Những ngày qua, hàng trăm người dân bao vây ngăn không cho xe vận chuyển ra, vào tại bãi rác Khánh Sơn vì cho rằng chính quyền TP Đà Nẵng sẽ xây dựng Nhà máy Điện rác tại đây.
Một trong những nguyên nhân trong cách “hành xử” trên của người dân Khánh Sơn (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) bởi họ chưa thể tin tưởng vào công nghệ đốt rác phát điện do Công ty CP Môi trường đô thị Việt Nam phối hợp với Tập đoàn EverBright International (Trung Quốc) thực hiện.
Không tin tưởng vào công nghệ đốt rác
Trước đó, vào tháng 6/2019, chính quyền TP Đà Nẵng đã phối hợp với đơn vị thực hiện dự án Nhà máy điện rác tại Khánh Sơn đưa một số người dân xung quanh bãi rác Khánh Sơn đi tham quan Nhà máy đốt rác phát điện tại Cần Thơ với mong muốn người dân và chính quyền nơi đây chia sẻ và hiểu thêm về công nghệ đốt rác phát điện.
Tuy nhiên, trái với kỳ vọng ban đầu, tại buổi đối thoại giữa chính quyền TP và người dân tại bãi rác Khánh Sơn vào sáng ngày 6/7, họ đã kịch liệt phản đối với lý do “không tin tưởng” vào công nghệ đốt rác do Trung Quốc thực hiện, đồng thời ngờ vực về khả năng tồn tại những tro xỉ do công nghệ này để lại sẽ gây hậu quả môi trường cho thế hệ sau.
Một lần nữa, vấn đề về hình thành Khu liên hiệp xử lý rác và gần đây nhất là chủ trương xây dựng Nhà máy điện rác Khánh Sơn lại “nóng” lên trên nghị trường cuộc họp HĐND TP Đà Nẵng khóa IX diễn ra trong ngày 10/7.
Tại đây, đại biểu bà Đặng Thị Kim Liên, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) TP Đà Nẵng phát biểu: “Vấn đề bãi rác Khánh Sơn đang là mối quan tâm hàng đầu của cử tri TP… cần có sự chọn lựa kỹ về công nghệ đốt rác phát điện của nhà máy điện rác Khánh Sơn, đặc biệt chú ý đến khả năng ô nhiễm và các chất độc hại từ khói đốt rác cũng như việc xử lý tro sau khi đốt”.
Theo đó, bà Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng nhấn mạnh, “mấu chốt” giải quyết vấn đề cần lưu ý việc chuyển đổi nghề, đảm bảo cơ bản cuộc sống, thu nhập cho hơn 300 lao động đang nhặt rác tại Khánh Sơn và di dời các hộ dân trong khoảng cách an toàn vệ sinh môi trường theo đúng quy định hiện hành, trồng cây xanh cách ly khu liên hợp và khu dân cư.
“Cam kết môi trường” đã đủ nặng?
Tình hình thực tế những ngày qua tại TP Đà Nẵng cho thấy, vấn đề “an ninh rác” đang là một trong những mối quan tâm hàng đầu của người dân toàn TP.
Điều đó hoàn toàn có căn cứ khi Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ khẳng định tại buổi họp tiếp xúc cử tri vào tháng 5/2019 rằng: “Nếu chúng ta không tiến hành kịp thời các giải pháp thì chỉ khoảng 230 ngày nữa bãi rác Khánh Sơn sẽ đầy”.
Minh chứng trên được khẳng định khi ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN&MT TP cho biết: “Từ năm 2015, mỗi ngày TP thải ra hơn 1.000 tấn rác. Con số này khiến bãi rác Khánh Sơn quá tải so với thiết kế”.
Do đó, ông Hùng nhấn mạnh: “Nếu đầu tư nhà máy, Khánh Sơn không phải là nơi chôn rác, mà là khu liên hiệp xử lý rác, rác chôn lấp trước đây có thể đào lên để đốt phát điện”.
Đồng thời, Giám đốc Sở TN&MT TP cam kết với hàng trăm người dân rằng công nghệ mà nhà máy xử lý rác thải mới áp dụng sẽ không làm ô nhiễm môi trường nữa.
Kỳ tiếp: Căn cứ nào chứng minh công nghệ