VCCI

Cùng ABAC kiến tạo giá trị bền vững

Trường Đặng 15/07/2025 05:55

Kỳ họp thứ ba của Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC III) diễn ra tại TP Hải Phòng từ ngày 15 - 18/7/2025.

NQV VCCI
Phó Chủ tịch VCCI, ông Nguyễn Quang Vinh

Trong đó, chủ đề "Thương mại và Đầu tư Bền vững" sẽ giữ một vị trí trung tâm, phản ánh xu thế toàn cầu mới trong hợp tác kinh tế khu vực và toàn cầu.

Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Thành viên Dự khuyết ABAC Việt Nam, để hiểu rõ hơn ý nghĩa của chủ đề này đối với doanh nghiệp Việt Nam, cũng như cách thức tham gia chủ động vào chuỗi giá trị bền vững của khu vực.

- Chủ đề “Thương mại và Đầu tư Bền vững” tại ABAC III phản ánh một xu thế toàn cầu hóa mới. Theo ông, doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị gì để chủ động tham gia vào chuỗi giá trị bền vững đang hình thành trong khu vực APEC?

Việc ABAC III lựa chọn “Thương mại và Đầu tư Bền vững” là một trong những trụ cột chính cho thấy rất rõ sự thay đổi trong tư duy toàn cầu hóa. Chúng ta đang bước vào một giai đoạn mà tốc độ và chi phí không còn là hai yếu tố quyết định duy nhất, mà tính minh bạch, trách nhiệm xã hội và môi trường mới là tiêu chí cốt lõi trong xây dựng quan hệ kinh tế.

Đối với doanh nghiệp Việt Nam, đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội để tái cấu trúc mô hình hoạt động. Để tham gia chủ động và hiệu quả vào các chuỗi giá trị bền vững của APEC, tôi cho rằng có ba yếu tố cần được ưu tiên:

Thứ nhất, về cơ cấu nội bộ. Doanh nghiệp cần sớm áp dụng các chuẩn mực quốc tế về báo cáo phát triển bền vững, đặc biệt là theo khung ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị). Đây là ngôn ngữ chung mà các tập đoàn đa quốc gia, các quỹ đầu tư quốc tế sử dụng để đánh giá tiềm năng hợp tác. Việc doanh nghiệp minh bạch trong quản trị, cam kết với các mục tiêu khí hậu, bảo vệ quyền lợi người lao động không còn là “thiện chí”, mà là điều kiện bắt buộc.

Thứ hai, về công nghệ và đổi mới sáng tạo. Các xu hướng như công nghệ sạch, chuyển đổi số, AI, blockchain, và truy xuất nguồn gốc đang trở thành tiêu chuẩn trong quản lý chuỗi cung ứng. Doanh nghiệp Việt cần đầu tư nghiêm túc để thích ứng, không chỉ để đáp ứng yêu cầu của đối tác, mà còn để tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Thứ ba, về chiến lược dài hạn. Tư duy tăng trưởng bền vững cần được tích hợp vào toàn bộ vòng đời sản phẩm – từ thiết kế, lựa chọn nguyên liệu, xây dựng chuỗi cung ứng đến phân phối. Thay vì tối đa hóa lợi nhuận trong ngắn hạn, chúng ta cần tối ưu hóa giá trị trong dài hạn, tính đến chi phí môi trường và xã hội ngay từ đầu.

Ngoài ra, một điểm rất quan trọng là doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần được hỗ trợ từ hệ sinh thái chính sách – từ trung ương đến địa phương. Điều này bao gồm cả định hướng, tiếp cận nguồn vốn xanh, kỹ thuật số, và kết nối quốc tế. Nhưng để được hỗ trợ hiệu quả, doanh nghiệp cũng cần chủ động tham gia, tìm đến các cơ quan trung gian uy tín như VCCI, các tổ chức quốc tế, và sẵn sàng thay đổi để trở thành đối tác đáng tin cậy trong chuỗi giá trị bền vững của khu vực.

- Với góc độ đại diện cộng đồng doanh nghiệp, theo ông, doanh nghiệp Việt Nam – đặc biệt là khu vực tư nhân – cần làm gì để không chỉ tiếp thu khuyến nghị mà còn góp phần kiến tạo nội dung nghị sự APEC trong tương lai?

Đây là một câu hỏi quan trọng. ABAC không chỉ là diễn đàn để doanh nghiệp lắng nghe những khuyến nghị chính sách từ các nền kinh tế tiên tiến, mà còn là nơi để chúng ta góp tiếng nói, đề xuất sáng kiến và đồng kiến tạo định hướng phát triển của khu vực.

Muốn làm được điều đó, trước tiên doanh nghiệp Việt cần nâng cao năng lực “thông hiểu toàn cầu” – tức là hiểu rõ các xu thế lớn đang diễn ra như chuyển đổi năng lượng, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, an ninh chuỗi cung ứng… Việc tiếp cận thông tin, cập nhật chính sách, và khả năng phân tích các tác động vĩ mô sẽ giúp doanh nghiệp có góc nhìn chiến lược khi đưa ra kiến nghị hoặc tham gia phản biện chính sách.

Thứ hai, doanh nghiệp cần chủ động tham gia vào các nhóm công tác chuyên đề của ABAC – như tài chính, phát triển bền vững, số hóa, y tế, khởi nghiệp… Những nhóm này chính là nơi diễn ra thảo luận chính sách sâu sắc, tạo nền tảng cho báo cáo lên Lãnh đạo APEC.

Vai trò của các doanh nghiệp đầu ngành ở Việt Nam là cực kỳ quan trọng. Họ có kinh nghiệm thực chiến, có năng lực đổi mới, có khả năng dẫn dắt tư duy, từ đó giúp ABAC Việt Nam đưa ra khuyến nghị vừa thực tiễn vừa có tầm nhìn. VCCI, trong vai trò đầu mối ABAC Việt Nam, luôn sẵn sàng hỗ trợ và kết nối doanh nghiệp vào các kênh ảnh hưởng này.

Cuối cùng, việc tạo cơ chế tương tác hai chiều giữa cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan hoạch định chính sách – thông qua các hội thảo, diễn đàn tham vấn, sự kiện giao thương quốc tế – sẽ giúp tiếng nói doanh nghiệp đi xa hơn, có trọng lượng hơn. Chúng tôi đang nỗ lực thiết lập các kênh như vậy để doanh nghiệp Việt không còn là “người theo sau” mà trở thành đối tác tích cực trong kiến tạo khuôn khổ hợp tác khu vực.

- Việc Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ABAC năm 2027 mang ý nghĩa chiến lược. VCCI dự kiến triển khai những bước đi nào để xây dựng năng lực đối thoại và tư duy chính sách cho doanh nhân Việt Nam?

Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ABAC năm 2027 là một cơ hội mang tính bước ngoặt. Đây không chỉ là dịp để thể hiện vị thế quốc gia mà còn là cơ hội chiến lược để định hình tương lai hợp tác kinh tế APEC theo hướng gắn kết, bao trùm và bền vững.

Tuy nhiên, để đảm đương vai trò Chủ tịch ABAC một cách thực chất và hiệu quả, chúng ta cần chuẩn bị từ bây giờ – cả về con người, thể chế và tư duy chính sách.

Ngay từ kỳ họp ABAC III, ABAC Việt Nam đã phối hợp UBND Hải Phòng tổ chức chuỗi hoạt động xúc tiến đầu tư, giao lưu doanh nghiệp và kết nối đối tác APEC. Đây là những bước đi khởi đầu nhằm xây dựng “năng lực mềm” cho đội ngũ doanh nhân Việt.

Sắp tới, VCCI/ABAC Việt Nam sẽ triển khai một số hoạt động cụ thể:

Thứ nhất, thiết kế các chương trình đào tạo chuyên sâu dành cho doanh nghiệp về ESG, kinh tế số, kinh tế xanh, đổi mới sáng tạo, với sự tham gia của chuyên gia APEC. Không chỉ giúp doanh nghiệp cập nhật kiến thức, chương trình còn tạo ra cộng đồng doanh nhân cùng chia sẻ tầm nhìn phát triển dài hạn.

Thứ hai, tổ chức sự kiện xúc tiến đầu tư – thương mại quốc tế, mời các tập đoàn đa quốc gia, quỹ đầu tư lớn, và đối tác chiến lược đến Việt Nam. Đây sẽ là không gian để doanh nghiệp Việt học hỏi tư duy toàn cầu, đồng thời xây dựng các mối quan hệ đối tác chiến lược.

Thứ ba, khuyến khích sự hiện diện của doanh nghiệp Việt tại các sự kiện lớn của ABAC, đặc biệt là APEC CEO Summit – nơi quy tụ những lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu thế giới. Đây là nơi chúng ta có thể giới thiệu năng lực, chia sẻ giải pháp, và khẳng định vị thế Việt Nam.

Thứ tư, thúc đẩy các dự án hợp tác song phương và đa phương, giúp doanh nghiệp Việt từng bước tham gia vào mạng lưới kinh tế toàn cầu, đồng thời mở rộng không gian sáng tạo chính sách.

Cuối cùng, thiết lập cơ chế tư vấn chiến lược giữa ABAC Việt Nam với khu vực tư nhân, viện nghiên cứu, và các tổ chức quốc tế. Đây sẽ là “bệ đỡ tri thức” để Việt Nam xây dựng khuyến nghị có chiều sâu và sức lan tỏa khi đảm nhiệm vai trò chủ nhà ABAC.

Tương lai của hội nhập không chỉ nằm ở việc “tham gia”, mà ở chỗ chúng ta có thể “định hình” sân chơi toàn cầu như thế nào. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ hôm nay, Việt Nam hoàn toàn có thể bước vào năm 2027 với tư thế của một quốc gia dẫn dắt, và doanh nghiệp Việt Nam – dù nhỏ hay lớn – đều có thể trở thành những “người chơi chiến lược” trong chuỗi giá trị toàn cầu bền vững.

Trân trọng cám ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cùng ABAC kiến tạo giá trị bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO