Cuộc đua "lên đời" thành phố (KỲ II): Đừng biến thành phong trào gây tốn kém nguồn lực

MAI AN 09/02/2021 13:00

Các chuyên gia thẳng thắn bày tỏ quan điểm không nên biến chuyện "lên đời" thành phố thành phong trào gây tốn kém về nguồn lực, để lại những hậu quả khó lường.

Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, sau khi TP HCM chính thức có thành phố trực thuộc thành phố, huyện đảo Phú Quốc lên đời phố đảo, một lần nữa các luồng ý kiến xung quanh việc lên đời thành phố của các đô thị lại diễn ra. Trong đó, một số địa phương cũng tiếp tục đặt vấn đề lên đời phố cho một số huyện, thị xã.

Việc chạy đua để nâng cấp đô thị trong điều kiện trình độ quy hoạch và quản lý đô thị còn hạn chế đã và sẽ để lại những hậu quả khó lường.

Các chuyên gia cho rằng, sẽ không chỉ có Thủ Đức hay Thuỷ Nguyên (đã được đưa vào quy hoạch thuộc TP Hải Phòng) mà trong quá trình phát triển mới nhiều thành phố đã sẵn sàng cho việc chuyển đổi.

Đơn cử như quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, thành phố Hà Nội sẽ có 5 đô thị vệ tinh kết nối với trung tâm gồm: Sơn Tây, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Xuân Mai, Hòa Lạc. Với việc đã có những tiền lệ là “thành phố trong thành phố” không loại trừ Hà Nội sẽ có những thành phố Hoà Lạc, thành phố Sơn Tây.

Thậm chí, hồi đầu năm 2020, khi đánh giá lại các tiêu chí để Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, địa phương này cũng đã tính đến phương án xây dựng mô hình thành phố trong thành phố, không hình thành các quận nội thành.

Rõ ràng, đánh giá về mô hình thành phố Thủ Đức, các chuyên gia kỳ vọng trung tâm mới sẽ đưa TP HCM thoát khỏi vòng luẩn quẩn về kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường, quá tải trung tâm...

Nhưng một thực tế dễ thấy thời gian qua đó là dù người dân chưa được hưởng đặc quyền, đặc lợi hay bất cứ cú hích kinh tế nào từ việc lên phố, thế nhưng nhiều cơn sốt đất đã nổ ra và gây "náo loạn" thị trường bất động sản khu đông TP HCM. Giá nhà đất, chung cư tăng theo chiều thẳng đứng. Trong chưa đầy 1 năm, giá trị các sản phẩm bất động sản đã tăng từ 30%-50%, thậm chí có nơi tăng gấp đôi.

"Cuộc đua" nâng cấp đô thị là minh chứng cho "trào lưu" lên đời phố mà không có một bản quy hoạch bài bản (ảnh: Thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế dù đã lên "thị" nay vẫn là xóm làng đơn sơ)

Chia sẻ riêng với DĐDN một Kiến trúc sư cho biết, chúng ta đã từng chứng kiến “cuộc đua” nâng cấp đô thị một thời, khi các làng xã lần lượt được sáp nhập vào đô thị, hay từ xã lên thị xã, đánh số nhà, đặt tên đường. Một sớm mai thức dậy, những người nông dân biến thành người thành phố mà không có sự chuẩn bị nào về mặt văn hóa - xã hội.

Cơ sở hạ tầng thuận lợi chưa thấy được xây dựng, nhưng từ ngày "lên phố" người dân các huyện, xã đã phải đóng các loại thuế với mức đóng tăng cao, đặc biệt khi nâng cấp các đơn vị hành chính đã làm nhiều vùng nông thôn phải đóng các loại phí, như phí đăng ký xe máy tăng gần gấp đôi so với trước. Và khi ấy không ít người dân đã phải "van trời" vì kiểu "bình mới rượu cũ".

Dễ thấy rằng mỗi khi báo chí đưa tin một huyện nào đó chuẩn bị "lên quận", hoặc một thành phố, thị xã nào đó "mở rộng địa giới hành chính", dư luận thường đón nhận một cách khá bàng quan. Còn sự háo hức dường như chỉ xảy ra với giới kinh doanh nhà đất.

Theo các chuyên gia, mở rộng không gian đô thị có thể đem lại nguồn thu khổng lồ cho ngân sách, nhất là từ lĩnh vực đất đai. Nhưng đô thị Việt Nam vẫn bình thản phát triển theo kiểu "vết dầu loang" và tiềm ẩn nguy cơ phát triển hỗn loạn, mất kiểm soát và dẫn đến thiệt hại về môi trường và kinh tế trong tổng thể. Quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ quá lớn, thiên về mục tiêu kinh tế trước mắt sẽ dẫn đến sự mất cân bằng về môi trường sống và các giá trị văn hóa lịch sử cổ truyền.

Trong khi đó, theo KTS Ngô Viết Nam Sơn việc hình thành các “thành phố trong thành phố” đều phải tính đến những giá trị mà nó mang lại thay vì chỉ là chuyện “tách-nhập” hay thay áo mới. Những giá trị đó phải hướng đến người dân, như vậy mới không biến chuyện “thành phố trong thành phố” thành một phong trào gây tốn kém về nguồn lực.

Đặc biệt, không thể quên việc chỉnh trang, giải quyết vấn đề giao thông, hạ tầng, bệnh viện, trường học, an ninh và chất lượng sống người dân. Tất cả những vấn đề của đô thị hiện hữu phải được đặt trên bàn cùng lúc với các dự án phát triển đô thị mới, để tránh sự tương phản về kẹt xe, ô nhiễm, ngập lụt, thất nghiệp giữa hai khu vực.

Bản quy hoạch của thành phố trực thuộc thành phố phải được lồng vào một bản quy hoạch mềm nữa, đó là bản quy hoạch cân bằng giữa lợi ích của các bên: chính quyền, nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân. Trong đó, chất lượng sống của người dân được đặt lên hàng đầu, đó mới là một bản quy hoạch thành công.

Có thể bạn quan tâm

  • Thấy gì từ câu chuyện “lên đời” thành phố?

    Thấy gì từ câu chuyện “lên đời” thành phố?

    11:00, 08/02/2021

  • Lại khấp khởi lên đời “quận”

    Lại khấp khởi lên đời “quận”

    22:09, 11/12/2020

  • Ma trận giá đất ảo tại TP Thủ Đức

    Ma trận giá đất ảo tại TP Thủ Đức

    07:00, 14/01/2021

  • Kỳ vọng thành phố mới Thủ Đức

    Kỳ vọng thành phố mới Thủ Đức

    11:00, 06/01/2021

  • Hải Phòng: Đồng ý chủ trương xây dựng huyện Thủy Nguyên thành thành phố

    Hải Phòng: Đồng ý chủ trương xây dựng huyện Thủy Nguyên thành thành phố

    15:07, 30/11/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cuộc đua "lên đời" thành phố (KỲ II): Đừng biến thành phong trào gây tốn kém nguồn lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO