Đã đến lúc phải sửa Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

Đỗ Huyền 21/04/2020 00:10

Sau hơn 12 năm đi vào thực thi, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã đến lúc cần sửa đổi để phù hợp với tình hình mới.

Chiều 20/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) đang tiếp tục được mang ra lấy ý kiến.

Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) đang tiếp tục được mang ra lấy ý kiến.

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý

Tờ trình dự án luật do Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày nhấn mạnh đến sự cần thiết ban hành dự án luật. Theo đó, năm 2006, Quốc hội khóa XI đã ban hành Luật số 72/2006/QH11 về Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sau đây gọi là Luật số 72) và có hiệu lực kể từ 1/7/2007.

Kể từ khi có Luật số 72, số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài hằng năm tăng đáng kể, trung bình mỗi năm có hơn 80.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài; đặc biệt trong 5 năm gần đây, mỗi năm có trên 130.000 người lao động ra nước ngoài làm việc, góp phần đáng kể nâng cao thu nhập, đời sống của người dân, cải thiện chất lượng nguồn lao động thông qua một bộ phận lao động tiếp cận với máy móc và công nghệ tiên tiến, cơ chế quản lý hiện đại, tác phong công nghiệp, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động...

Bên cạnh kết quả đạt được, sau hơn 12 năm thi hành, thực tiễn đặt ra các yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện một số quy định của Luật số 72. Theo đó, thực tiễn áp dụng Luật số 72 còn phát sinh vướng mắc, chưa phù hợp với thực tế hiện nay, như: Điều kiện cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn chưa chặt chẽ, chưa phù hợp với hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; quy định về tiền môi giới, tiền dịch vụ, tiền ký quỹ của người lao động chưa phản ánh đúng bản chất và xu hướng chung của các tiêu chuẩn lao động quốc tế...

Đặc biệt, một số quy định của Luật số 72 chưa đáp ứng được các yêu cầu mới về hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong bối cảnh kinh tế xã hội và quan hệ quốc tế mới...

Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến phát biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) như Tờ trình của Chính phủ. Đồng thời nhấn mạnh việc ban hành Luật cần hướng tới thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; bảo đảm mọi hình thức đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đều được điều chỉnh trong Luật; hỗ trợ và tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động, đồng thời, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Bảo vệ quyền lợi người Việt Nam lao động ở nước ngoài

Nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị đặc biệt quan tâm đến hoạt động của ngành nghề đưa lao động ra nước ngoài làm việc trong bối cảnh lao động giản đơn dần được thay thể bởi robot, hướng đến ngành nghề có giá trị gia tăng cao hơn. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, dự án Luật này phải gắn việc làm trong nước với làm việc ở nước ngoài để sau khi người lao động hết thời hạn làm việc ở nước ngoài về nước có thể tìm được việc làm việc, tiếp tục chính sách bảo hiểm xã hội. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần phải thiết kế trong luật để bảo vệ người lao động cũng như chính sách cho người lao động khi quay trở về nước thay vì chỉ tập trung vào các quy định để đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Bên cạnh cải cách thủ tục hành chính tạo minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp đưa lao động đi nước ngoài làm việc cũng cần quy định chặt chẽ điều kiện kinh doanh và xử lý nghiêm các hành vi trục lợi bất chính, vô trách nhiệm, bỏ rơi người lao động.

Có thể bạn quan tâm

  • Lao động nước ngoài và làn sóng nhập cư vào Nhật Bản

    07:45, 14/06/2019

  • Bảo hiểm bắt buộc với lao động nước ngoài làm khó doanh nghiệp Việt

    05:43, 16/03/2019

  • Doanh nghiệp nói gì về bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động nước ngoài?

    05:34, 10/01/2019

Về phần mình, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, qua nghe trình bày Tờ trình, Báo cáo thẩm tra sơ bộ và thảo luận tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy Hồ sơ dự án Luật đã đủ điều kiện để trình Quốc hội.

Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện các văn bản với tinh thần đạt được yêu cầu thể chế đường lối, chính sách của Đảng về việc đưa người Việt Nam đi lao động, học tập ở nước ngoài, không chỉ lao động mà còn nâng cao tay nghề, tri thức để quay về đóng góp, xây dựng đất nước, giữ vững hình ảnh người Việt Nam, danh dự người Việt Nam, đề cao trách nhiệm, chất lượng việc đưa người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc, định hướng lựa chọn ngành nghề có giá trị gia tăng, phù hợp với điều kiện sức khỏe, luật pháp tập quán nước sở tại, tăng cường quản lý nhà nước.

Đồng thời, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị cần đánh giá tác động kỹ lưỡng các nội dung của Luật, nhất là trong thời điểm thế giới có nhiều biến động, khó lường, phức tạp, khó đoán định về kinh tế, quan hệ cung - cầu, tác động sau đại dịch COVID-19.

“Đây là những vấn đề cần được cập nhật trong quá trình xây dựng Luật này, Tờ trình và Báo cáo thẩm tra cần có đánh giá dự báo để kịp thời bảo vệ quyền lợi người Việt Nam lao động ở nước ngoài, phù hợp với luật pháp quốc tế, chủ động thích ứng và gắn kết trong quan hệ kinh tế quốc tế, cân nhắc thận trọng phù hợp với tình hình mới, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế xã hội trong chuyển đổi nền kinh tế...”, bà Phóng nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đã đến lúc phải sửa Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO