Giải pháp thoái vốn được kỳ vọng giúp Dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 tìm kiếm được nguồn đầu tư, thay đổi phương thức quản trị, ra quyết định, từ đó có thể giải quyết những vấn đề tồn đọng.
Tới đây, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phương án bán đấu giá theo lô toàn bộ số cổ phẩn của VNSTEEL sở hữu tại Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO).
Theo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, hướng xử lý đối với Dự án Mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên tới đây là kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phương án bán đấu giá theo lô toàn bộ số cổ phẩn của Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL) sở hữu tại Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO).
Phương thức xác định giá khởi điểm áp dụng theo quy định tại Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.
Hiện tại khó khăn lớn nhất của Dự án Mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang Thép Thái Nguyên là chưa xử lý được tồn tại vướng mắc Hợp đồng EPC với nhà thầu Công ty Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC). Chính vì thế, Dự án vẫn đang xây dựng dở dang, tạm dừng thi công và việc giải phóng nghĩa vụ bảo lãnh của VNSTEEL với VietinBank chưa được giải quyết.
Nói về các giải pháp đưa Dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 thoát lầy, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho biết, giải pháp thoái vốn sẽ giúp doanh nghiệp tìm kiếm được nguồn đầu tư, thay đổi phương thức quản trị, ra quyết định, từ đó có thể giải quyết những vấn đề tồn đọng tại Dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2.
Hiện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã giao các vụ chức năng, phối hợp với SCIC, VNSteel và TISCO hoàn thiện báo cáo đề xuất, tính toán những phương án tái cơ cấu, trình lên các cơ quan liên quan.
Dự án mở rộng giai đoạn 2 công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) hiện đang lâm vào tình trạng “cực kỳ khó khăn”. Theo báo cáo đánh giá của HĐQT Gang thép Thái Nguyên, đầu năm 2019, Tisco đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng tài chính dẫn tới phá sản nếu không có sự “giải cứu” của Chính phủ, các ngân hàng và các cấp có thẩm quyền.
Có thể bạn quan tâm
10:35, 22/04/2019
12:52, 20/04/2019
10:00, 25/03/2019
07:00, 06/03/2019
Theo báo cáo tài chính của CTCP Gang thép Thái Nguyên (TISCO - mã chứng khoán TIS: UPCoM), 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu Công ty giảm về 5.486 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 37 tỷ đồng.
Tính đến cuối quý II/2019, tổng tài sản giảm về 10.210 tỷ đồng (so với con số 10.573 tỷ đồng đầu kỳ); trong đó tài sản ngắn hạn đạt 3.018 tỷ đồng, tập trung phần lớn ở hàng tồn kho. Chi phí xây dựng dở dang cũng chiếm hơn 5.234 tỷ đồng. Công ty nợ xấp xỉ 8.314 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần so với vốn chủ hữu là 1.896 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu TIS hiện có thị giá 10.200 đồng và có thanh khoản kém.
Vừa qua, Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt giam 5 bị can được xác định có sai phạm tại dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên (Công ty TISCO).
Trong số này, hai cựu lãnh đạo của Tổng Công ty thép Việt Nam là ông Mai Văn Trinh (cựu chủ tịch HĐQT) và Đậu Văn Hùng (cựu tổng giám đốc) cùng bị khởi tố về tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.
Ba bị can khác là cựu lãnh đạo TISCO gồm Trần Trọng Mừng (cựu tổng giám đốc), Trần Văn Khâm (cựu chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc) và Ngô Sỹ Hán (cựu phó tổng Giám đốc, trưởng ban quản lý dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2) cùng bị khởi tố về tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng và vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.