Vài năm trở lại đây, người ta thường nhắc đến những cơn sốt đất tại nhiều tỉnh thành mà trước đây luôn bị coi là “tỉnh lẻ” như Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hưng Yên,…
Những dự án triệu đô với hàng trăm hecta từ nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước liên tiếp xuất hiện khiến người ta sửng sốt về sự phát triển “thần tốc” của các địa phương này.
Tôi nhận thấy, trong vài năm gần đây, các nhà đầu tư bắt đầu hứng thú tìm hiểu BĐS các khu vực ngoại tỉnh như Hải Phòng, Quảng Ninh…Đặc biệt khi 2 tỉnh này có chế mở cửa thu hút đầu tư thì sự dịch chuyển này càng rõ nét. Các doanh nghiệp BĐS địa phương cũng nhanh nhạy nắm bắt thời cơ bứt phá…
Vài năm trở lại đây, người ta thường nhắc đến những cơn sốt đất tại nhiều tỉnh thành mà trước đây luôn bị coi là “tỉnh lẻ” như Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hưng Yên,… Những dự án triệu đô với hàng trăm hecta từ nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước liên tiếp xuất hiện khiến người ta sửng sốt về sự phát triển “thần tốc” của các địa phương này.
Trong làn sóng đầu tư ấy, doanh nghiệp bất động sản (BĐS) vừa và nhỏ tại các địa phương này đã làm gì để “đón sóng”? Họ nhận định như thế nào về tiềm năng “đất vàng” của quê hương?... DOANH NHÂN cùng trò chuyện với bà Lê Thị Quyên – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP Quốc tế Queen Group.
SỰ DỊCH CHUYỂN LÀN SÓNG ĐẦU TƯ BĐS
Bà đánh giá như thế nào về xu hướng chuyển dịch đầu tư bất động sản từ các thành phố trung tâm tới các tỉnh thành khác của miền Bắc?
Trong khoảng vài năm trở lại đây thị trường bất động sản ở các đô thị trung tâm như Hà Nội chuyển từ nhà đầu tư nhỏ lẻ sang người mua có nhu cầu thực tế.
Khi thị trường không có sự sôi động, tính hiệu quả trong đầu tư ngắn hạn giảm xuống, các nhà đầu tư sẽ tìm thị trường mới. Chúng ta có thể thấy, nhiều tỉnh thành ở miền Bắc hiện nay đầu tư mạnh phát triển công nghiệp và hạ tầng đô thị. Đặc biệt, sự xuất hiện của các doanh nghiệp FDI với lượng lao động trong và ngoài nước đổ về những tỉnh thành này đã thu hút dòng vốn của các nhà đầu tư BĐS chảy mạnh vào.
BĐS các tỉnh ven biển như Hải Phòng, Quảng Ninh thể hiện rõ nhất sự dịch chuyển này, thưa bà?
Đúng vậy. Đây là các địa phương có nhiều lợi thế sẵn có như: kinh tế biển phát triển, sản xuất công nghiệp, hạ tầng đô thị lâu đời nhưng chưa biết tận dụng lợi thế. Chỉ từ năm 1998 đến nay, Hải Phòng và Quảng Ninh mới bắt đầu nhận ra tiềm năng của địa phương và có những chính sách kích cầu tăng trưởng thu hút đầu tư vào khu vực này.
“Tôi ví đất Hải Phòng, Quảng Ninh như vàng, như bạc vì độ “hot” cũng như giá trị nội tại của nó. Cả hai tỉnh thành này đều có lợi thế và tiềm năng rất lớn về BĐS, đặc biệt là sự quyết tâm hành động của lãnh đạo địa phương”.
Doanh nhân Lê Thị Quyên.
Doanh nghiệp BĐS tại các địa phương này đã nắm bắt cơ hội đó ra sao, thưa bà?
