Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được phát động cách đây đã 17 năm là một chủ trương lớn và đã có hiệu quả thiết thực, nhưng theo ĐBQH Dương Trung Quốc, đã đến lúc cần thay đổi.
Đã đến lúc “ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cần được xem lại và phải thay đổi tâm thế để chuyển thành cuộc vận động “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”.
ĐBQH Dương Trung Quốc cho rằng, đã đến lúc “ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cần được xem lại và phải thay đổi tâm thế để chuyển thành cuộc vận động “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” ngay tại thị trường “ngót” trăm triệu dân đang bị nhiều doanh nghiệp nước ngoài chinh phục. Đó cũng là điều thường thấy ở các nền kinh tế tiên tiến luôn coi trọng thị trường quốc nội ưu tiên phục vụ chính những người dân của mình.
Vẫn theo ông Quốc, trong khi các rào cản giám sát của các nền kinh tế tiên tiến của thế giới buộc chúng ta phải làm ăn đàng hoàng mà vụ “rút thẻ vàng” của EU đối với ngành đánh bắt cá là một điển hình, thì việc ưu tiên dùng hàng Việt Nam khiến thị trường trong nước bị một số doanh nghiệp lợi dụng tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng mà tình trạng mất an toàn thực phẩm hay vụ Khaisilk đang còn rất ‘nóng hổi”.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì không thích cách gọi “người tiêu dùng thông thái”. Làm sao người tiêu dùng thông thái được khi những thông tin cần thiết về sản phẩm không đến được với họ? Muốn để người tiêu dùng chọn được hàng tốt thì phải cung cấp thông tin cho họ, và đây là trách nhiệm của cả nhà nước, doanh nghiệp và giới truyền thông.
Còn bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, chúng ta không thể chỉ kêu gọi suông người Việt dùng hàng Việt để chứng tỏ lòng yêu nước của mình. Và chúng ta cũng sẽ không thể có câu trả lời đơn giản và một chiều với câu hỏi là "tại sao người Việt chưa dùng hàng Việt". Tâm lý của người tiêu dùng hàng Việt Nam (với đối tượng có thu nhập trung bình và hơi thấp một chút), họ chỉ quan tâm hàng đó có tốt không, chất lượng thế nào và giá cả. Họ không quan tâm đến quốc tịch của mặt hàng đó.
“Không dễ dàng để chúng ta thuyết phục được người tiêu dùng chỉ bằng việc vận động, kêu gọi. Đặc biệt ở những vùng nông thôn, thậm chí trong gia đình họ có 70-80% là hàng Trung Quốc. Đó là điều chúng ta rất nên suy nghĩ”, bà Loan nói.
Đại đa số người Việt Nam chuộng hàng ngoại, đó là kết quả không mấy phấn khởi. Nguyên nhân là chúng ta không đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, đặc biệt là những người có thu nhập khá trở lên. Một yếu tố nữa là tâm lý của người tiêu dùng, do các sản phẩm của chúng ta cũng không có nhiều chi phí quảng cáo, các chiêu thức khuyến mại như các sản phẩm nước ngoài cũng là một tác động đến tâm lý tiêu dùng.
Thêm nữa, những người có ảnh hưởng lớn đến đại bộ phận quần chúng cần phải gương mẫu trong việc chọn lựa và ưu tiên dùng hàng Việt, ví dụ như những người nổi tiếng, các ngôi sao...
Quả thực, người tiêu dùng luôn thực dụng. Khi bỏ tiền ra mua thì có sự lựa chọn. Hàng Việt Nam hiện nay chưa bảo vệ thích đáng được người tiêu dùng. Chính những loại hàng giả, hàng nhái trong nước đang làm hại các nhà sản xuất. Cần mở chiến dịch bảo vệ cái tốt, chống lại cái xấu để bảo vệ người tiêu dùng.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là một chủ trương lớn, cần phải có những giải pháp tổng hợp từ chính sách của nhà nước, từ phía các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Trong đó, các nhà sản xuất kinh doanh phải cải tiến, thích ứng với thị trường như cải tiến mẫu mã, tăng sức cạnh tranh giá cả và chất lượng hàng hóa, có văn hóa ứng xử với người tiêu dùng trong mua bán, trong việc bảo hành sản phẩm, hậu mãi,…
Khi doanh nghiệp biết đặt lợi ích của người tiêu dùng lên trên lợi nhuận trước mắt thì sẽ mang lại sự thiện cảm của người tiêu dùng đối với sản phẩm của mình, lợi ích cuối cùng của doanh nghiệp sẽ là lợi nhuận. Doanh nghiệp hãy lấy sự phát triển bền vững hơn là chỉ nghĩ đến lợi nhuận trước mắt.