Nâng tầm kỹ năng, giúp người lao động thích ứng với công việc mới luôn thay đổi do ứng dụng công nghệ và dịch bệnh COVID-19.
Để đáp ứng xu thế này, hệ thống giáo dục nghề nghiệp cần nâng cao chất lượng đào tạo, nhất là với lĩnh vực, ngành nghề mới.
Khoảng 74% lao động chưa qua đào tạo nghề
Nói về vấn đề đào tạo lao động, ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Kỹ năng nghề cho hay: Đề án nhằm phát triển nâng tầm kỹ năng và năng lực hành nghề người lao động Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, phát triển các kỹ năng cơ bản, nền tảng cho người lao động.
Đồng thời, hình thành đội ngũ lao động tương lai có tính chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, thích ứng linh hoạt và sáng tạo đáp ứng nhu cầu tìm việc làm, tự tạo việc làm bền vững, chuyển đổi và thăng tiến nghề nghiệp dựa vào kỹ năng và năng lực hành nghề, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động, tăng năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế trong tình hình mới.
Đối tượng chính mà dự án hướng tới là người lao động ở các giai đoạn phát triển nghề nghiệp khác nhau, tập trung các giải pháp xác định và bù đắp sự thiếu hụt kỹ năng của người lao động nhằm giảm chi phí, thời gian đào tạo, từ đó tăng hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, năng lực hành nghề cho người lao động đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng của thị trường lao động.
Theo tính toán, thị trường lao động trong mô hình tăng trưởng mới ở Việt Nam đến năm 2025 có 66 triệu người, trong đó, 75% làm việc trong khu vực công nghiệp, dịch vụ. Đây sẽ là thị trường lao động hiện đại với nhiều ngành nghề mới, đòi hỏi người lao động phải có kỹ năng mới.
Một số nghiên cứu thị trường lao động trong trung hạn cho thấy, trong 10 đến 15 năm tới, do tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, của tự động hóa và trí tuệ nhân tạo, sẽ có một phần ba công việc hiện tại thay đổi và cần khoảng 1,5 triệu nhân lực công nghệ số. Số lao động trong nông nghiệp sẽ giảm xuống và lao động có bằng cấp, chứng chỉ đến năm 2030 phải đạt khoảng 40%.
Xây mô hình trường trong doanh nghiệp
Theo đánh giá của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng tay nghề cao, bên cạnh đào tạo nghề đại trà, Bộ đã chủ trương phát triển các ngành nghề đào tạo chất lượng cao, trường nghề chất lượng cao.
Hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tác động lớn đến nền kinh tế kinh tế nói chung và hệ thống GDNN nói riêng. Việc tái cơ cấu lại các cơ sở, hình thành mạng lưới các trường chất lượng cao, thành lập các trung tâm nghề xuất sắc, các Viện nghiên cứu và thực hành… được coi là một trong những thay đổi mang tính đột phá góp phần vào thành công của hệ thống giáo dục nghề nghiệp của các nước phát triển.
Do vậy, Việt Nam cũng nằm trong xu thế hình thành mạng lưới trường nghề chất lượng cao trong quá trình thực hiện khi thực hiện cơ cấu lại hệ thống các trường nghề. Quá trình này giúp đào tạo nhân lực tay nghề cao, từng bước đáp ứng yêu cầu của thị trường; nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý GDNN.
Cùng với đó, đến năm 2025, Việt Nam sẽ có 70 trường cao đẳng chất lượng cao, trong đó 40 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN 4, có 3 trường tiếp cận các nước phát triển trong G20. Đến năm 2030, hình thành thêm 3-5 trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, đồng thời có 90 trường chất lượng cao...
Bên cạnh đó, Trung tâm Quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao này được kỳ vọng sẽ cung cấp các kỹ năng chất lượng cao theo quan điểm học tập suốt đời, thúc đẩy nghiên cứu và sự đổi mới. Điều này có thể cho phép GDNN trở nên hấp dẫn hơn, đáp ứng, bao trùm và có sự gắn kết.
Mô hình trường chất lượng cao từ các nước phát triển cũng đã cho thấy tính dẫn dắt và định hướng kỹ năng nghề mới. Chia sẻ về mô hình trung tâm đào tạo thực nghề của trường chất lượng cao tại Đức, ông Juergen Hartwig - Giám đốc Chương trình đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam Giz khuyến nghị,: Các cơ sở đào tạo nghề Việt Nam gắn đào tạo lý thuyết và thực hành theo nhu cầu ở mọi trình độ và loại hình; Đào tạo nâng cao cho đội ngũ giáo viên GDNN và cán bộ đào tạo tại doanh nghiệp (cả thực hành và phương pháp sư phạm).Đồng thời đào tạo theo hình thức hợp tác, đào tạo nâng bậc kỹ năng cho người lao động về công nghệ, kỹ năng kỹ thuật số và kỹ năng chuyển đổi.
Ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cho biết: "Tổng cục đang tiến hành nghiên cứu, khảo sát, đánh giá thực trạng kỹ năng của người lao động tại các doanh nghiệp theo các lĩnh vực, ngành, nghề chịu tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để nhanh chóng xây dựng các chương trình đào tạo và đào tạo lại. Dự kiến, 20 nghề sẽ được lên chương trình trong năm nay và sang năm 2022 bắt đầu tuyển sinh.
Theo khảo sát của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, 6 nghề đang là xu hướng, sẽ được đào tạo chính quy trình độ cao đẳng, trung cấp gồm: Giải pháp blockchain, kết nối hệ thống robot, kết nối vạn vật, trang trại số, bảo mật dữ liệu, in 3D. Bên cạnh đó, một số nghề khác theo hướng cập nhật, nâng cao đáp ứng công cuộc chuyển đổi số như: Công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, điện - điện tử, tự động hóa, các nhóm ngành nghề như công nghiệp chế biến, thiết bị y tế, dịch vụ vận tải - logistics, du lịch dịch vụ, dệt may - giày da, nông nghiệp công nghệ cao, lâm nghiệp, ô tô, cơ khí nông nghiệp, năng lượng mới và năng lượng tái tạo và một số ngành nghề khác.
"Sau khi khảo sát, trường cao đẳng trung cấp và doanh nghiệp sẽ cùng phối hợp tuyển sinh đào tạo các ngành nghề mà thị trường cần này theo hình thức đặt hàng và sẽ được doanh nghiệp nhận sau khi ra trường", ông Vũ Xuân Hùng cho biết.
Thực tế từ cơ sở cho thấy, đào tạo nghề chất lượng cao thu hút nhiều học sinh theo học, theo ông Nguyễn Thanh Hải, Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề An Giang, trường là 1 trong 11 trường tham gia vào chương trình "Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam" của Tổ chức hợp tác phát triển Đức mà trường đang triển khai chương trình đào tạo ngành Cơ điện tử theo chuẩn Đức.
Với sự hỗ trợ của chuyên gia Đức, đào tạo cán bộ giảng dạy, đầu tư trang thiết bị thực hành hiện đại, Cơ điện tử sẽ là ngành đào tạo trọng điểm của trường, từ đó nâng dần chất lượng đào tạo nghề của nhà trường theo hướng đạt chuẩn quốc tế.
Vì lý do này mà nghề cơ điện tử rất thu hút học sinh theo học. Các trường nghề điểm ở từng vùng đều mong muốn tham gia chương trình đào tạo chất lượng cao, đào tạo kỹ năng nghề mới để đáp ứng nhu cầu lao động phát triển kinh tế của từng vùng và thị trường việc làm chung trong nước và cả khu vực, quốc tế.
Có thể bạn quan tâm
15:51, 29/12/2022
04:00, 21/12/2022
11:27, 17/12/2022