Việc thiền đang dần trở thành một xu hướng lãnh đạo doanh nghiệp mới tại Việt Nam, những mô hình hoàn chỉnh trong tương lai là hoàn toàn khả thi.
Tiến sĩ Ginny Whitelaw, nguyên Phó giám đốc Chương trình Tích hợp trạm không gian NASA và là một thiền sư dòng Rinzai-jin khuyên lãnh đạo doanh nghiệp hãy đến với thiền một cách tự nhiên và để cho những trải nghiệm bản thân dẫn dắt và sẽ sớm “thấy” điều cần “thấy”.
Cuộc sống hiện đại giống như một đường đua, để thành công buộc ta phải chạy. Nhưng sức người hữu hạn, đơn giản ngồi xuống đôi khi lại hiệu quả hơn nhiều so với việc liên tục lao về phía trước. Đó chính là lý do vì sao thiền định trở thành lựa chọn của nhiều nhà lãnh đạo cũng các doanh nghiệp hàng đầu thế giới.
Nhiều công ty lớn như Apple, Google, Nike… đã nhận thấy vai trò đặc biệt của thiền định với đời sống doanh nghiệp. Bản thân việc cho phép nhân viên dành 30 phút mỗi ngày để thiền định ngay tại nơi làm việc, mở các lớp dạy hay có hẳn một phòng tập cho nhân viên của Apple thời Steve Jobs là ví dụ rõ nét nhất. Có thể nói, những chương trình như thiền định là cơ hội để chủ doanh nghiệp đầu tư vào sức khỏe của nhân viên, hiệu quả trong công việc và khai thác tiềm năng của họ.
Tuy nhiên, thiền định không phải là một trào lưu mà là cả quá trình. Để phương pháp này thực sự mang đến những cải thiện trong đời sống doanh nghiệp, người chủ doanh nghiệp trước hết phải là những nhà lãnh đạo thiền. Bản thân cuộc đời cha đẻ Apple - Steve Jobs, có một điểm đặc biệt người ta ít để ý - đó là thiền. Jobs bắt đầu tìm hiểu thiền từ rất sớm, tư tưởng của thiền đã ảnh hưởng đến triết lý sống và tư duy trong công việc của ông, góp phần không nhỏ vào việc xây dựng đế chế Apple mà chúng ta biết ngày nay.
Để hiểu rõ hơn về lãnh đạo thiền và tác động đối với văn hóa doanh nghiệp, TheLEADER đã có dịp trò chuyện cùng tiến sĩ Ginny Whitelaw, nguyên Phó giám đốc chương trình Tích hợp trạm không gian NASA, một thiền sư dòng Rinzai-jin và nhà sáng viện Zen Leadership, nhân chuyến công tác của bà tại Việt Nam.
- Có ý kiến cho rằng, thiền là bộ môn thuộc về sự huyền bí mà lại áp dụng vào kinh doanh - vốn thiên về tư duy, sẽ dễ rơi vào quan hệ hội sinh, khó mà dung hợp. Bà nghĩ sao về nhận định này?
Cần hiểu rằng, thiền mà chúng ta đang nói đến ở đây là một sản phẩm của khoa học, với vai trò như một “bộ môn thể thao” dành cho trí não và tâm thần, trước cả yếu tố tôn giáo, sự thần kỳ như nhiều người vẫn lầm tưởng.
Trên thế giới, cách đây khoảng 20 năm, phương pháp giảm căng thẳng (stress) trên nền tảng chính niệm bắt đầu được giới khoa học quan tâm đặc biệt. Ban đầu, phương pháp này giúp mọi người đối mặt với stress, nhưng về sau, thiền zen (gọi tắt là thiền) đã đưa kỹ thuật này lên cấp độ cao hơn, không chỉ là cơ chế đối mặt với bệnh lý tinh thần, mà còn là liệu pháp “trẻ hóa” tư duy trên cơ sở tự thúc đẩy sản xuất serotonin. Trong đó, sự gia tăng cảm giác lạc quan và ý tưởng sáng tạo là hai biểu hiện cụ thể nhất.
Cũng như hành trình phát triển của thiền, đối tượng doanh nhân và nhà quản trị tìm đến phương pháp này, trước là để giảm căng thẳng, về lâu dài là sử dụng chúng như một kỹ thuật giúp kích thích tạo ra các ý tưởng mới (sáng tạo – PV), giải quyết công việc một cách sáng suốt, tăng phổ chịu áp lực mà trí não không bị đặt vào tình trạng quá tải.
Từ việc kiểm soát tốt tinh thần, người lãnh đạo sẽ có những thái độ tích cực hơn, hiểu thêm về cuộc sống, nhất là các mối quan hệ xung quanh; từ đó hành vi ứng xử và công tác quản lý bộ máy, nhân viên được cải thiện theo chiều hướng hài hòa hơn - đây chính là thuật lãnh đạo.
Thiền và kỹ năng kinh doanh, nghe thì có vẻ khác nhau nhưng lại có xuất phát điểm chung ở tư duy, tinh thần người lãnh đạo, mỗi yếu tố lại giúp hành vi và suy nghĩ của đối tượng hoàn thiện ở một khía cạnh. Vì vậy, cộng sinh, chứ không phải hội sinh, là từ dùng đúng để chỉ mối quan hệ của hai yếu tố này.
- Vậy về phía doanh nghiệp, những thay đổi nào có thể xảy ra khi lãnh đạo của họ áp dụng thiền trong quản lý?
