Năm 2024, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh BR-VT đã triển khai kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính, góp phần giữ vững ổn định thị trường, đảm bảo an ninh kinh tế.
Theo các chuyên gia, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cá nhân, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh theo đúng quy luật thị trường, sáng tạo thì sức mạnh nội tại của doanh nghiệp sẽ được phát huy tối đa. Tuy nhiên, nền kinh tế thị trường cũng dễ phát sinh những nguy cơ đe dọa đến an ninh kinh tế, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần làm tốt công tác quản lý nhà nước về kinh tế, phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả những yếu tố tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Kiểm soát thị trường, bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp
Theo Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) Bà Rịa – Vũng Tàu Lê Quang Hải, năm 2024, nền kinh tế của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có sự chuyển biến tích cực hơn so với năm 2023. Hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ dần được khôi phục và tăng trưởng trở lại, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Nhận thức được vai trò, nhiệm vụ của lực lượng QLTT, đáp ứng mục tiêu chung của toàn xã hội, lực lượng QLTT ngày càng khẳng định vai trò của mình trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm về sở hữu trí tuệ, vệ sinh an toàn thực phẩm và các hành vi vi phạm khác được pháp luật quy định, bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và người tiêu dùng, góp phần ổn định trật tự thị trường, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tạo sự cạnh tranh công bằng trong hoạt động thương mại, xúc tiến đầu tư phát triển.
Ông Lê Quang Hải cho biết, trong quá trình kiểm tra, kiểm soát, xử lý, lực lượng Quản lý thị trường luôn tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh trên địa bàn về những quy định của pháp luật, không tiếp tay đối với các hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Nhờ những nỗ lực của lực lượng QLTT, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, hoạt động kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, buôn bán hàng cấm, gian lận thương mại và hàng giả diễn biến không phức tạp, chưa phát hiện đường dây, ổ nhóm. Các vụ việc vi phạm chủ yếu ở mức độ nhỏ, lẻ về các hành vi kinh doanh hàng nhập lậu, hàng hóa giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ tại Việt Nam, không rõ nguồn gốc xuất xứ và vệ sinh an toàn thực phẩm, vi phạm trong lĩnh vực giá… do các cá nhân, hộ kinh doanh thực hiện. Các hành vi vi phạm này đều được phát hiện, kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Phó Giám đốc công ty Xăng dầu Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, công ty và Cục QLTT thường xuyên thực hiện Quy chế phối hợp những thông tin kịp thời về tình hình thị trường xăng dầu trên địa bàn tỉnh từ đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, lành mạnh hóa thị trường xăng dầu và bảo vệ lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Cục QLTT hỗ trợ công ty trong công tác quản lý hệ thống phân phối có hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và bảo vệ thương hiệu đạt hiệu quả. Hai bên đã thường xuyên trao đổi thông tin kịp thời về tình hình giá cả (khi có biến động), xu hướng, hình thức, thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong tỉnh, thông tin về buôn bán, vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu, xăng dầu giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc trong kinh doanh xăng dầu, các sản phẩm hóa dầu trên thị trường, cung cấp tình hình, tư liệu giúp cho việc xác minh các vụ việc.
Nhận định thách thức để “hóa giải”
Theo Cục QLTT, nền kinh tế thị trường càng phát triển, hoạt động thương mại điện tử có chiều hướng phát triển phức tạp và khó kiểm soát. Hoạt động buôn bán hàng giả càng tinh vi, khó phân biệt, trong khi nhiều hãng hàng hóa không đăng ký bảo hộ nhãn hiệu của mình tại Việt Nam.
Trong khi đó, tình hình hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng hóa vi phạm các quy định về nhãn,… vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là thời điểm gần Tết Nguyên đán. Nguồn hàng chủ yếu được đối tượng lấy từ các tỉnh, thành phố khác vận chuyển về địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để tiêu thụ. Các đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi, thường xuyên thay đổi thời gian, địa điểm giao nhận hàng, cất giấu ở nhiều địa điểm khác nhau nhằm gây khó khăn cho lực lượng chức năng.
Bên cạnh đó, các đối tượng đã lợi dụng sàn thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ số như: Lazada, Tiki, Shopee, Facebook, Zalo, Tiktok,... sử dụng nhiều tài khoản để giới thiệu, trộn lẫn hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ bán cho người tiêu dùng và sử dụng hình thức giao hàng qua công nghệ để tránh sự truy xét ngược của các cơ quan chức năng và có thể nhanh chóng xóa thông tin, gây khó khăn trong việc truy vết và xử lý vi phạm.
Cục QLTT đánh giá, hiện nay chưa có quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, kinh doanh, quảng cáo, buôn bán dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng trên các nền tảng mạng xã hội nên việc kiểm tra, xử lý các vi phạm đối với những cá nhân, cơ sở kinh doanh online là rất khó khăn. Về phía người tiêu dùng, còn một bộ phận không nhỏ do điều kiện kinh tế, thiếu thông tin, ham mua hàng giá rẻ mà vẫn sử dụng các sản phẩm giả, sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đây chính là kẽ hở để các đối tượng làm giả lợi dụng, câu kết kinh doanh hành nhập lậu, hàng giả để tung ra thị trường.
Địa bàn hoạt động của các Đội QLTT rộng và mang tính liên huyện; chức năng nhiệm vụ của QLTT bao phủ hết các hoạt động công nghiệp thương mại trên thị trường, liên quan đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng; vừa tập trung lực lượng tăng cường kiểm tra, kiểm soát theo chức năng chính, lại vừa phải thực hiện nhiệm vụ chính trị phối hợp với các huyện theo địa bàn quản lý, kiểm soát nên thường xuyên phải tham gia rất nhiều Đoàn liên ngành tại địa phương, nhưng do lực lượng còn mỏng, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện thiếu thốn, lạc hậu. Chính những điều này gây ra nhiều khó khăn cho cán bộ công chức trong công tác chuyên môn là ngăn chặn, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên thị trường.
Chia sẻ về các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, ông Lê Quang Hải cho biết, Cục QLTT tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm và hiệu quả giải quyết công việc, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; xử lý kiên quyết không có vùng cấm trong công tác đấu tranh, phòng, chống hàng giả, hàng lậu, gian lận thương mại,...; động viên khen thưởng kịp thời đối với tập thể, cá nhân có thành tích trong thực hiện nhiệm vụ.
Đồng thời, Cục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng trong thực thi công vụ, chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp,… để nắm bắt thông tin về hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và hỗ trợ trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát, giám định, xử lý. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
“Ngoài ra, Cục thường xuyên kết hợp hoạt động kiểm tra, kiểm soát với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và vận động ký cam kết không sản xuất, kinh doanh hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, an toàn thực phẩm,... nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng”, ông Hải chia sẻ.