Đó là thông tin từ ông Tô Văn Hùng – Giám đốc Sở Tài Nguyên & Môi Trường Đà Nẵng tại hội thảo định hướng xây dựng Đà Nẵng “Thành phố môi trường giai đoạn 2021 – 2030”.
Ngày 03/10, hội thảo khoa học định hướng các chương trình, dự án, giải pháp xây dựng Đà Nẵng “Thành phố môi trường giai đoạn 2021-2030” do Sở Tài Nguyên & Môi Trường Đà Nẵng phối hợp cùng Đại học Bách khoa Đà Nẵng – các chuyên gia tổ chức để cùng trao đổi về các định hướng về bảo vệ môi trường Đà Nẵng trong tương lai.
Tại hội thảo, Trung tâm Công nghệ Môi trường thành phố Hồ Chí Minh (đơn vị tư vấn) đã nêu ra 36 tiêu chí thuộc 4 nhóm. Trong đó, nhóm về môi trường nước (11 tiêu chí), nhóm môi trường không khí và không gian xanh (7 tiêu chí), nhóm môi trường đất và chất thải rắn (9 tiêu chí), nhóm quản lý tổng hợp (9 tiêu chí) và 53 chương trình, dự án cùng các giải pháp đề xuất thực hiện đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” trong giai đoạn 2021-2030.
Cùng trao đổi, PGS.TS Lê Thị Kim Oanh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa nhìn nhận cách tiếp cận xây dựng thành phố môi trường hướng đến thành phố sinh thái. Cần thiết bổ sung, điều chỉnh các tiêu chí để góp phần xây dựng và phát triển Đà Nẵng trở thành thành phố môi trường trong thời gian đến với nhiều dự án thiết thực hơn.
Trong khi đó, các giảng viên thuộc Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng chia sẻ thành phố đang thực hiện nhiều công trình, dự án về môi trường. Trong đó, các công trình quan trọng về xử lý nước thải, chất thải rắn sinh hoạt cần được chú trọng hơn.
Song song, Đà Nẵng cũng đang trong giai đoạn định hướng trở thành đô thị sinh thái, thành phố thông minh, là giai đoạn sau của thành phố môi trường và là mục tiêu cao hơn. Cho nên, các giảng viên cho rằng đơn vị tư vấn cần đưa ra các tiêu chí phù hợp với thực tiễn, có thể thực hiện từ nay đến năm 2025 để hoàn thiện thành phố môi trường và làm nền tảng hướng đến đô thị sinh thái.
Kết thúc hội thảo, ông Tô Văng Hùng - Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Đà Nẵng yêu cầu đơn vị tư vấn tiếp thu các ý kiến góp ý và tiếp tục nghiên cứu để điều chỉnh, bổ sung các tiêu chí xây dựng thành phố môi trường cho phù hợp.
“Đơn vị tư vấn cần tiếp cận các tiêu chí mới và đưa ra các thông số cụ thể để kiểm soát các tiêu chí đó. Các dự án được nêu ra phải phù hợp với thực tiễn để làm nền tảng cho một thành phố sinh thái, cân bằng và lượng rác cần được tái chế tối đa. Hiện tại, Đà Nẵng chưa có một quy hoạch nào liên quan đến xử lý rác thải.”Ông Tô Văn Hùng nói.
Có thể bạn quan tâm