơn trong nền kinh tế thời dịch bệnh, ví dụ như hàng hoá, dịch vụ công. Điều này cũng giúp cho Chính phủ không phải can thiệp quá sâu, sử dụng những biện pháp hành chính trong nền kinh tế.
-Trân trọng cảm ơn ông!