Theo TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, với nhiều động lực cho phát triển, kinh tế Việt Nam 2018 sẽ tiếp tục là bức tranh sáng, tuy nhiên doanh nghiệp phải tự “cứu mình”, tăng cường liên kết, tạo cú hích để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, không thể trông chờ khối doanh nghiệp ngoại.
Đó là quan điểm của ông Thành khi trao đổi với PV DĐDN tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2018 do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các bộ ngành và các tổ chức quốc tế tổ chức.
- Như vậy, theo quan điểm của ông, điểm sáng của nền kinh tế 2017 là sự đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân. Nhưng khu vực này thực ra vẫn... chưa đủ lớn, thưa ông?
Để hỗ trợ sự phát triển, Chính phủ năm vừa qua đã làm rất nhiều. Một nước muốn phát triển phải “nâng tầm” khu vực kinh tế tư nhân là điều không phải bàn, nhưng để làm sao cho khu vực này phát triển mạnh cũng không phải điều dễ dàng.
Trước hết, cần một hệ thống pháp luật minh bạch và công bằng. Bảo vệ quyền sở hữu và những thành quả của doanh nghiệp doanh nhân, khi có tranh chấp thì giải quyết với thủ tục nhanh gọn, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.
Việt Nam cần lựa chọn những doanh nghiệp, tập đoàn tư nhân có tiềm năng lớn để tạo cảm hứng cho doanh nghiệp nhỏ. Không lựa chọn thí điểm theo ngành nhằm tránh việc lobby để nhận tiền từ ngân sách nhà nước.
Thứ hai, kinh tế tư nhân đang quá nhỏ bé. Minh chứng rõ ràng nhất, trong suốt 10 năm qua, đóng góp của khu vực này không thể vượt mức 10% vào GDP của nền kinh tế. Trong khi đó, tại các nước phát triển, mức đóng góp của khu vực này phải ít nhất là 80%.
Thứ ba, thu hẹp cái bóng quá lớn của khu vực Nhà nước, bao gồm cả cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp nhà nước. Hiện khu vực này đang như những cây đại thụ, hứng hết nắng của kinh tế tư nhân.
Về năm 2018, khu vực kinh tế tư nhân sẽ tiếp tục phát triển nhưng không có sự nhảy vọt mà vẫn sẽ tuần tự phát triển.
- Vậy ông có nhận định gì về sự tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2018 thì sao, đâu là động lực cho tăng trưởng kinh tế 2018, thưa ông?
Ba năm nay, tăng trưởng GDP vẫn đang từ từ đi lên và theo tôi, mức tăng trưởng GDP trong 2018 cũng sẽ không thấp hơn năm 2017.
Về những động lực, thứ nhất là xuất siêu, nếu giữ được đà xuất siêu như hiện nay thì đây là điều thuận lợi.
Thứ hai là nỗ lực cải cách kinh tế và hội nhập của Việt Nam đã làm cho đầu tư FDI vào Việt Nam tăng mạnh. Nếu như không có những đột biến về chính sách trên thế giới cũng như ở Việt Nam thì vốn vào Việt Nam còn nhiều hơn. Đây là hai yếu tố quan trọng sẽ đóng góp cho GDP tăng và nếu cao hơn năm 2017 thì tăng trưởng kinh tế sẽ có triển vọng trước.
Đặc biệt, hiện nay cải cách của Nhà nuớc về môi trường kinh doanh đang có những chuyển biến tích cực. Đây cũng sẽ là điều kiện thúc đẩy khu vực doanh nghiệp nhiều hơn, tạo ra được năng lực sản xuất tốt hơn cho doanh nghiệp, là nền tảng cơ bản cho tăng trưởng kinh tế năm sau.
- Nhưng cũng cần nói thêm rằng, kinh tế Việt Nam vẫn còn rất nhiều điểm nghẽn chưa thể hóa giải, thưa ông?
Chúng ta có thể thấy nền kinh tế Việt Nam hiện vẫn có nhiều hạn chế như ngân sách vẫn mất cân đối, nguồn thu khó khăn, nợ công tăng lên cản trở đầu tư của nhà nước vào cơ sở hạ tầng và những công trình phúc lợi lớn mang tính dài hạn phục vụ cho con người như giáo dục, y tế...
Tuy nhiên, theo tôi điểm nghẽn lớn nhất chính là vai trò của nhà nước đang quá lớn, hiện diện ở mọi nơi, bao gồm cả khía cạnh quản lý nhà nước và khu vực doanh nghiệp nhà nước. Đội ngũ quản lý nhà nước, đặc biệt là ở các địa phương đang cản trở khu vực doanh nghiệp tư nhân vốn đang rất nhỏ bé.
- Có nhiều chuyên gia còn cho rằng, nông nghiệp Việt Nam đang đứng đầu vì không phải chịu áp lực cạnh tranh với doanh nghiệp FDI. Trong khi đó, khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang nằm trong tay doanh nghiệp FDI là chủ yếu. Như vậy, dùng doanh nghiệp FDI để thúc đẩy doanh nghiệp nội phát triển cũng là một điểm nghẽn, thưa ông?
Đúng vậy! Vì thế, theo tôi, lúc này các doanh nghiệp lớn hơn của Việt Nam phải có ý thức trách nhiệm... làm lớn khối doanh nghiệp cả nước. Các doanh nghiệp lớn của Việt Nam hiện nằm ở hai khu vực: DNNN và các doanh nghiệp tư nhân như Vingoup, Sungroup, Thaco… Trong khi khối DNNN đang thu hẹp đáng kể thì các doanh nghiệp tư nhân lớn đã tạo dựng được nguồn lực vững chắc. Đây sẽ là “cú hích” đầu tiên và nếu không có “cú hích” này thì sẽ không có được sự lớn mạnh chung.
Tất nhiên không thể ép buộc bằng luật, vì thế nên tạo ra hệ thống chính sách mang tính động lực, khuyến khích các đại doanh nghiệp này hỗ trợ, gắn kết, chia sẻ với doanh nghiệp nhỏ. Đơn cử, Nhà nước sẽ đặt của doanh nghiệp lớn số lượng lớn hàng hoá, nhưng kèm quy định doanh nghiệp lớn này phải có đối tác là hàng chục, hàng trăm xưởng của các doanh nghiệp nhỏ nội địa. Có như thế mới kéo nhau lớn lên được. Đơn cử, tại Hàn Quốc có cả một đạo luật quy định về việc này.
Trưởng Ban Kinh tế TƯ Nguyễn Văn Bình: Động lực từ năng lượng bền vững Năng lượng luôn là yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Tại Việt Nam các nguồn nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ, khí đốt đã và đang đáp ứng phần lớn nhu cầu năng lượng của đất nước. Tuy nhiên, nguồn năng lượng này có hạn, tăng phát khí gây hiệu ứng nhà kính. Vì vậy, phát triển năng lượng gió, năng lượng mặt trời, địa nhiệt hay năng lượng từ sinh khối, năng lượng sinh học là một nhu cầu tất yếu. Tuy vậy, phát triển năng lượng tái tạo vẫn vướng mắc do thị trường năng lượng hiện nay chưa hoàn thiện, chưa đồng bộ. Cơ chế mua bán điện trực tiếp đã mở hướng đầu tư - tiêu thụ cho các cơ sở nhỏ nhưng chưa đủ mạnh để hấp dẫn đầu tư vào lĩnh vực này. Dù hiện nay suất đầu tư vào năng lượng tái tạo cao hơn so với nguồn truyền thống nhưng với công nghệ cập nhật liên tục, giá thành sản xuất năng lượng tái tạo đang giảm xuống là cơ hội để Việt Nam có năng lượng sạch với ngân sách ít hơn. Phát triển năng lượng xanh đang là xu thế mới làm thay đổi nhanh chóng cơ cấu ngành năng lượng. Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển ngành này nhờ bờ biển dài, khí hậu nhiệt đới gió mùa,cường độ bức xạ mặt trời lớn, nhiều cánh đồng gió tiềm năng... Để phát huy được cần sớm có cơ chế chính sách mang tính đột phá, đón đầu, nâng tỷ lệ sử dụng năng lượng xanh… Từ kết quả của hội thảo, Ban Kinh tế Trung ương sẽ báo cáo tổng hợp và chắt lọc những vấn đề mang tầm chủ trương hay những định hướng lớn để tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư về năng lượng, năng lượng xanh và an ninh quốc gia gắn với phát triển kinh tế bền vững trong giai đoạn tới. |
- Xin cảm ơn ông!