Tài chính tiêu dùng tiếp tục có sức hút lớn với các nhà đầu tư ngoại khi nhu cầu xây dựng hệ sinh thái phục vụ tiêu dùng ngày càng mở rộng.
Nhiều ngân hàng đã thực hiện thoái vốn tại các công ty tài chính cho các đối tác ngoại trong thời gian vừa qua.
Đầu năm nay, SeABank đã chính thức chuyển nhượng 100% vốn tại Công ty Tài chính Bưu điện (PTF) cho AEON Financial, một thành viên của Tập đoàn AEON đến từ Nhật Bản.
Hay như SHB cũng đã ký kết chuyển nhượng toàn bộ vốn điều lệ tại công ty tài chính SHB Finance cho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri), một thành viên của Tập đoàn MUFG đến từ Nhật Bản. Thương vụ này dự kiến được thực hiện theo 2 giai đoạn. Đến cuối năm ngoái, Krungsri đề nghị với SHB về việc muốn mua trước hạn 50% vốn điều lệ còn lại của SHB Finance và HĐQT SHB đã thông qua việc bán/chuyển nhượng 50% phần vốn theo đề nghị.
Trước đó, VPBank đã ghi dấu ấn với thương vụ bán vốn lớn nhất lịch sử ngành tài chính tiêu dùng tại Việt Nam, với 49% cổ phần tại FE Credit sang tay cho Tập đoàn Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) của Nhật Bản trị giá 1,4 tỷ USD. Techcombank cũng chuyển nhượng cổ phần cho Công ty Tài chính Techcom Finance cho Lotte Card, một đơn vị thuộc Tập đoàn Lotte đến từ Hàn Quốc với gần 87 triệu USD. MB chuyển nhượng 49% vốn góp tại MCredit cho Shinsei Bank để lập liên doanh tài chính tiêu dùng. Đặc biệt, HDBank mua lại công ty tài chính từ tập đoàn Pháp, sau đó bán cho Saison để có HDSaison liên doanh.
Ngoài ra, thị trường còn ghi nhận những thương vụ như Công ty tài chính Prudential Việt Nam được Prudential Holborn Life Limited chuyển nhượng về Shinhan Card với giá 151 triệu USD. Hay như The Siam Commercial Bank Public Company Limited (SCB) thâu tóm Home Credit Việt Nam...
Việc nhiều ngân hàng thoái vốn tại các công ty tài chính cho thấy một xu hướng chuyển đổi để mở rộng hệ sinh thái. Từ phía ngân hàng, đó là việc gia nhập xu hướng quản lý tài sản cá nhân, thay cho thúc đẩy cho vay tiêu dùng qua công ty con. Một phần vì bản thân ngân hàng cũng đã có cho vay tiêu dùng, trong khi công ty tài chính bị giới hạn về huy động.
Song điều đó không có nghĩa hoạt động của công ty tài chính tiêu dùng không còn hấp dẫn. Bằng chứng sau giai đoạn khó khăn do Covid-19 và phục hồi, nhiều công ty đã quay trở lại thời kỳ có lãi như Home Credit, FeCredit; nhiều công ty tăng trưởng lãi như HDSaison hay giảm lỗ như Mirae Asset Financial, Shinhan Finance...
Song một thực tế là sân chơi quản lý tài sản - gia sản với sự mở rộng hệ sinh thái gồm công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty bảo hiểm… một thị trường chỉ riêng gia sản đã được định giá quy mô 600 tỷ USD vào năm 2027, theo McKinsey, là quá lớn. Cùng với đó, từ phía các nhà kinh doanh tài chính - tiêu dùng vừa mới thâm nhập thị trường Việt Nam, cơ hội sẽ lớn hơn khi nhịp cầu sở hữu thị phần được bắc ngay qua con đường M&A. Theo đó, đã kích thích họ sẵn sàng trả giá cao cho các bên bán công ty tài chính.
Có thể nói đây là hướng đi mà các bên cùng có lợi. Đặc biệt, phía ngân hàng cũng được bỏ túi ngay hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng thu nhập ròng - một lợi thế cho tổ chức nào “bạo tiền” khi nguồn vốn đắt giá hơn trong mục tiêu đảm bảo các tiêu chuẩn, hệ số an toàn vốn.
Ví dụ, vụ bán PTF giúp mang về cho SeABank 4.300 tỷ đồng. Lưu ý là ở tốc độ tăng trưởng cao 31% năm 2024, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng cũng chỉ ở mức 6.039 tỷ đồng. Trong khi đó ở góc độ người mua, đây là cột mốc song song cùng tham vọng mở rộng của AEON tại Việt Nam. Ở mảng thương mại bán lẻ, tập đoàn này đã xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ hai chỉ sau Nhật Bản. Tại Nhật Bản, AEON có hàng loạt công ty ở mảng tài chính tiêu dùng, ngân hàng, dịch vụ tín nhiệm, quỹ tín thác, dịch vụ cho vay mua nhà, bảo hiểm…. Do đó, việc mở rộng thị trường qua mở rộng hệ sinh thái, đón thành viên công ty tài chính tiêu dùng về AEON Financial trở thành cột mốc tất yếu.
Với SHB, nhà đầu tư kỳ vọng SHB sẽ hạch toán khoản bán vốn còn chưa ghi nhận giá trị lớn của thương vụ trong năm nay. Mặt khác, phía Krungsri không dấu mục tiêu tiếp tục thúc đẩy theo một trong những chiến lược chính của mình, GO ASEAN, khi đã mở rộng qua M&A tại Campuchia, Lào và Philippines.
Với các lợi ích nhiều phía, dự báo trong thời gian tới, M&A công ty tài chính tiêu dùng vẫn sẽ được các bên hướng tới. “Vay tiêu dùng vẫn là thị trường tiềm năng. Các nhà đầu tư có tiềm lực nhìn vào triển vọng thị trường để sẵn sàng đổ vốn”, Phó Chủ tịch VNBA Nguyễn Quốc Hùng cho biết.
Tuy nhiên, nếu “nhìn đi, nhìn lại”, thị trường chỉ có 16 công ty tài chính được cấp phép, dó đó vẫn sẽ có những thương vụ mua đi và bán lại. “Hàng hot” cũng sẽ là hàng hiếm và các nhà băng như MSB, vừa tái khởi động kế hoạch muốn bán Công ty tài chính TNEX Finance - tiền thân là Công ty Tài chính Dệt May mà MSB mua lại vào năm 2015, sẽ có nhiều thuận lợi.