Đã tiêm vaccine COVID-19 vẫn mắc bệnh - Bác sĩ lý giải ra sao?

MINH CHÂU 14/06/2021 05:00

Nhiều nhân viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã tiêm đủ 2 liều vaccine phòng COVID-19 nhưng vẫn mắc bệnh. Vậy tiêm phòng vaccine COVID-19 rồi sẽ miễn nhiễm với virus hay không?

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh vừa phát hiện các trường hợp dương tính COVID-19 là nhân viên của Bệnh viện.

Theo đánh giá của Bộ Y tế, việc phát hiện các ca mắc COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cần phải được điều tra, đánh giá kỹ và tích cực, khẩn trương hơn nữa để từ đó triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị tiếp nhận và điều trị các bệnh nhân COVID-19 trong tình trạng nặng tại phía Nam. Hiện tại bệnh viện đã bị phong toả từ chiều 12/6/2021 sau khi ghi nhận 22 trường hợp dương tính COVID-19 là nhân viên bệnh viện.

Sáng 13/6, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn tất xét nghiệm RT-PCR cho 887 nhân viên làm việc tại đây, với số ca dương tính thực tế lên đến 53.

Tiêm vắc xin cho nhân viên y tế tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Tiêm vaccine COVID-19 cho nhân viên y tế tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM - Ảnh: Duyên Phan/TTO

Theo lãnh đạo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, các trường hợp dương tính tập trung tại các phòng, ban khối hậu cần như toàn bộ nhân viên Phòng Công nghệ thông tin, Phòng Chỉ đạo tuyến, 17 nhân viên Phòng Hành chính quản trị và nhân viên các phòng chức năng khác như Tài chính-Kế toán (4), Kế hoạch tổng hợp (3), Tổ chức cán bộ (1), Dược (8)...

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh điều tra dịch tễ và nhận định nhiều khả năng chùm lây nhiễm này bắt nguồn từ khối hậu cần của bệnh viện, có nguồn gốc từ cộng đồng và lan đến một số nhân viên khoa cận lâm sàng, khoa lâm sàng qua quá trình làm việc với nhân viên công nghệ thông tin và nhân viên quản trị.

53 nhân viên dương tính đang được cách ly điều trị tại khoa Nhiễm A-D, ghi nhận 52/53 nhân viên hoàn toàn không có triệu chứng và các nhân viên này đều được tiêm vaccine phòng COVID-19 đủ 2 liều.

Sự việc nhiều nhân viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh đã tiêm vaccine vẫn mắc COVID-19 khiến nhiều người thắc mắc và lo lắng việc tiêm vaccine COVID-19 rồi vẫn có thể nhiễm virus SARS-CoV-2?

Phó giáo sư Trần Đắc Phu - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam phân tích: “Vaccine COVID-19 là vaccine mới, được cấp phép theo điều kiện khẩn cấp nên chúng ta chưa biết chắc chắn rằng việc tiêm vaccine có làm giảm được khả năng nhiễm bệnh và lây truyền bệnh hay không. Tuy nhiên, việc tiêm vaccine sẽ giúp giảm triệu chứng nặng và giảm nguy cơ tử vong.”

Theo ông Phu, hiện nay cũng chưa biết rõ thời gian hình thành kháng thể phòng bệnh sau tiêm là bao lâu. Ngoài ra, vaccine không bảo vệ tuyệt đối, nhất là khả năng phòng ngừa việc mang mầm bệnh. Trên thực tế, có những loại vaccine hiệu lực bảo vệ với 90%, nhưng có vaccine chỉ hiệu lực bảo vệ khoảng 50%-60%. Điều này có nghĩa là một số người đã tiêm vaccine vẫn có khả năng mang virus và lây bệnh cho người khác.

Những người tiêm đủ 2 mũi vaccine với đủ thời gian khuyến cáo (14 ngày) thì cơ thể đã có kháng thể bảo vệ nhưng không phải tất cả mọi người đều có. Hơn nữa, đây là chủng virus mới nên cũng cần có thời gian để nghiên cứu, đánh giá vaccine này có hiệu lực bảo vệ tốt với chủng Ấn Độ hay không.

“Tuy nhiên, phải khẳng định rằng khi tiêm vaccine COVID-19, nếu chưa cản được sự lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 thì vaccine sẽ giảm tình trạng nặng và tử vong đối với người nhiễm,” phó giáo sư Phu chỉ rõ.

Theo Tiến sỹ Phạm Quang Thái - Trưởng Văn phòng tiêm chủng miền Bắc (Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương), tiêm vaccine COVID-19 là biện pháp phòng bệnh chủ động rất quan trọng. Người đã được tiêm vaccine COVID-19, đặc biệt là những người mới chỉ được tiêm 1 mũi vaccine vẫn rất cần phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch khác, đặc biệt là biện pháp 5K.