Tôi đã gắn bó và khởi nghiệp tại mảnh đất Quảng Ninh đủ lâu để nhận thấy sự “thay da đổi thịt” của nó. BĐS của Quảng Ninh hiện nay khá mạnh với khoảng 50 sàn giao dịch, gần 1000 nhân viên kinh doanh đang hoạt động. Đây chính là lực lượng cầu nối gắn kết chủ đầu tư với hàng loạt dự án tới tay khách hàng. Hầu hết các sàn giao dịch BĐS đều có chiến lược hoạt động rõ ràng, đóng góp thị phần lớn cho thị trường bất động sản tỉnh nhà.
Ưu điểm lớn nhất của các sàn giao dịch địa phương là sự gắn kết chặt chẽ, hợp tác bền vững với sự ra đời của Liên minh bất động sản Quảng Ninh giúp các công ty đưa ra mục tiêu thống nhất, tập hợp nguồn lực để hoàn thành mục tiêu. Tuy nhiên vẫn có một số sàn BĐS ra đời nhưng còn non trẻ, không đáp ứng đủ năng lực chuyên môn, gây ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín chung của người làm nghề.
“ĐẤT VÀNG, ĐẤT BẠC”
Như bà vừa nói, bà đã bắt đầu cơ nghiệp tại Quảng Ninh. Vậy dưới góc độ của người “bản xứ”, bà đánh giá thế nào về sự phát triển BĐS nơi đây?
Quảng Ninh được đánh giá là một trong những địa phương truyền cảm hứng và tạo sức lan tỏa mạnh trong khu vực kinh tế trọng điểm Bắc Bộ về phát triển KT-XH.
Để đưa lên hàng top, Quảng Ninh quyết tâm xây dựng hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng “khủng”: đường cao tốc, sân bay quốc tế Vân Đồn, khu công nghiệp, khu kinh tế mới…trị giá triệu USD. Hệ thống giao thông đồng bộ đã góp phần kết nối Quảng Ninh với toàn quốc và quốc tế. Đây là một trong những yếu tố giúp kích cầu lượng khách du lịch đến Hạ Long ngày một nhiều hơn.
Nhắc đến thị trường BĐS Quảng Ninh không thể không nhắc đến BĐS du lịch nghỉ dưỡng. Quảng Ninh biết tận dụng tốt tiềm năng, thế mạnh về hạ tầng giao thông, du lịch biển, đặc biệt là di sản vịnh Hạ Long để tạo sức bật cho BĐS du lịch. Phân khúc nghỉ dưỡng cao cấp chắc chắn là phân khúc “ruột” của bất động sản Quảng Ninh trong thời gian tới.
Bà đánh giá như thế nào về tiềm năng thị trường bất động sản nghỉ dưỡng của Quảng Ninh?
Quảng Ninh hiện có khoảng hơn 40 dự án BĐS Du lịch nghỉ dưỡng do nhiều “ông lớn”: Vingroup, Sun Group, Bim Group, FLC…đầu tư với gần 10 nghìn sản phẩm: condotel, biệt thự nghỉ dưỡng, villas, shophouse…
Sau khoảng thời gian trầm lắng do COVID, tôi nhận thấy thị trường bắt đầu có sự khởi động trở lại dù không đạt kì vọng như những năm trước đây nhưng cũng là dấu hiệu đáng mừng thể hiện BĐS nghỉ dưỡng Quảng Ninh luôn có sức hút đặc biệt.
Với thành phố Hải Phòng, bà đánh giá như thế nào về xu hướng thu hút đầu tư vào thị trường BĐS của thành phố này?
Hiện nay ngay trong trung tâm nội đô Hải Phòng đã có hàng chục dự án lớn nhỏ của các tên tuổi lớn: Vin Group, SRG, FLC, Hải Phát, Hoàng Huy… Mặc dù COVID nhưng thị trường giao dịch BĐS tại đây luôn sôi động. Hải Phòng có đầy đủ mọi yếu tố từ tự nhiên cho tới hệ thống cơ sở hạ tầng có sẵn tương đối đồng bộ để phát triển kinh tế nói chung và phát triển các dự án BĐS nói riêng.
Yếu tố khác biệt của thị trường này chính là sự nhất quán giữa dự án đầu tư với với phát triển đô thị và nhu cầu xã hội . Những năm gần đây, Hải Phòng không chỉ phát triển theo hướng mở rộng không gian địa lý mà còn thực hiện các mục tiêu chỉnh trang đô thị, cải tạo lại không gian đô thị cũ để tạo nên diện mạo mới hấp dẫn hơn. Chắc chắn trong thời gian tới, một dòng vốn không nhỏ của các nhà đầu tư BĐS miền Bắc sẽ dịch chuyển vào đây.
DOANH NGHIỆP BẤT ĐỘNG SẢN VÀ NHỮNG NỖI NIỀM “BIẾT TỎ CÙNG AI”…
Thị trường BĐS đã “tạo sóng”, doanh nghiệp BĐS của bà đã chuẩn bị những gì để đón sóng?
Bản thân tôi cũng như các đồng nghiệp đều nhận thấy để tồn tại lâu trong nghề phải không ngừng nâng cao tính chuyên nghiệp, thể hiện ở sự hiểu biết, kinh nghiệm và đạo đức nghề nghiệp. Để chào bán được dự án, phải hiểu giá trị sản phẩm, phân tích nhu cầu khách hàng và đưa ra chiến lược ngắn hạn, dài hạn cho sản phẩm cũng như nắm vững luật BĐS.
Là một người quản lý, tôi luôn nâng cao nghiệp vụ sale cho nhân viện bằng những khóa đào tạo thực chiến về kỹ năng tìm kiếm khách hàng, đàm phán thành công và đặc biệt là đạo đức nghề nghiệp: Tôn trọng khách hàng, giữ uy tín cá nhân với khách bằng sự trung thực và minh bạch.
Nhiều năm trong nghề, có bao giờ bà gặp khó khăn đến mức tưởng chừng muốn lùi bước?
Cái khó của người làm BĐS đó là phải bán một sản phẩm cũng với rất nhiều đối thủ cạnh tranh giống như một quả bóng trên sân nhưng biết bao kẻ giành đá. Đặc biệt, khi mà mạng xã hội phát triển thì tình trạng “nhà nhà làm sale, người người làm sale” một cách dễ dàng dẫn tới sự canh tranh khốc liệt của phân khúc nhà đô thị. Chúng ta đang sống ở thời kỳ kỷ nguyên của công nghệ, mọi cách thức tiếp cận giữa người mua và sản phẩm đã thay đổi. Chỉ cần nằm nhà lướt smartphone, khách hàng cũng có thể nắm được ở đâu có nhà bán, việc đưa họ đến xem nhà đã có Google lo. Vai trò của sale BĐS cũng dần bị đánh giá thấp.
“Tôi ví đất Hải Phòng, Quảng Ninh như vàng, như bạc vì độ “hot” cũng như giá trị nội tại của nó. Cả hai tỉnh thành này đều có lợi thế và tiềm năng rất lớn về BĐS, đặc biệt là sự quyết tâm hành động của lãnh đạo địa phương”.
Doanh nhân Lê Thị Quyên.
Thêm vào đó, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp BĐS lâm vào cảnh khó khăn, phải dừng hoạt động. Một số doanh nghiệp làm ăn minh bạch, đầu tư yếu kém dẫn tới ảnh hưởng ít nhiều tới người làm BĐS chân chính.
Chúng tôi cần chính sách hỗ trợ của các tổ chức, chính quyền địa phương giúp đỡ doanh nghiệp BĐS bị ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19. Sự đồng hành tích cực của các Tổ chức/ Hiệp hội, Hội giúp đỡ các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh dịch vụ BĐS cùng phát triển bền vững.
Cùng với đó, chính quyền địa phương cần có biện pháp kiểm tra, xử lý nghiêm minh những vi phạm trong đầu tư, phát triển dự án và kiên quyết loại bỏ những chủ đầu tư yếu kém; xóa bỏ rào cản chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư tăng cường chất lượng, đẩy mạnh tiến độ của các dự án bất động sản trên địa bàn.