Khi một người thực sự hành thiền, người đó sẽ dễ dàng tác động và có ảnh hưởng tới môi trường xung quanh. Lấy ví dụ như trong gia đình, nếu ai có tập và hành thiền sẽ dễ xây dựng các mối quan hệ sâu sắc hơn với các thành viên. Còn với tổ chức, sự ảnh hưởng tích cực sẽ được thể hiện qua các quyết định, qua cảm xúc, thái độ, tư duy và cách nhìn nhận vấn đề trong suốt buổi họp hoặc tranh luận.
Tuy nhiên, mục tiêu lớn nhất của thiền trong lãnh đạo doanh nghiệp không dừng ở đó mà là tạo nên một cộng đồng mang tinh thần lãnh đạo thiền, một môi trường mà nhân viên làm việc và hoạt động trên cơ sở làm chủ bản thân (đúng việc, đúng vai trò, đúng trách nhiệm) và chủ động giải quyết các xung đột trên nguyên tắc hài hòa của vì mục đích chung công ty.
Tại Việt Nam, tôi đã gặp và tiếp xúc với rất nhiều lãnh đạo thiền sở hữu doanh nghiệp lớn, tuy nhiên xây dựng thành công một cộng đồng như đã nói ở trên tại đơn vị là chưa có (không có hoặc chưa hoàn thiện). Lạc quan mà nói, với việc thiền đang dần trở thành một xu hướng lãnh đạo doanh nghiệp mới tại Việt Nam, những mô hình hoàn chỉnh trong tương lai là hoàn toàn khả thi.
- Còn về phía chủ doanh nghiệp, tác động trong công việc mà họ nhận được thông qua thiền là gì?
Vì thiền là phương pháp phụ thuộc nhiều vào sự luyện tập, do đó ở mỗi giai đoạn, người hành thiền - trong trường hợp này là chủ doanh nghiệp, sẽ có những tác động khác nhau. Khi mới đến với thiền, thường là đã thực hành được khoảng vài tuần đến 1 tháng thì tác động giảm căng thẳng, nâng cao sức khỏe là biểu hiện rõ nhất.
Đến giai đoạn 2, khi đã làm quen và tập trung nhanh hơn trong lúc hành thiền, người tập sẽ trở nên nhạy cảm với các yếu tố xung quanh, qua đó những cảm nhận cá nhân về sự vật, hiện tượng sẽ mạnh mẽ và chính xác hơn, điển hình là việc trả lời dễ dàng hơn câu hỏi: thời điểm nào là phù hợp (thời gian), hướng giải quyết nào đúng (công việc) hoặc đơn giản là đối tác mà mình lần đầu tiếp xúc là người ra sao (con người)?
Cuối cùng, khi đã tìm lại sự cân bằng cho bản thân, người tập sẽ có khả năng truyền cảm hứng sống, tinh thần tích cực cho người khác (đồng nghiệp, nhân viên, đối tác…)
- Vậy lãnh đạo thiền cần lưu ý điều gì để việc luyện tập có hiệu quả?
Thiền dành cho đối tượng doanh nhân, cần nhất là sự sắp xếp giữa công việc và luyện tập; người hành thiền không nên đổ lỗi cho công việc quên tập luyện hoặc vì hành thiền quá mức mà bỏ qua yếu tố công việc.
Việc xác định mục đích đến với thiền cũng là yếu tố quan trọng. Nếu xem thiền là phương pháp vừa cải thiện sức khỏe, vừa là cách đổi mới tư duy lãnh đạo theo hướng tích cực thì sẽ mang lại hiệu quả lan tỏa rất tốt. Ngoài ra, tham gia những tổ chức, cộng đồng lãnh đạo thiền, như Cộng đồng Nhà lãnh đạo tỉnh thức tại Việt Nam cũng là hoạt động rất được khuyến khích. Qua quá trình giao lưu và cùng nhau luyện tập, các thành viên sẽ có cơ hội mở rộng quan hệ, cả trong kinh doanh lẫn kinh nghiệm trong hành trình đến với thiền.
- Bà có chia sẻ gì đối với những người còn ngần ngại hoặc hoài nghi về hiệu quả của thiền nói chung và xu hướng lãnh đạo thiền nói riêng?
Tác động tích cực của thiền từ lâu đã nhận được sự quan tâm của giới nghiên cứu, do đó, để dẫn chứng về mặt khoa học là chuyện rất dễ dàng. Tuy nhiên, vì có quan hệ mật thiết đến yếu tố trải nghiệm, việc cảm nhận thực tế sẽ là minh chứng rõ nhất cho những ai đã và đang quan tâm.
Máy móc và thiết bị dù tân tiến đến đâu, cũng chỉ có thể khảo nghiệm, giúp mô tả dấu hiệu tốt hơn thông qua ghi nhận điện đồ, tế bào, hormon, tâm trạng, thể hiện gen và khả năng hoạt động của cơ thể; trong khi trải nghiệm bên trong đã được biết đến từ hàng triệu năm cùng với sự phát triển của tâm thức con người.
Như vậy, chúng ta có nhiều cách để nhìn thấy những tác động từ thiền, nhưng không gì có thể thay thế được yếu tố luyện tập và tự thân trải nghiệm. Với những ai còn ngần ngại hoặc hoài nghi, tôi chỉ đơn giản khuyên họ, nếu thật sự quan tâm, hãy đến với thiền một cách tự nhiên và để cho những trải nghiệm bản thân dẫn dắt, họ sẽ sớm “thấy” điều cần “thấy”.
Xin cảm ơn bà về buổi trò chuyện!