Cú "bẻ lái" và giấc mơ giáo dục

Linh Nga 31/08/2019 11:03

Thị trường giáo dục đang tạo ra làn sóng đầu tư mạnh mẽ đối với nhiều tổ chức, doanh nghiệp, tuy nhiên, đây cũng là thị trường rất nhiều thách thức.

Đầu tư vào mảng đào tạo và nghiên cứu, nuôi giấc mơ Việt Nam sẽ có những công trình khoa học tầm cỡ thế giới, song doanh nhân Hồ Xuân Năng – Chủ tịch Tập đoàn Phenikaa và cũng là Chủ tịch của Đại học Thành Tây khá kín tiếng về những lĩnh vực mới này.

- Ông từng nói “Khi đầu tư vào đại học, điều quan trọng là phải xác định mình muốn cái gì trong tương lai”. Vậy, thời điểm ông mua lại Đại học Thành Tây (nay là Trường Đại học PHENIKAA) , ông nghĩ đến điều đó như thế nào?

Ông Hồ Xuân Năng

Ông Hồ Xuân Năng

Đầu tư vào mảng giáo dục đại học không phải là cảm hứng nhất thời của tôi mà là tâm huyết được ấp ủ từ trước đó rất lâu. Năm 2015-2016, tôi mới chỉ mua được 35% cổ phần của Trường Đại học Thành Tây. Đến cuối năm 2017 chúng tôi mới kiểm soát hoàn toàn được và chính thức đổi tên thành Trường Đại học PHENIKAA.

Sau khi nắm quyền kiểm soát hoàn toàn chúng tôi xác định sẽ đưa trường sang một con đường hoàn toàn mới. Từ một cơ sở đào tạo đã hoạt động chục năm, với nhân sự và cách thức vận hành theo hướng dạy nghề, Trường được phát triển theo định hướng mới với mục tiêu trở thành trường đại học nghiên cứu trình độ cao, từng bước hội nhập hệ thống đại học khu vực và thế giới.

- Việc xác định mục đích “vì lợi nhuận” hay “không vì lợi nhuận” vẫn còn mơ hồ và gây nhiều tranh cãi tại một số cơ sở đào tạo và nghiên cứu tư thục ở Việt Nam, vì những mâu thuẫn thường trực giữa hội đồng trường và rất nhiều cổ đông góp vốn. Vậy, ông triển khai định hướng tổ chức của mình như thế nào?

Tôi cho rằng, đầu tư vào giáo dục đại học luôn có hai mặt. Nếu đầu tư vào giáo dục đại học chỉ vì lợi nhuận trước mắt, đa phần người chủ sẽ không chú trọng đầu tư nhiều cho trường, cho chất lượng học mà chỉ cốt tuyển sinh cho nhiều để thu học phí. Ít có trách nhiệm với giáo dục. Nếu đầu tư một cách thực chất thì chưa chắc đã có lợi nhuận. Người ta sẽ bảo là mình viển vông, làm không có lợi nhuận thì làm làm gì.

Chính ở trong Trường Thành Tây, một số ít cổ đông cũng nói là, ông Năng làm doanh nghiệp, làm gì có chuyện ông ấy đầu tư không có lợi nhuận? Nhưng tôi ít nhiều xuất thân từ nhà giáo, nhà khoa học nên suy nghĩ của tôi khác. Tôi thấy mình cần làm được gì đó có ích cho xã hội.

Có thể bạn quan tâm

  • Đầu tư giáo dục: Chọn mô hình hay chất lượng?

    14:01, 28/08/2019

  • [VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Lỗi hệ thống và vĩ mô giáo dục

    02:05, 09/08/2019

  • [VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Giáo dục đạo đức: Cần trách nhiệm chung của “kiềng ba chân”!

    05:14, 29/07/2019

  • Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Thành phố Giáo dục Quốc tế đầu tiên tại Việt Nam

    06:00, 03/07/2019

  • Nâng tầm giáo dục mầm non Việt: Nhìn từ “lăng kính” doanh nhân Hàn Quốc

    14:40, 02/07/2019

-  Vậy ông làm thế nào để dung hòa giữa hai thái cực này khi mà hoạt động nghiên cứu và giáo dục đại học không trực tiếp phục vụ cho lợi ích doanh nghiệp, hơn nữa lại có rủi ro?

Vấn đề là cần có tầm nhìn và chiến lược dài hạn. Tôi cho rằng đào tạo đại học dựa trên nền tảng nghiên cứu khoa học là cách làm duy nhất và bền vững để dung hoà, hơn thế nữa sẽ thừa sức tài trợ ngược lại nghiên cứu khoa học.

Với một ngành mới, chúng tôi sẵn sàng mở nếu đạt được hai điều: Thứ nhất, nếu nó đang là một ngành “hot”, một xu hướng ở Việt Nam. Thứ hai, nếu nó không là ngành “hot” nhưng nó góp phần khai phá nền khoa học Việt Nam, tạo nền móng để thu hút các nhà khoa học tài năng và sau này tạo ra lớp sinh viên mới, hội nhập với thế giới thì chúng tôi sẽ làm.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cú "bẻ lái" và giấc mơ giáo dục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO