Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp khẳng định hành vi không đeo khẩu trang là không tham gia chống dịch và có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kể từ ngày 16/3 thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại các nơi công cộng có tập trung đông người như siêu thị, sân bay, nhà ga, bến xe, trên các phương tiện giao thông công cộng... Đồng thời giao 2 bộ Công Thương và Y tế chỉ đạo bảo đảm sản xuất, cung ứng khẩu trang bảo đảm chất lượng đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhân dân.
Quy định bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng là một trong những giải pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn dịch virus COVID-19 lây lan. Việc không hợp tác thực hiện quy định này, sẽ không chỉ gây khó cho lực lượng chức năng quản lý mà còn làm hổng “bình phong” chống dịch mà Việt Nam đang nỗ lực đang có gắng xây dựng.
Vậy, những người không đeo khẩu trang sẽ chịu hình thức xử lý như thế nào? Về vấn đề này, Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết, theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm đã quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm như sau: Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tại Việt Nam có trách nhiệm tham gia phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Điều 8 Luật này quy định nghiêm cấm hành vi: Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Điểm a khoản 1 Điều 51 Luật này cũng quy định người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch phải thực hiện một hoặc một số biện pháp bảo vệ cá nhân sau đây: Trang bị bảo vệ cá nhân.
Hiện nay, ban chỉ đạo chống dịch đã quy định mọi người dân phải đeo khẩu trang nơi công cộng để phòng tránh việc lây lan bệnh truyền nhiễm.
“Do đó, hành vi không thực hiện, không chấp hành chỉ đạo của ban chỉ đạo chống dịch là hành vi vi phạm pháp luật”, Luật sư Cường nhấn mạnh.
Cũng theo ông Cường, tùy theo tính chất, mức độ hành vi vi phạm mà có thể xử phạt vi phạm hành chính, hoặc thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự nếu làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm với hậu quả nghiêm trọng.
Khoản 1 Điều 11 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định hành vi vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch: Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.
Ngoài ra, khoản 3 Điều này quy định hành vi không tham gia chống dịch theo quyết định huy động của Ban Chỉ đạo chống dịch có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Về khả năng truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi không đeo khẩu trang ở nơi công cộng, Điều 240 BLHS 2015 quy định về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người như sau: Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người; c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người. Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh cho người có thể là các hành vi vi phạm các quy định về phòng chống dịch bệnh nguy hiểm như không tiêu hủy động vật, thực vật bị nhiễm bệnh, không khoanh vùng tẩy uế khu vực bị dịch bệnh, không tiến hành cách ly người nhiễm bệnh.... từ đó tạo điều kiện cho dịch bệnh lây lan nhanh.
Theo Luật sư Cường trong trường hợp hành vi vi phạm dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc làm chết người thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
"Trường hợp phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; Làm chết 02 người trở lên thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm", ông Cường nói.