Cuộc “cách mạng” trứng của Ba Huân

Hoài Nhân 19/02/2018 16:30

“Lội ngược dòng”, hồi sinh sau cơn khủng hoảng cúm gia cầm H5N1, hơn 10 năm nay, công ty Ba Huân âm thầm làm nên cuộc “cách mạng” trứng và lớn mạnh nhờ dám mạo hiểm và đổi mới không ngừng.

Ba Huân đã bỏ hơn 1.000 tỷ đồng đầu tư quy trình khép kín cho quả trứng từ trang trại đến bàn ăn, mở rộng thị trường ra miền Bắc, lấn sang mảng thực phẩm chế biến và chuẩn bị sẵn sàng cho chiến dịch đưa quả trứng Việt Nam xuất ngoại!

“Tái sinh” nhờ mạo hiểm

Gặp chúng tôi một sáng đầu năm 2018, nữ doanh nhân nông dân Phạm Thị Huân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ba Huân hào hứng cho biết, bà cùng đội ngũ cộng sự đang khẩn trương chuẩn bị để mở thêm trang trại chăn nuôi, mở rộng nhà máy chế biến thực phẩm và hoàn tất thủ tục để xuất khẩu trứng sang một số thị trường ở châu Á. Tất cả kế hoạch này sẽ lần lượt hoàn thành trong năm 2018.

“Nhà máy ở miền Bắc đã đi vào ổn định. Chúng tôi vừa tổ chức “Lễ hội ẩm thực Nam Bộ” tại nhà máy, mời các nghệ nhân nấu ăn từ TP.HCM ra trình diễn, hướng dẫn nấu các món ăn miền Nam từ nguyên liệu là sản phẩm của công ty. Khách mời rất hào hứng với chương trình này, qua đó sản phẩm của Ba Huân đến gần với khách hàng miền Bắc thêm chút nữa”, bà Ba Huân “khoe”.

Thương hiệu Ba Huân đã quá quen thuộc với người tiêu dùng TP.HCM, không chỉ chiếm thị phần lớn và luôn đồng hành với các chương trình lớn của TP.HCM như bình ổn thị trường, truy xuất nguồn gốc trứng gia cầm… mà còn gắn với hình ảnh người phụ nữ chân chất, mộc mạc, nhưng cũng rất quyết liệt trong các quyết định làm ăn.

Còn nhớ giai đoạn 2003-2005, nhiều doanh nghiệp gần như mất trắng sau trận dịch cúm gia cầm, vì người tiêu dùng lo sợ và quay lưng với quả trứng ở chợ, trong khi trứng của công ty CP bán giá cao, nhưng tiêu thụ ào ào. Quyết không để mất nghề kinh doanh trứng của gia đình và không thể bỏ mặc nông dân điêu đứng vì không bán được trứng, bà Ba Huân khăn gói ra nước ngoài tìm hiểu công nghệ xử lý trứng của các nước tiên tiến. Ưng ý công nghệ của Hà Lan, nhưng bà Huân cũng đau đầu không kém trước câu hỏi “tiền ở đâu ra để nhập máy?”.

Đổ hết vốn liếng tài sản vẫn không đủ, phải vay mượn thêm, Ba Huân nhập công nghệ xử lý trứng và trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên sở hữu dây chuyền xử lý trứng sạch. Cùng với việc nhập thiết bị công nghệ, năm 2006, nhà máy xử lý trứng đầu tiên của Ba Huân được đầu tư tại Bình Chánh để vận hành dây chuyền xử lý trứng sạch tự động hóa 100%. Theo quy trình này, quả trứng được rửa 2 lần bằng nước sạch, sấy khô, soi loại bỏ trứng hỏng, vỡ, chiếu tia UV diệt khuẩn 99% rồi phủ lên một lớp dầu bảo vệ trứng. Tiếp đến trứng được in số hiệu để có thể truy xuất nguồn gốc và đóng hộp. Đơn hàng quay lại ngày càng nhiều, sản phẩm trứng sạch của công ty Ba Huân dần có mặt ở tất cả các siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi, của hàng tạp hóa và các bếp ăn tập thể, nhà hàng, tiệm bánh…

Không hài lòng với thành công từ quả trứng sạch, bà Ba Huân nghĩ đến chuyện xây dựng, làm chủ chuỗi cung ứng trứng và các sản phẩm gia cầm để chủ động kiểm soát chất lượng. Năm 2012, Khu chăn nuôi công nghệ cao theo quy trình châu Âu có tổng diện tích 18ha, tổng đầu tư 320 tỷ đồng, gồm 22 trại gà, trong đó có 17 trại gà đẻ trứng, 3 trại gà hậu bị và 2 trại gà giống chính thức ra đời. Công ty Ba Huân còn đầu tư một nhà máy chế biến thức ăn trong khu này để tạo thành quy trình khép kín. Lần lượt sau đó, nhà máy thực phẩm Ba Huân ở Long An, nhà máy xử lý, chế biến trứng gia cầm công nghệ cao ở Phúc Thọ (Hà Nội) ra đời giúp Ba Huân mở rộng thị trường, hoàn thiện hơn quy trình khép kín và làm phong phú, đa dạng danh mục sản phẩm. Đến nay, ngoài mặt hàng chủ lực là trứng tươi, Ba Huân còn cung cấp ra thị trường mặt hàng thịt gà, lạp xưởng xúc xích, chà bông gà, bột trứng, bánh flan và các sản phẩm ăn nhanh từ thịt gà…

Khát vọng “ra biển lớn”

Không kể khoảng giai đoạn kinh doanh nhỏ, tính từ khi chính thức lập nghiệp năm 2001 với vốn điều lệ chưa đến 10 tỷ đồng, qua 17 năm, Ba Huân đã “lột xác” hoàn toàn. Đến hết năm 2017, Ba Huân đã đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng cho quy trình khép kín từ trang trại đến bàn ăn, trong đó vốn chủ sở hữu trên 300 tỷ đồng. Mấy mươi năm gắn bó với con gà, quả trứng, nữ “doanh nhân nông dân” Phạm Thị Huân cho biết, càng đi sâu vào nông nghiệp càng thấy thương nông dân, càng trăn trở làm sao đưa quả trứng Việt ra thị trường quốc tế. Liên tiếp hơn chục năm nay, Ba Huân miệt mài theo đuổi mục tiêu liên kết các nhà: nhà khoa học, nhà quản lý, nhà băng (ngân hàng) và nhà nông để ổn định quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, đảm bảo nguồn cung thực phẩm an toàn ra thị trường.

Mới đây, công ty đã được Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn cấp chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao. Với chứng nhận này cùng một số chứng nhận về tiêu chuẩn chất lượng khác, doanh nghiệp đã có được một số đơn đặt hàng từ Singapore, Malaysia, Hồng Kông và đang chờ các thị trường này cấp quota nhập khẩu. Nếu thuận lợi, đến tháng 4/2018, Ba Huân sẽ có đơn hàng xuất khẩu đầu tiên.
Động lực nào khiến doanh nghiệp kinh doanh trứng gắn liền với hình ảnh người phụ nữ Nam Bộ chân chất, mộc mạc liên tiếp gặt hái thành công, duy trì mức tăng trưởng 15 - 20% trong những năm gần đây? Bà Phạm Thị Huân cho biết, thành công hiện tại là kết quả của quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ. Vốn xuất thân từ nông dân, đi lên từ nền tảng kinh doanh gia đình, ít nhiều hạn chế về năng lực quản trị hiện đại, nhưng nhờ tư duy dám nghĩ nghĩ lớn, dám làm lớn, Ba Huân không ngần ngại “trải thảm đỏ” mời đội ngũ nhân sự cao cấp của các tập đoàn lớn về cộng tác. Bà đặc biệt quan tâm đến đội ngũ nhân sự; thường xuyên cho cán bộ công nhân công ty và các nhà máy đi tập huấn, tu nghiệp và nhận bàn giao kỹ thuật, thiết bị từ các đối tác.

“Sau cú sốc H5N1, chúng tôi phải trải qua giai đoạn cực kỳ khó khăn, nhất là năm 2011 - 2012 vì lãi suất ngân hàng tăng cao. Áp lực cạnh tranh càng ngày càng gay gắt. Doanh nghiệp áp dụng công nghệ cao thì chi phí đầu tư cao, sản phẩm được kiểm soát nghiêm ngặt về chất lượng, vệ sinh, nhưng bị đánh đồng với sản phẩm cùng loại chưa qua xử lý. Người tiêu dùng vẫn còn tâm lý so sánh giá, đánh đồng chất lượng giữa trứng sạch và trứng chưa qua xử lý, gây khó khăn thiệt thòi cho doanh nghiệp làm trứng sạch. Tuy nhiên, chúng tôi không ngại khó, càng khó thì càng phải vững vàng, kiên nhẫn, nhất định sẽ đến một ngày nào đó người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến an toàn thực phẩm, chủ động tiêu dùng sản phẩm sạch”, bà Ba Huân cho biết p

Phủ rộng thị trường

* Công ty Ba Huân sở hữu trang trại chăn nuôi gia cầm công nghệ cao quy mô 18 ha, tổng đàn 1 triệu con
* Nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi công suất 20 tấn/giờ ở Bình Dương
* Nhà máy xử lý trứng gia cầm quy mô 2 ha, công suất 185.000 trứng/giờ ở TP.HCM
* Nhà máy chế biến thực phẩm quy mô 7 ha, tổng công suất 50 tấn/ngày ở Long An
* Nhà máy xử lý, chế biến trứng công nghệ cao quy mô 2 ha, công suất xử lý 65.000 trứng/giờ tại Hà Nội

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cuộc “cách mạng” trứng của Ba Huân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO