Cuộc chiến lưỡng đảng và "nút thắt" của Chính phủ Mỹ

Cẩm Anh 07/01/2019 11:00

Cuộc họp của ông Donald Trump và đảng Dân chủ đã kết thúc mà không có một bước đột phá nào để có thể chấm dứt tình trạng bế tắc liên tục đã khiến chính phủ Mỹ tiếp tục đóng cửa.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói chuyện với Lãnh đạo thiểu số Thượng viện Chuck Schumer (D-NY) trong cuộc họp với lãnh đạo Dân chủ Hạ viện và Thượng viện

Chính phủ Mỹ bao giờ mở cửa hoàn toàn?

Với việc Hạ viện giờ đây do Đảng Dân chủ kiểm soát và Chủ tịch Hạ viện mới là bà Nancy Pelosi, người được coi là đối thủ chính trị không đội trời chung của ông Donald Trump.

Giới quan sát đánh giá trận đấu chính trị mới đã bắt đầu ở nước Mỹ đã diễn ra ngay trong cuộc họp giữa Tổng thống và Hạ viện khi hai bên giằng co nhau về vấn đề bức tường biên giới.

Phát biểu sau cuộc họp, Tổng thống Trump thừa nhận sự bế tắc có thể kéo dài trong một khoảng thời gian lịch sử khi sẵn sàng tuyên bố ông tiếp tục để chính phủ đóng cửa trong một khoảng thời gian rất dài!

Có thể bạn quan tâm

  • Ngoại giao Mỹ - Triều "tan băng" và “người giữ nhiệt” Hàn Quốc

    15:00, 03/01/2019

  • Hạ viện về tay Dân chủ, Chính phủ Mỹ "đóng" đến bao giờ?

    07:12, 02/01/2019

  • Chính phủ Mỹ đóng cửa: Vì tiền hay cuộc đấu đá chính trị?

    11:00, 25/12/2018

Nhiều nguồn tin cho biết, ông thậm chí còn đề cập đến việc sẽ đóng cửa Chính phủ Mỹ cho tới cuộc bầu cử và không từ bỏ yêu cầu tài trợ 5,6 tỷ USD cho bức tường biên giới.

Đồng thời, ông tuyên bố rằng các cuộc thảo luận tiếp theo sẽ diễn ra vào cuối tuần do một nhóm các trợ lý, bao gồm Phó Tổng thống Mike Pence, Bộ trưởng An ninh Nội địa Kirstjen Nielsen và cố vấn cấp cao của Nhà Trắng Jared Kushner.

Về phía mình, dù trước đó bà Pelosi cho biết hai bên đã đạt được một số tiến triển nhất định, tuy nhiên Đảng Dân chủ sẽ cương quyết giữ quan điểm không ủng hộ việc xây tường: "Câu chuyện xây dựng hàng rào biên giới chỉ nên thảo luận một khi chính phủ đã mở cửa trở lại", bà nói

Có thể thấy, chủ đề bức tường biên giới là minh chứng đầu tiên cho sự chia rẽ và phân cực tại Quốc hội, trong đó lợi ích đảng phái sẽ được đặt lên bàn cân khi giờ đây đảng Cộng hòa và Dân chủ đã có thế cân bằng.

Cụ thể, câu chuyện bức tường biên giới Mỹ-Mexico không phải là chủ đề duy nhất gây tranh cãi giữa phe Cộng hòa và phe Dân chủ khi hai đảng còn mâu thuẫn trong hàng loạt vấn đề từ biến đổi khí hậu tới chăm sóc y tế.

Tuy nhiên, việc đưa chi tiêu cho xây dựng bức tường biên giới vào dự luật ngân sách đã đẩy sự việc trở thành điểm "nóng" gia tăng mâu thuẫn giữa đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa. 

Dưới sự dẫn dắt của bà Pelosi, các lãnh đạo đảng Dân chủ đã có nhiều tiếng nói hơn khi họ có quyền ngăn chặn các đạo luật của đảng Cộng hòa và cản trở phần lớn chương trình nghị sự của Tổng thống Trump - ngân sách cho bức tường biên giới chính là "đòn phủ đầu" đảng Dân chủ dành cho Tổng thống.

Theo giới quan sát nhận định, hai bên sẽ tìm tới sự thỏa hiệp tạm thời để nối lại hoạt động cho chính phủ. Tuy nhiên, đây sẽ chỉ là sự nhượng bộ tạm thời để hướng tới những mục tiêu xa hơn. 

Có khả năng Quốc hội Mỹ sẽ nhất trí về các chính sách để hạn chế di cư bất hợp pháp và sàng lọc kỹ hơn đối với người tị nạn, đồng thời đưa ra những hạn chế đối với người di cư bất hợp pháp, và ông Trump có thể gọi đây là một chiến thắng trong việc mặc cả để đổi lấy việc Chính phủ mở cửa trở lại.

Với đảng Dân chủ, bức tường biên giới sẽ trở thành "vũ khí" khi họ sẽ lợi dụng việc này để tiến hành giám sát chặt chẽ và xa hơn sẽ là giới hạn quyền lực của Tổng thống. Nước Mỹ vì thế sẽ rất sôi động và bất định về chính trị nội bộ trong hai năm tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cuộc chiến lưỡng đảng và "nút thắt" của Chính phủ Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO