Trong khi Samsung chiếm gần một nửa thị phần điện thoại thông minh tại Việt Nam, các doanh nghiệp nội cũng đang rục rịch "cuộc đua" với các mẫu điện thoại giá rẻ.
Thị trường điện thoại thông minh tại Việt Nam đã tăng trưởng nhanh chóng với tốc độ hằng năm khoảng 10%, tăng hơn gấp đôi doanh thu trong năm 2017 từ năm 2014 đến 15 triệu chiếc.
Sự trỗi dậy của các doanh nghiệp nội
Samsung đã tạo ra một trung tâm sản xuất điện thoại thông minh tại Việt Nam bằng cách sử dụng các nhà cung cấp Hàn Quốc, Nhật Bản và các nhà cung cấp khác, một số các nhà cung cấp trên cũng đã bắt đầu cung cấp linh kiện cho các nhà sản xuất điện thoại Việt Nam. Các công nghệ cần thiết cho việc sản xuất điện thoại thông minh đang được tích lũy ở Việt Nam thông qua việc các kỹ sư ngành gia nhập các công ty địa phương.
Tuy nhiên, sự xuất hiện ngày càng mạnh mẽ của các công ty địa phương với các mẫu điện thoại giá rẻ sẽ đe dọa thị phần của "ông lớn" này.
Có thể kể đến Vingroup, nhà phát triển bất động sản lớn nhất tại Việt Nam, mới đây đã công bố kế hoạch sản xuất điện thoại thông minh bắt đầu từ năm 2018. Tập đoàn này đã thành lập VinSmart với số vốn 131 triệu USD để thâm nhập vào thị trường điện thoại thông minh. Công ty này sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất trong một khu công nghiệp ở Hải Phòng.
Để hiện thực hóa mục tiêu của mình, Vsmart sẽ bắt đầu bằng việc liên kết, thuê tư vấn thiết kế và mua các bản quyền phát minh. Thực tế, điện thoại thông minh cũng chỉ là một khởi điểm với dự án Vsmart. Theo đó, VinSmart, công ty sản xuất điện thoại thông minh Vsmart, có vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng, hoạt động trong 2 lĩnh vực là sản xuất các thiết bị điện tử thông minh (trong đó có điện thoại) và nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa.
Trong khi đó, nhà sản xuất thiết bị điện tử Asanzo đã tiết lộ dự định sản xuất 600.000 smartphone vào năm 2018, tăng 50 lần so với năm trước. Cả 2 công ty đang vận dụng kinh nghiệm của họ trong sản xuất thiết bị gốc (OEM) để thâm nhập thị trường đang phát triển nhanh chóng.
Chủ tịch Công ty Phạm Văn Tam cho biết Asanzo đang xem xét việc tung ra các mẫu điện thoại giá rẻ, khoảng 1 triệu đồng với chức năng đơn giản và Hãng không lấy việc bán điện thoại để “sống”, mà chủ yếu làm thương hiệu.
Bkav, một công ty phần mềm bảo mật hàng đầu tại Việt Nam, đã đem mẫu smartphone lần đầu tiên được sản xuất nội địa, chiếc Bphone, vào thị trường trong năm 2015. Đợt mở bán đầu tiên vào tháng 6, Bkav đã bán được 11.822 sản phẩm. Công ty cũng đã đề phòng với chiếc iPhone của Apple khi cho Bphone ra thị trường. Chiếc điện thoại này được quảng cáo là một mẫu điện thoại cao cấp, với giá bán thấp hơn khoảng 40% so với chiếc iPhone tại thời điểm đó.
Cuộc đua tính năng
Thống kê của GfK trong quý I/2018 cho thấy người Việt bỏ ra đến 27.649 tỉ đồng để mua điện thoại, tăng 5,9% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, thị phần của hãng điện thoại Việt thì ngày càng thu hẹp. Theo đó, nhóm thương hiệu nội địa chỉ còn chiếm khoảng 3% trong tổng số 3,8 triệu smartphone đưa ra thị trường, giảm một nửa so với cùng kỳ năm ngoái, theo báo cáo quý I/2018 của IDC Indochina.
Điện thoại thông minh giá rẻ chỉ là một thị trường ngách ở Việt Nam, vì nhu cầu không lớn thậm chí phân khúc giá rẻ còn chịu áp lực lớn từ các mẫu điện thoại Trung Quốc.
Chính vì vậy, theo nhận định của các chuyên gia, tương lai của điện thoại thông minh do các công ty Việt Nam sản xuất sẽ phụ thuộc vào việc họ có thể sản xuất các sản phẩm có tính năng hấp dẫn như thiết kế, camera, AI,... với giá thấp và thu hút người tiêu dùng thông qua các dịch vụ mạng xã hội và các chiến lược tiếp thị khác.
Trong khi đó ở phân khúc giá cao hiện đang bị Apple và Samsung gần như độc chiếm, đặc biệt là khi những chiếc iPhone đang ngập tràn bảng xếp hạng các mẫu smartphone bán chạy nhất thế giới.
Khó ở giá rẻ, cũng không thể chiếm đánh cao cấp, các doanh nghiệp Việt chỉ còn một hướng đi duy nhất: tập trung vào phân khúc tầm trung.
May mắn là đây lại chính là điểm đến của cả thị trường trong tương lai gần. Mới gần đây, OPPO F7 đã nhận được khoảng 27.400 đơn hàng có đặt cọc trong vòng 8 ngày mở bán. Đối thủ lớn của OPPO tại Việt Nam là Samsung cũng đạt được con số 10.300 đơn đặt hàng Galaxy A6/A6+ tại Thế Giới Di Động trước khi mở bán chính thức.
Việc F7 và Galaxy A6/A6+ có giá cao hơn nhưng vẫn thành công không kém gì các sản phẩm đời cũ cho thấy người dùng Việt đang đi chung một xu thế với người dùng toàn cầu: nhu cầu dần dần gia tăng và khoản tiền sẵn sàng chi trả cũng gia tăng. Thời đại “phá giá cấu hình” hay mua các sản phẩm rẻ nhất có thể đã thực sự chấm dứt, và những sản phẩm ở tầm giá 10 triệu đã không còn nằm ngoài tầm nhắm của đối tượng người dùng phổ thông.
Vị trí “lưng chừng” sẽ giúp phân khúc giá từ 8-10 triệu có được những lợi thế riêng. Ở mức giá này, người dùng sẽ không đòi hỏi cấu hình hay tính năng phải ngang tầm iPhone hay Galaxy S/Note. Ngược lại, đây là phân khúc vẫn cho phép doanh nghiệp nội có thể thu về tỷ suất lợi nhuận nhất định, hoặc chí ít là có khả năng duy trì tốt hơn khúc giá dưới 7 triệu đồng.