Chỉ sau 3 tháng chào sân, tân binh Go-Viet hùng hồn tuyên bố chiếm lĩnh 35% thị phần khiến nhiều người đặt câu hỏi: Thị trường gọi xe công nghệ có thật sự "béo bở" như vậy?
Hút khách bằng "chiêu" giá rẻ như "cho không"
Giữa lúc thị trường gọi xe công nghệ tái dậy sóng với sự xuất hiện của loạt tay chơi mới, đội đỏ Go-Viet tiếp tục "thừa thắng xông lên", tiến quân ra thị trường Hà Nội, khẳng định tinh thần của một tân binh hừng hực chiến đấu. Để chứng minh tiềm lực tài chính không thua kém bất kỳ đối thủ nào, Go-Viet đã tung ra một chương trình khuyến mãi vô cùng hấp dẫn: Đối với những chuyến đi dưới 6km tại các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Đống Đa và Thanh Xuân sẽ chỉ phải trả số tiền là 1.000 đồng. Mức giá này của Go-Viet được xem là "chưa có tiền lệ" trong thị trường xe ôm tại Việt Nam. Và theo thông báo trên fanpage chính thức của Go-Viet, chương trình hiện chưa có ngày kết thúc.
Trước khi ra mắt cách đây hơn một tháng tại TP HCM, Go-Viet đã liên tiếp triển khai các chương trình khuyến mãi đồng giá 5.000 đồng hay 9.000 đồng cho một chuyến xe ôm dưới 8 km. Ông Nadiem Makarim, Tổng giám đốc, nhà sáng lập Go-Jek (Indonesia) - công ty mẹ của Go-Viet, cho biết sau 6 tuần ra mắt dịch vụ Go-Bike tại TP.HCM, Go-Viet đã có được 1,5 triệu lượt tải ứng dụng và nắm giữ 35% thị phần.
Con số đánh giá mức tăng trưởng có vẻ lý tưởng đến mức…khó tin và dường như đang chỉ là một chiêu mới tiếp thị để hút thêm tài xế và đầu tư.
Trong khi đó, FastGo một trong các thương hiệu thuộc NextTech Group of Technopreneurs cũng nỗ lực để chứng tỏ doanh nghiệp công nghệ Việt có thể tham gia vào thị trường xe công nghệ.
Chính thức ra mắt thị trường tại Hà Nội ngày 12/6/2018 và TP.HCM ngày 10/8/2018, sau 3 tháng hoạt động, FastGo đã ghi nhận gần 15.000 đối tác lái xe đăng ký tham gia và hơn 50.000 khách hàng đăng ký ứng dụng tại 2 thành phố lớn này. Mới đây, FastGo nhận được khoản đầu tư chiến lược từ quỹ VinaCapital. Hãng này cho biết sau khi nhận được tiền đầu tư sẽ đẩy nhanh kế hoạch mở rộng dịch vụ gọi xe ra toàn quốc.
Gần đây, FastGo cũng liên tục tung ra các chương trình khuyến mại lớn như tặng gói trợ giá từ 10.000-20.000 đồng/cuốc xe và tuyên bố không tăng giá vào giờ cao điểm.
Cước giá rẻ đã kích hoạt cuộc chiến với đối thủ đang thống lĩnh thị trường: Grab. Hãng gọi xe đến từ Malaysia nhanh chóng hạ giá 50% cho mỗi cuốc xe GrabBike của khách hàng, sau đó là mức giá 5.000 đồng/cuốc dưới 8km.
"Cuộc chơi đốt tiền"
Có thể thấy, hiện tại, cùng với Grab đang làm mưa làm gió trên thị trường thì sự ra đời của Go-Viet cũng hứa hẹn khá nhiều kịch tính. Song, cánh cửa cơ hội cho các ứng dụng gọi xe Việt lại ngày một nhỏ hơn.
Thua kém về năng lực tài chính, hạn chế về công nghệ là điểm yếu lớn nhất của các ứng dụng gọi xe hiện nay. Dù trước đó, Công ty CP Xe khách Phương Trang tuyên bố rót tối thiểu 100 triệu USD vào ứng dụng gọi xe ViVu và đổi tên thành VATO nhưng đến nay, người tiêu dùng cũng như thị trường chưa ghi nhận dấu ấn nào đáng kể.
Có thể bạn quan tâm
05:15, 23/06/2018
04:16, 21/06/2018
06:36, 13/06/2018
14:13, 04/06/2018
Hay như dịch vụ gọi xe ôm công nghệ mang tên Mai Linh Bike tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. Ra mắt giữa tháng 7/2017 với tham vọng phát triển hơn 10.000 xe ôm công nghệ, mục tiêu đạt 1 triệu xe ôm công nghệ vào năm 2020. Tuy nhiên, chỉ khoảng nửa năm sau khi ra mắt, Mai Linh Bike gần như ‘biến mất’ trên các con phố. Khi mà mở ứng dụng ra thấy lượng tài xế thưa thớt, ở cách quá xa mình, khách hàng cũng không mặn mà đặt dịch vụ. Dù Mai Linh Bike có lợi thế là không tăng giá vào giờ cao điểm, hãng này lại gần như không có khuyến mại hấp dẫn khách hàng, ứng dụng chậm khiến nhiều khách hàng thất vọng về sự trải nghiệm.
Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội vận tải TP. Hà Nội đánh giá, các ứng dụng Việt vẫn còn yếu cả về công nghệ và nguồn lực. Các ứng dụng Việt muốn lấy thị phần trước hết phải có một phần mềm thật thông minh, nhanh nhạy, đáp ứng sự trải nghiệm của khách hàng. Ngoài ra, cần phải có một nguồn lực tài chính dồi dào, chiến lược thông minh để lôi kéo khách hàng, tài xế.
“Muốn lôi kéo tài xế anh phải tạo thu nhập ổn định, khách hàng thường xuyên thì người ta mới gắn bó. Muốn lôi kéo khách hàng thì anh phải có dịch vụ thật tốt, giá rẻ, nhiều chương trình khuyến mại. Như vậy phải vừa làm tốt việc có tài xế, vừa phải thu hút được khách hàng, đây là một thách thức không nhỏ”, ông Liên nói.
Nói về việc các ứng dụng Việt liệu có cạnh tranh với các ứng dụng ngoại, ông Liên cho rằng đó là câu chuyện đã được bàn rất nhiều, thậm chí là cả câu chuyện chung của giới taxi. Ông cho rằng doanh nghiệp cần đi từng bước vững chắc, lấy dần thị phần bằng chất lượng dịch vụ, giá cả, sự tin tưởng của khách hàng, từng khu vực khác nhau…
Còn theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định thời đại công nghệ phát triển, nhu cầu người dùng cũng cao hơn, đồng nghĩa dư địa phát triển của loại hình này còn rất lớn. Tuy nhiên đây không phải là miếng bánh "ngon ăn". Đối với thị trường gọi xe công nghệ, quan trọng nhất là có lực lượng tài xế đông đảo đủ để phục vụ người dùng ngay khi họ cần. Tâm lý của khách hàng rất đơn giản, chỉ cần đáp ứng được yêu cầu của họ thì họ sẽ lựa chọn. Chỉ cần 2 - 3 lần gọi xe không được, khách hàng sẽ nản, tạo ấn tượng không tốt và sẽ rất khó để quay lại sử dụng.
Ông Long cũng đánh giá trong cuộc chiến hiện tại, Grab vẫn đang thể hiện vị trí anh cả, rất khó để các tân binh có thể đánh bại. "Là người đầu tiên khai phá thị trường, Grab đã khẳng định được thương hiệu, ít nhiều tạo được vị thế nhất định trong lòng người dùng. Họ cũng có một lực lượng tài xế đông đảo, tạo tiền đề cơ bản vững chắc cho việc mở rộng thêm các tiện ích, dịch vụ khác. Tuy nhiên thị trường luôn khốc liệt và không thể nói trước điều gì. Người mới hay cũ, chỉ cần đảm bảo chất lượng dịch vụ, giá cả thỏa mãn người dùng là sẽ thắng" - vị này nói.