Theo các chuyên gia, bối cảnh quốc tế và trong nước đã có nhiều thay đổi, tác động lớn đến sự phát triển của ngành dầu khí. Do đó, việc sửa đổi Luật Dầu khí là hết sức cần thiết.
>>Quy định đầu tư vốn ra ngoài Cty mẹ-Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
Nhiều bất cập
Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng nêu rõ, Luật Dầu khí ra đời năm 1993 (được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2000 và 2008), đã hình thành khung pháp lý cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí trong phạm vi lãnh thổ, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới và trong nước có nhiều thay đổi, Luật Dầu khí đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành dầu khí; hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác…
Để giải quyết những điểm hạn chế này, TS Khoa học Phan Xuân Dũng cho rằng: Cần sớm khắc phục những bất cập và sửa đổi Luật dầu khí để làm cơ sở cho việc cụ thể hóa các quy định của pháp luật, trên quan điểm: Thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước đối với các hoạt động dầu khí. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về các hoạt động dầu khí; phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các Bộ, cơ quan; tạo sự minh bạch rõ ràng trong các quy trình, thủ tục triển khai các hoạt động dầu khí. Kế thừa và phát triển các quy định của pháp luật dầu khí hiện hành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong hoạt động dầu khí.
Bảo đảm tính ổn định, nguyên tắc không hồi tố trong Luật Dầu khí để tránh các vướng mắc có thể xảy ra trong quá trình thực hiện các hợp đồng dầu khí đã ký kết.
>>Petrovietnam tích cực đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi)
6 nhóm vấn đề cần sửa đổi
Góp ý về định hướng sửa đổi Luật Dầu khí, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Hoàng Quốc Vượng cho biết, trên cơ sở nhận diện các bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật Dầu khí hiện hành, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã gửi ý kiến cho Bộ Công Thương về Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi với các mục tiêu: Đề xuất các sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện khung pháp lý phù hợp cho hoạt động dầu khí; khôi phục tính hấp dẫn cho môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí để thu hút được nguồn vốn đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài; bảo đảm tính logic, đồng bộ, thống nhất giữa các nội dung của Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi.
Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) đang được xây dựng gồm 10 chương và 69 điều. Có 6 nhóm nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung gồm: Hoàn thiện các quy định liên quan đến hợp đồng dầu khí; quy định việc thực hiện dự án dầu khí theo chuỗi từ tìm kiếm thăm dò, khai thác, vận chuyển, xử lý; quy định về ưu đãi đầu tư dầu khí và đặc biệt ưu đãi đầu tư dầu khí; quy định về các bước triển khai dự án trong hoạt động dầu khí; quy định về công tác kế toán, kiểm toán, quyết toán; quy định cho phép bên thứ ba tiếp cận các cơ sở hạ tầng có sẵn của ngành dầu khí.
Theo dự kiến, Luật Dầu khí (sửa đổi) sẽ được lấy ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) và trình Quốc hội ban hành tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).
Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin!
Có thể bạn quan tâm
13:28, 19/10/2021
04:40, 02/12/2021
12:23, 20/12/2021