Mới đây, cái bắt tay chiến lược giữa Tập đoàn Masan và De Heus Việt Nam được kỳ vọng sẽ tạo hiệu ứng tích cực lên toàn bộ thị trường thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam.
Theo đó, mảng thức ăn chăn nuôi của Masan MEATLife được chuyển giao hoàn toàn cho De Heus Việt Nam. Ngoài ra, hai bên cũng thống nhất những thỏa thuận cung ứng chiến lược dài hạn.
Ban đầu, Masan MEATLife xuất phát là công ty thuần về sản xuất thức ăn chăn nuôi, nhưng sau đó đã mở rộng ra sản xuất và chế biến thịt có thương hiệu. Công ty được biết đến với việc đang vận hành nền tảng 3F (Feed-Farm-Food) từ trang trại đến bàn ăn với đầu ra là sản phẩm đã khá quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam - MEATDeli.
Masan MEATLife sở hữu 13 nhà máy thức ăn chăn nuôi của những công ty thức ăn chăn nuôi lớn như Anco, Proconco, các nhà máy chuyên sản xuất từ thức ăn gia súc, gia cầm cho đến thủy sản. Tổng công suất đến cuối năm 2020 là 3,3 triệu tấn/năm.
Song, tháng 9 vừa qua, tập đoàn Masan đã lên kế hoạch tái cấu trúc doanh nghiệp bằng việc tách biệt các mảng kinh doanh độc lập, cho phép đơn vị này chuyển đổi thành nền tảng kinh doanh chỉ tập trung vào thịt có thương hiệu.
Nghĩa là, họ muốn các mảng kinh doanh sẽ có tính chủ động, độc lập hơn, và vẫn là các nhân tố trong chuỗi cung ứng tích hợp “Feed – Farm – Food” của Masan MEATLife. Nhưng bên cạnh đó, họ cũng “sẵn sàng hợp tác với đối tác chiến lược giàu tiềm lực và kinh nghiệm để phát huy tối đa thế mạnh, hiện thực hóa chiến lược Point of Life phục vụ nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng”.
Thời điểm đó, ban lãnh đạo tập đoàn cho biết, họ sẽ dồn nguồn lực để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi thành nền tảng kinh doanh hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), mục tiêu doanh thu mảng thịt đạt 35.000 – 45.000 tỷ vào năm 2025, chiếm khoảng 10% thị phần toàn quốc.
Ngay sau đó, đối tác chiến lược De Heus Việt Nam đã được “chọn mặt gửi vàng” với một Biên bản ghi nhớ (MOU) vào ngày 14 tháng 9, nhằm phát huy sở trường của mỗi bên. Trong đó, Masan MEATLife sẽ tập trung vào thế mạnh chính là doanh nghiệp đi đầu trên thị trường thịt mát Việt Nam. Còn De Heus sẽ quản lý giai đoạn cung cấp kỹ thuật nuôi dưỡng, chăn nuôi và con giống.
Và giờ đây mọi thứ đã được diễn ra một cách suôn sẻ, đúng theo lộ trình mà cả hai bên đã ký kết trong biên bản ghi nhớ hồi tháng 9. Thương vụ này được coi là sẽ cho phép De Heus cùng Masan tối ưu hóa và phát huy thế mạnh của cả hai.
Có thể nói, thương vụ này được kỳ vọng sẽ giúp củng cố vị thế của De Heus trên thị trường thức ăn chăn nuôi Đông Nam Á, trong đó chủ yếu là tại Việt Nam.
Trên thực tế, De Heus Việt Nam là công ty trực thuộc Royal De Heus Group của Hà Lan. Tập đoàn này tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là ngành thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản. Hiện tại, De Heus Group đã có nhà máy tại hơn 80 quốc gia, cùng với hơn 6000 nhân viên.
De Heus đặt chân vào thị trường Việt Nam khá sớm, từ năm 2008. Họ mua lại nhà máy Indochine Feeds tại Bình Dương và PG Richfarm tại Hải Phòng. Những thương vụ mua lại này nằm trong chiến lược phát triển của công ty, nhằm thông qua các nhà máy tại địa phương để thâm nhập vào các thị trường thức ăn chăn nuôi quốc tế.
Từ đó đến nay, tập đoàn của Hà Lan đã liên tục mở rộng đầu tư nhằm củng cố vị thế của mình và tăng cường khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi khác như CP, Cargill, Japfa. Hiện tại, họ đã chiếm gần 6% thị phần mảng thức ăn chăn nuôi của Việt Nam.
Với 9 nhà máy cùng hệ thống kho bãi trải dài khắp Việt Nam, De Heus đã nằm trong top 3 công ty thức ăn chăn nuôi lớn nhất, đồng thời là công ty phát triển nhanh nhất tại Việt Nam. Trong chuỗi sản xuất và nuôi trồng ở Việt Nam, De Heus đang có được vị trí vững chắc ở tất cả các phân khúc sản phẩm thức ăn chăn nuôi cho động vật, thủy, hải sản.
Tháng 5 năm ngoái, De Heus và Hùng Nhơn Group cũng đã bắt tay trong việc đầu tư khu chăn nuôi công nghệ cao trị giá 1.000 tỷ tại Gia Lai. Mục đích của dự án nhằm biến khu vực này trở thành trung tâm ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, để sản xuất các sản phẩm theo chuỗi liên kết khép kín.
Trên hành trình phát triển của mình, De Heus đã liên kết với các hộ chăn nuôi tại Việt Nam, cung cấp và đào tạo những kiến thức và dụng cụ cần thiết để tạo ra những sản phẩm sạch. Doanh nghiệp này đã được đánh giá cao khi góp phần làm thay đổi bộ mặt ngành chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản Việt Nam.
Thời điểm này, với cú bắt tay giữa Masan MEATLife và De Heus Việt Nam, hai doanh nghiệp hàng đầu, dự kiến sẽ tạo hiệu ứng tích cực lên toàn bộ thị trường. Đây cũng có thể được coi là một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao các quy định về an toàn, vệ sinh cho chuỗi đạm động vật tại thị trường Việt Nam. Đồng thời, nâng cao giá trị cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam ở khu vực và thế giới.
Đặc biệt, đây cũng là chỉ dấu mới, đưa tên tuổi của De Heus đến gần hơn với người tiêu dùng, khi doanh nghiệp này được vinh danh trong top 10 công ty thức ăn chăn nuôi uy tín Việt Nam 2020, và top 11 tập đoàn sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất toàn cầu.
Có thể bạn quan tâm
Masan Group tăng tỉ lệ sở hữu tại The CrownX lên 84,9%
10:43, 01/07/2021
Năm 2021, Masan Group đặt mục tiêu doanh thu thuần từ 92.000 - 102.000 tỷ đồng
13:40, 01/04/2021
Masan Group đạt lợi nhuận 1.234 tỷ đồng trong năm 2020
06:00, 30/01/2021
Masan Group được vinh danh Top 10 Thương vụ đầu tư và M&A tiêu biểu năm 2019-2020
08:46, 25/11/2020
Masan Group lần thứ 8 liên tiếp có mặt trong Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam
11:53, 16/10/2020