Cuộc đua “bếp chung”

Cáp Tần 17/11/2019 04:00

Khi các hoạt động gọi xe không còn mang lại lợi nhuận như kỳ vọng, nhiều công ty gọi xe công nghệ đã đua nhau mở bếp chung để mở lối thoát.

Grab ra mắt Grab Kitchen tại TP HCM

Grab ra mắt Grab Kitchen tại TP HCM

Grab triển khai mô hình bếp chung GrabKitchen ở TP.HCM. Baemin vừa vào Việt Nam chưa lâu cũng rục rịch mở bếp Baemin Kitchen. “Ông tổ” ngành gọi xe, nhà sáng lập Uber cũng đã đầu tư 700 triệu USD để mở bếp chung.

Chiến lược từ McDonald's

Ban đầu, McDonald's đã khởi nghiệp bằng bán đồ ăn nhanh. Vào những năm 1940, hai anh em Richard và Maurice McDonald đã sáng tạo ra phương pháp và quy trình làm đồ ăn chỉ trong vài phút. Khách hàng đổ xô tới tiệm của anh em nhà McDonald vì giá cả phải chăng, lại không phải đợi đồ ăn hàng giờ liền như trong các quán ăn khác. Nhờ đó, từ một cửa hàng tại một thị trấn nhỏ bé bang California, McDonald's đã phát triển chóng mặt, mở rộng liên tục, trở thành chuỗi nhà hàng hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, vào những năm 1950, sau 10 năm liên tục phát triển, McDonald's vấp phải một vấn đề. Do tốc độ mở rộng quá nhanh, doanh thu từ bán đồ ăn không đủ để bù đắp chi phí thuê đất và xây dựng cửa hàng mới. Việc phát triển của McDonald's bị nghẽn lại trong một thời gian dài.

Cuối cùng, McDonald's vạch ra một chiến lược mới. Công ty mua, hoặc thuê dài hạn một khu đất. Sau đó, công ty lại cho các đối tác nhượng quyền kinh doanh thuê lại để họ mở cửa hàng bán đồ ăn nhanh McDonald's.

Với chiến lược này, McDonald's một mũi tên nhưng trúng được đến mấy đích. Họ có tiền quay vòng nhanh từ việc cho thuê đất để tiếp tục mở rộng chuỗi cửa hàng, thông được điểm tắc nghẽn về vốn đang mắc phải. Do cho thuê cửa hàng nhượng quyền kinh doanh, nên McDonald's cho thuê được giá cao hơn là cho thuê bất động sản thông thường. Bằng phương thức này, McDonald's đã đẩy việc quản lý, vận hành, bán hàng đồ ăn nhanh, vốn tốn nhân lực và thời gian, sang bên các đối tác để họ rảnh tay tập trung vào việc nghiên cứu đổi mới đồ ăn và phát triển chiến lược kinh doanh, đồng thời vẫn mở rộng được thương hiệu McDonald's.

Sau hơn nửa thế kỷ, chiến lược này đã cho thấy tính đúng đắn và hiệu quả. Đến nay, McDonald's đã có mặt trên 100 quốc gia, quản lý khoảng 40.000 cửa hàng trên thế giới. Đặc biệt, doanh thu từ việc cho đối tác thuê đất kinh doanh nhượng quyền chiếm đến khoảng 85% tổng doanh thu của tập đoàn. Gọi McDonald's là công ty bất động sản là hoàn toàn chính xác.

60 năm sau, Grab, Uber và các công ty gọi xe "bổn cũ soạn lại", nối bước McDonald's tiến vào lãnh địa bất động sản với mô hình bếp chung.

Có thể bạn quan tâm

  • GrabKitchen và khả năng chiếm lĩnh thị trường giao đồ ăn nhanh của Grab

    GrabKitchen và khả năng chiếm lĩnh thị trường giao đồ ăn nhanh của Grab

    11:00, 09/10/2019

  • "Kiềng 3 chân" của McDonald's: Đối tác có lãi, nhân viên có quyền, công ty có thành công

    06:23, 07/08/2018

  • Đề xuất mới nhằm quản lý Grab và taxi công nghệ tại VN

    Đề xuất mới nhằm quản lý Grab và taxi công nghệ tại VN

    15:56, 24/10/2019

  • Khách Grab bị tính phí 10.000 đồng nếu để tài xế chờ quá 5 phút

    Khách Grab bị tính phí 10.000 đồng nếu để tài xế chờ quá 5 phút

    09:48, 04/10/2019

Nở rộ "bất động sản gọi xe"

Bếp chung, hay còn gọi là "Bếp trên mây" là một mô hình kinh doanh kiểu mới đang nở rộ. Các công ty sẽ đầu tư mua hoặc thuê một khu đất, thường ở gần trung tâm thành phố, và xây dựng các khu nhà bếp chung trên đó. Tiếp theo, họ sẽ cho các nhà hàng “ảo, trên mây”, các đầu bếp, nhà hàng nhỏ và siêu nhỏ thuê lại một gian của nhà bếp chung để chế biến thực phẩm và bán qua các ứng dụng giao đồ ăn như GrabFood hay Go-Food...

Đầu tháng 10 vừa qua, Grab chính thức khai trương bếp chung GrabKitchen đầu tiên tại quận Thủ Đức, TP. HCM. Grab đầu tư mặt bằng, địa điểm và quy tụ 12 nhà hàng “hot” nhất trên GrabFood về đây. Grab cung cấp app, đội quân giao hàng hùng hậu, các nhà hàng chỉ việc nấu, bán hàng và cắt một phần doanh thu lại cho Grab.

Có thể thấy mô hình này rất tương đồng với chiến lược nhượng quyền của McDonald's. Những chiếc hamburger của McDonald's bây giờ là app GrabFood và đội tài xế GrabBike. Những căn bếp chung giống như các cửa hàng nhượng quyền của hãng đồ ăn nhanh Mỹ.

Hiện nay, tất cả các hoạt động gọi xe đều không mang lại lợi nhuận. Theo ước tính, các công ty gọi xe trên thị trường Việt Nam lỗ khoảng 21%, tương đương 24.000 đồng cho mỗi cuốc xe. Thành thử, doanh thu mang lại từ việc cho thuê bếp chung sẽ đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh của Grab.

Đó là lý do giữa năm nay, Grab đã âm thầm bổ sung mảnh kinh doanh bất động sản vào giấy phép kinh doanh của họ. Công ty giao đồ ăn Baemin của Hàn Quốc vừa chân ướt chân ráo vào Việt Nam cũng lăm le mở bếp chung. Sẽ không ngạc nhiên nếu như thời gian sắp tới, các công ty giao đồ ăn còn lại cũng đua nhau mở những căn bếp chung của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cuộc đua “bếp chung”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO