Ngày 27/12 tới, TAND Cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử phúc thẩm để xem xét đơn kháng cáo của cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và đồng phạm…
>>Xét xử đại án Sabeco: Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và các đồng phạm hầu tòa lần 3
Theo đó, sau phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và vi phạm các quy định về quản lý đất đai xảy ra tại Bộ Công Thương và TP.HCM có 4 bị cáo làm đơn kháng cáo.
Những người này gồm: ông Vũ Huy Hoàng (cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương), Phan Chí Dũng (cựu Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương), Lâm Nguyên Khôi (cựu Phó Giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM) và Lê Quang Minh (cựu Trưởng phòng Phòng Phát triển hạ tầng, Sở KH&ĐT TP.HCM.
HĐXX cấp phúc thẩm gồm 3 người, thẩm phán Võ Hồng Sơn ngồi ghế chủ toạ phiên toà.
Trong đơn kháng cáo, cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đề nghị tòa án cấp phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt; xem xét toàn bộ hành vi của bị cáo trong vụ án để xác định lại tội danh.
Các bị cáo còn lại kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, xin được cải tạo ngoài xã hội.
Riêng bị cáo Khôi đang mắc bệnh hiểm nghèo, kháng cáo với mong muốn được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
Trước đó, vào chiều 29/4, TAND TP Hà Nội tuyên phạt ông Vũ Huy Hoàng 11 năm tù vì tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Bị truy tố về cùng tội danh với cựu Bộ trưởng, bị cáo Phan Chí Dũng bị tuyên mức án 9 năm tù.
Ông Lâm Nguyên Khôi nhận 4 năm 6 tháng tù và Lê Quang Minh lĩnh 3 năm 6 tháng tù vì cùng tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai.
Theo bản án sơ thẩm, hành vi của các bị cáo trong vụ án Sabeco là đặc biệt nghiêm trọng.
>>Phiên toà xét xử cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng tiếp tục vắng mặt nhiều người
Các bị cáo là những người giữ vị trí lãnh đạo đầu ngành, cán bộ chủ chốt của Bộ Công Thương và UBND TP HCM; được phân công nhiệm vụ quản lý ngành Công Thương trên toàn quốc và quản lý, phát triển kinh tế - xã hội ở đô thị lớn nhất cả nước.
Dù vậy họ đã thực hiện hành vi phạm tội trong thời gian dài, cố ý vi phạm các quy định về quản lý tài sản Nhà nước, vi phạm các quy định về quản lý đất đai.
Từ đó chuyển dịch quyền quản lý, sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng là tài sản Nhà nước sang tài sản tư nhân, gây thiệt hại lớn cho Nhà nước số tiền hơn 2.713 tỷ đồng.
Bản án sơ thẩm cho rằng, ông Vũ Huy Hoàng là người có trình độ, chuyên môn trong công tác quản lý nhà nước về kinh tế, trải qua nhiều cương vị công tác, thường xuyên tham dự họp Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng, Chính phủ và Quốc hội về quản lý ngành Công Thương, trong đó có Sabeco.
Bị cáo biết rõ việc Chính phủ có Nghị quyết 94 và 26, yêu cầu các Tổng công ty Nhà nước không được đầu tư ngoài ngành, nhưng đã không chấp hành, mà chấp thuận để Sabeco liên doanh.
Ông Phan Chí Dũng bị xác định là đồng phạm giúp sức tích cực trong vụ án.
Bị cáo Lâm Nguyên Khôi khi chưa lấy ý kiến của các ngành chức năng, theo sự chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín, đã ký văn bản tham mưu, đề xuất với UBND TP chấp thuận cho Sabeco Pearl làm chủ đầu tư, thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Bản án sơ thẩm cho rằng, văn bản này là cơ sở để các ngành tham mưu, đề xuất với lãnh đạo UBND TP.HCM cho Sabeco Pearl thuê đất trái pháp luật.
Có thể bạn quan tâm
Xét xử đại án Sabeco: Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và các đồng phạm hầu tòa lần 3
11:34, 22/04/2021
Ngày 22/4, mở lại phiên tòa xét xử cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng
15:54, 06/04/2021
Phiên toà xét xử cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng tiếp tục vắng mặt nhiều người
15:44, 18/01/2021
Hoãn phiên xét xử nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng
14:50, 07/01/2021
Ông Vũ Huy Hoàng có thể đối mặt với mức án nào?
04:50, 16/07/2020
Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng gây thiệt hại hơn 3.800 tỷ đồng
09:47, 15/07/2020
Bộ Công an đề nghị truy tố ông Vũ Huy Hoàng
22:30, 13/07/2020