Một số nội dung của Nghị quyết 42/2017/QH14 đã được đưa vào Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua kỳ vọng sẽ tạo “cú hích” cho xử lý nợ xấu.
>>> Ba điểm chính trong Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được thông qua
Từ năm 2022 đến nay, do tác động của kinh tế thế giới và trong nước, nợ xấu ngành ngân hàng có xu hướng tăng cao trong khi việc thi hành án tín dụng ngân hàng bộc lộ nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến công tác thu hồi nợ xấu của các ngân hàng.
Các vấn đề về nợ xấu cũng phản ánh thực tế của các TCTD cũng như khó khăn của các doanh nghiệp trong việc trả nợ ngân hàng. Chưa kể hiện nay, các TCTD đang triển khai Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Thông tư 03/2021/TT-NHNN và Thông tư 14/2021/TT-NHNN liên quan đến hỗ trợ Covid-19 và gần đây là Thông tư 02/2023/TT-NHNN cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn... nên nợ xấu tiềm ẩn rủi ro còn rất lớn.
Việc xử lý nợ xấu là một vấn đề không chỉ NHNN, mà Đảng và Chính phủ cũng rất quan tâm, làm sao để đảm bảo khơi thông dòng vốn tín dụng, tạo điều kiện hỗ trợ thúc đẩy kinh tế phát triển. Nợ xấu tăng trở lại có nhiều nguyên nhân, trong đó phần lớn khách quan là do dịch bệnh kéo dài hơn hai năm, sau đó là những khó khăn của nền kinh tế.
Do vậy, các ngân hàng đang đối diện với thách thức rất lớn khi phải hỗ trợ cho các doanh nghiệp có khả năng phục hồi; nhưng phải xử lý khoản nợ của những doanh nghiệp không thể phục hồi bằng các biện pháp như đề nghị phát mãi tài sản đảm bảo, thậm chí thu giữ tài sản đảm bảo, hoặc yêu cầu các doanh nghiệp tập trung những nguồn lực khác để trả nợ.
Quay trở lại câu chuyện tại sao có Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD và phải có một đặc quyền riêng cho ngành ngân hàng trong việc xử lý nguồn nợ xấu, tôi cho rằng: Thứ nhất, trách nhiệm của người vay đối với khoản nợ của mình cũng cần phải xem xét lại. Thứ hai, phải rà soát lại hệ thống các văn bản pháp lý, đồng bộ từ các bộ luật theo Nghị quyết 42/2017/QH14, nghĩa là vướng mắc trong vấn đề về thu hồi xử lý nợ xấu, bàn giao tài sản. Nếu người vay chấp hành theo hợp đồng giao kết với TCTD, khi không có khả năng trả nợ thì người vay phải có trách nhiệm tự nguyện bàn giao tài sản cho ngân hàng xử lý.
>>>Kéo dài thời hạn Thông tư 02/2023: Giảm áp lực nợ xấu, hỗ trợ doanh nghiệp
Trên thực tế đã có không ít trường hợp diễn ra như vậy và phát sinh rất nhiều tranh chấp, không tự nguyện bàn giao tài sản, dẫn tới ngân hàng rất khó khăn trong khâu xử lý nợ xấu. Đến khi Nghị quyết 42/2017/QH14 hết hiệu lực, phía ngân hàng càng khó khăn hơn.
Theo báo cáo của các TCTD thông qua Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, có những vụ án tranh chấp khoản nợ xấu lên đến 5 năm vẫn chưa xử lý được, bởi vì cứ kéo dài qua các cấp và quay lại từ đầu. Ngay cả khi Nghị quyết 42/2017/QH14 cho phép xử lý rút gọn, nhưng thực tế vẫn chưa xử lý được một vụ nào rút gọn.
Thời gian qua, sàn giao dịch mua bán nợ VAMC được thành lập, đã thể hiện quyết tâm tiến tới việc làm sao các khoản nợ có thể được giao dịch trên thị trường. Tuy nhiên đến nay, sau hơn một năm, các khoản nợ lớn vẫn chưa giao dịch được và giao dịch mua - bán trên sàn giao dịch này không diễn ra sôi động.
Có thể hiểu mua nợ là mua lại khoản nợ của các TCTD mà khoản nợ đó bao gồm tài sản đảm bảo kèm theo, hoặc cơ cấu lại doanh nghiệp để có khả năng phục hồi. Vậy khi đã mua nợ rồi mà TCTD xử lý các tài sản đảm bảo vẫn vướng mắc, thì khoản nợ đó được mua vào cũng không thể giải quyết được. Do đó, khi mua nợ, các doanh nghiệp có nợ xấu phải đồng thuận hợp tác, tránh tính trạng chây ì.
Việc Quốc hội vừa thông qua Luật Các TCTD sửa đổi, trong đó bao gồm một số nội dung của Nghị quyết 42/2017/QH14 được kỳ vọng sẽ thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu của các TCTD trong thời gian tới.
Đứng ở bình diện chung, chúng tôi vẫn mong muốn lớn hơn đó là hành lang pháp lý phải được sự đồng bộ giữa Luật Dân sự và Luật Các TCTD, cũng như các luật khác, để đảm bảo người dân luôn luôn được bảo vệ; nhưng trách nhiệm của người đi vay đối với khoản nợ phải được thực thi. Bất kỳ người dân, doanh nghiệp nào khi vay nợ thì phải chấp nhận khi xảy ra rủi ro, tự nguyện bàn giao tài sản, có trách nhiệm huy động mọi nguồn lực để trả nợ ngân hàng.
Đối với trường hợp cuối cùng là đưa ra khởi kiện xử lý, thì sẽ căn cứ vào hợp đồng để mọi bên đều tuân thủ pháp luật. Tóm lại, người vay có trách nhiệm với khoản vay và TCTD cũng có trách nhiệm làm sao cho vay đảm bảo theo đúng quy định, nguyên tắc, chia sẻ, hỗ trợ khó khăn với doanh nghiệp, nhưng trên tinh thần hợp tác để cả hai cùng phát triển.
Có thể bạn quan tâm