Nền tảng kinh tế ngày càng vững chắc nhờ niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp và nhà đầu tư tăng lên cùng thông điệp cải cách mạnh mẽ của Đảng, Chính phủ.
Tại báo cáo tổng kết năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, trong bối cảnh khó khăn nhiều hơn thuận lợi, nền kinh tế Việt Nam năm 2024 vẫn khẳng định sự phục hồi mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả rõ nét, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước cả năm ước đạt khoảng 6,8-7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6-6,5%), thuộc nhóm ít các nước tăng trưởng cao trong khu vực, thế giới và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh của nền kinh tế thế giới.
Đáng chú ý, nền tảng kinh tế ngày càng vững chắc nhờ niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân được củng cố cùng thông điệp cải cách mạnh mẽ của Đảng, Chính phủ. Bức tranh kinh tế năm 2025 được nhận định sẽ định hình trên cơ sở thực lực hiện tại, đà cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh nhưng vẫn đan xen những khó khăn cần vượt qua.
Nhìn vào năm 2025, TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho biết: “các dự báo của thế giới đưa ra mức tăng trưởng khoảng 6,5%. Chúng tôi dự báo tăng trưởng khoảng 6,6 - 6,8% hoặc có thể đạt mức cao hơn 7-7,5%. Thậm chí, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu có thể đạt 8% trong năm tới”.
Mức tăng trưởng này, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, Việt Nam có thể đạt được nếu quyết liệt thực hiện đột phá trong cải cách. Trong khi đó, năm 2024 vừa trôi qua kinh tế thế giới phục hồi tích cực.
Các tổ chức quốc tế đều chung đánh giá khi lạm phát không còn là nỗi lo bởi giá năng lượng, lương thực thực phẩm… có thể sẽ đi ngang. Trong đó, giá dầu dự báo có thể sẽ giảm xuống mức 80 - 81 USD/ thùng vào năm 2025 do có nhiều nguồn cung thay thế, và nhu cầu về dầu có thể giảm một chút so với năm nay.
Bên cạnh sự lạc quan, chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra một số thách thức.
Thứ nhất, rủi ro địa chính trị hay chính sách bảo hộ thương mại trên toàn cầu đã tăng gấp 3 lần trong 4 năm qua từ 1.000 lên khoảng 3.000 chính sách. Mỹ tăng bảo hộ thương mại, áp thuế quan, điều tra, kiện bán phá giá… tác động tiêu cực đến ngoại thương toàn cầu, có cả Việt Nam.
Thứ hai, những thay đổi chính sách thuế quan và mở rộng tài khóa đã làm tăng lạm phát Mỹ và toàn cầu. Điều này khiến FED và Ngân hàng Trung ương các nước trì hoãn giảm lãi suất, tăng áp lực lạm phát, lãi suất, tỉ giá.
Thứ ba, kinh tế thế giới đang tăng trưởng chậm lại ở các thị trường như Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Mỹ... tác động không tích cực đến đầu tư, FDI và du lịch.
Thứ tư, biến đổi khí hậu bất thường.
Ở trong nước, những thách thức đến từ đầu tư tư nhân tuy đã cao hơn mức 2% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng chỉ bằng một nửa trước dịch COVID-19; sản xuất công nghiệp đang phục hồi nhưng các thị trường xuất khẩu đang đưa ra yêu cầu khắt khe hơn về tiêu chuẩn môi trường, xanh hóa. Đầu tư cho quá trình này cần nguồn lực nhưng doanh nghiệp không được tăng giá...
Trong bối cảnh năm 2025 thách thức và cơ hội đan xen, TS. Cấn Văn Lực cho rằng doanh nghiệp cần tận dụng tốt các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lãi suất… để cơ cấu lại hoạt động, kiểm soát rủi ro tài chính, dòng tiền.
Đồng thời, nắm bắt các xu hướng lớn như chuyển đổi kép, tích hợp các yếu tố ESG, phát triển bền vững; đón đầu xu hướng công nghệ, nhất là các công nghệ mới (AI, tự động hóa...).
Đa dạng hóa thị trường, đối tác, chuỗi cung ứng, sản phẩm dịch vụ; tận dụng cơ hội từ các FTA thế hệ mới; nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp và quản lý rủi ro, nhất là rủi ro pháp lý, tài chính, an ninh mạng, thông tin dữ liệu, xuất xứ hàng hóa, yêu cầu xanh hóa, bảo hộ thương mại…