Các nhà chức trách Trung Quốc đã tiêu huỷ hàng nghìn con gà sau khi một trường hợp bùng phát cúm gia cầm H5N1, một chủng virus cùng họ với virus corona đang làm "mưa, bão" trên thế giới...
Trung Quốc thông báo cúm gia cầm H5N1 bắt đầu tại tỉnh Hồ Nam, gần trung tâm bùng nổ dịch viêm phổi cấp do virus corona mới (2019-nCoV) gây ra.
Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc cho biết 4.500 con gà đã chết vì cúm gia cầm gây ra bởi virus H5N1 tại một trang trại ở thành phố Thiệu Dương, Hồ Nam (Trung Quốc).
Theo NHK, các nhà chức trách đã tiêu huỷ khoảng 17.800 con gia cầm để ngăn chặn sự lây lan của bệnh dịch.
Thành phố Thiệu Dương thuộc tỉnh Hồ Nam của Trung Quốc. Tỉnh này giáp với phía nam của tỉnh Hồ Bắc, nơi có thành phố Vũ Hán là trung tâm bùng nổ virus corona.
Theo tờ South China Morning Post ngày 2/2, chính quyền địa phương hiện chưa ghi nhận ca bệnh H5N1 nào ở người.
Thông tin về vụ bùng phát cúm gia cầm H5N1 tại Hồ Nam xuất hiện giữa bối cảnh Trung Quốc đang chiến đấu chống lại dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra. Giới quan sát đánh giá điều đó sẽ gây áp lực lớn đến nguồn lực khan hiếm của Trung Quốc để đối phó với các nguy cơ sức khỏe hiện tại.
H5N1 là một loại vi-rút cúm truyền nhiễm cao. Một số chủng H5N1 có thể truyền sang người. Chủng virus này lần đầu tiên được phát hiện xâm nhiễm trên người tại Hồng Kông năm 1997. Chính nhóm virus cũng là tác nhân gây dịch cúm trên gia cầm ở Hông Kông lúc đó.
Thông thường, những virus cúm này lan truyền trên thế giới bằng cách ký sinh ở tế bào ruột non của các loài chim di cư, khi đó chúng là những chủng H5N1 không gây chết. Tuy nhiên, những chủng virus này có thể bị đột biến và trở thành chủng cúm gia cầm có độc tính cao nhất từ trước đến giờ. Điều này cũng tương tự như cơ chế của chủng virus H1N1 đã gây ra đại dịch cúm Tây Ban Nha vào năm 1918.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cúm H5N1 có khả năng lây nhiễm từ người dù rất khó. Dù vậy, cúm gia cầm đặc biệt nguy hiểm đối với người tiếp xúc với nó. Tỉ lệ tử vong của cúm gia cầm đạt hơn 50% trong suốt 15 năm qua, tức dịch bệnh này còn chết chóc hơn cả dịch SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng) và virus corona mới.
Từ năm 2003 đến 2019, WHO đã xác nhận tổng cộng 861 trường hợp nhiễm H5N1 ở người trên toàn thế giới, 455 trong số đó đã tử vong. Trong suốt 16 năm qua, Trung Quốc đã ghi nhận 53 trường hợp nhiễm cúm gia cần và 31 trong số đó đã thiệt mạng.
Cơ quan chức năng Trung Quốc đang trong tình trạng cảnh giác cao để phản ứng với sự bùng phát của cúm gia cầm, trong khi chủng virus corona mới tiếp tục lây lan ở người.