Nguyên nhân là do vaccine không đem lại sự bảo vệ tức thì. Sau tiêm mũi 1 phải ít nhất 14 ngày mới bước đầu có tác dụng và mức bảo vệ sau tiêm mũi 1 chỉ đạt ở mức bảo vệ rất thấp.

Sau tiêm mũi vaccine thứ 2 từ một tháng trở ra thì vaccine mới đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu và hiệu quả này cũng chỉ đạt ở mức khoảng 60%-90% tùy theo loại vaccine.

“Lý do thứ 2 là vaccine không bảo vệ tuyệt đối nhất là khả năng bảo vệ việc mang mầm bệnh, điều này có nghĩa là một số người đã tiêm vaccine có thể không bị mắc bệnh nhưng vẫn có khả năng trở thành người mang virus và lây bệnh cho người khác,” tiến sỹ Thái cho hay.

Đồng quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương - cho rằng: "Những người được tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19 vẫn có tỉ lệ mắc bệnh nhất định. Do đó, vaccine vẫn chưa thể thay thế nguyên tắc 5K của Bộ Y tế. Đây cũng là lý do chúng ta phải tiếp tục thực hiện chủ trương vaccine kết hợp 5K theo khuyến cáo”.

Về việc y bác sĩ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM mắc COVID-19, PGS Nhung cho rằng, nếu các ca bệnh chỉ xuất hiện ở khu vực hành chính, mức độ nguy hiểm có thể thấp và việc kiểm soát cũng đơn giản hơn.

Ngược lại, khi virus tồn tại và lây lan trong các bộ phận khám, chữa bệnh, tình hình sẽ trở nên phức tạp. Bên cạnh đó, mức độ nguy hiểm còn phụ thuộc nhiều vào tình trạng giao lưu, giãn cách của cơ sở y tế.

Những người được tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19 vẫn có tỉ lệ mắc bệnh nhất định.

Những người được tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19 vẫn có tỉ lệ mắc bệnh nhất định.

TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới BV Chợ Rẫy cũng cùng quan điểm như trên: Tiêm ngừa vaccine không thể bảo vệ người được tiêm khỏi mắc bệnh. Vaccine cũng như bất kỳ loại thuốc nào, đều có hiệu quả bảo vệ dao động từ 75% đến 90% hoặc 95% mà thôi. Chẳng hạn 100 người tiêm thì chỉ có khoảng từ 75 đến 95 người phòng ngừa được nguy cơ nhiễm bệnh, còn lại từ 5 đến 25 người mặc dù tiêm ngừa rồi vẫn nhiễm bệnh do không tạo ra kháng thể đủ chống lại virus sau khi tiêm. Ngay cả những người đã từng mắc COVID-19 rồi cũng có thể bị mắc lại, do vậy không có gì là tuyệt đối cả. Chính vì vậy, việc phòng chống bệnh sau khi tiêm vaccine phụ thuộc vào việc tạo ra lượng kháng thể đủ để chống lại bệnh của mỗi người".

Trong một cộng đồng, nếu tỉ lệ tiêm vaccine hàng loạt lên 70-80% người dân thì cả cộng đồng được bảo vệ khỏi nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm, ở đây là virus gây dịch COVID-19.

“Do đó, người dân không nên chủ quan, để bảo vệ khỏi nguy cơ mắc bệnh, bên cạnh tiêm vaccine phải kết hợp với các biện pháp khác, mà hiện nay 5K đã được chứng minh là biện pháp hiệu quả, rẻ tiền, có sẵn và dễ thực hiện. Kể cả những người không có kháng thể hoặc tiêm ngừa rồi không có đủ kháng thể phòng ngừa bệnh thì 5K sẽ giúp phòng chống nhiễm bệnh.” – BS Hùng lưu ý.

Có thể bạn quan tâm

  • Chính phủ đã “mở cửa” - Doanh nghiệp vẫn chưa thể “chia lửa” về vaccine

    22:28, 13/06/2021

  • Việt Nam có thể sản xuất vaccine ngừa COVID-19 một liều tiêm từ quý 4/2021

    18:00, 12/06/2021

  • Xã hội hoá vaccine đến bao giờ?

    11:30, 10/06/2021

  • Bộ Y tế tìm vaccine COVID-19 cho trẻ em

    11:01, 09/06/2021

  • Rút gọn hồ sơ tối đa tạo điều kiện nhập khẩu nhanh vaccine COVID-19

    11:00, 09/06/2021

  • Vaccine - “vũ khí” chiến lược quyết định chiến thắng bệnh tật

    21:53, 10/06/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đã tiêm vaccine COVID-19 vẫn mắc bệnh - Bác sĩ lý giải ra sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO