Phát biểu thảo luận ngày 25/5, đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) đề nghị Trung ương quan tâm giải quyết vấn đề bức xúc, phức tạp liên quan đến đất đai.
Trung ương làm gương cho địa phương
Đại biểu Đinh Duy Vượt cho biết, cử tri tỉnh Gia Lai và cả nước cảm ơn, đánh giá cao thành tựu phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và 4 tháng đầu năm 2018, đặc biệt là kết quả đấu tranh phòng chống tham nhũng không có vùng cấm chưa từng có, đánh giá cao những đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nói là làm.
Báo cáo của Chính phủ năm 2017 và 4 tháng đầu năm 2018 cho thấy, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,81% vượt chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội giao cao nhất trong nhiều năm trở lại đây là mức tăng trưởng cao so với các nước trong khu vực, quý I tăng 7,38% cao nhất trong 10 năm qua, tăng trưởng đều trong 3 khu vực.
Không những thế những gánh nặng u ám bất ổn về kinh tế, di sản tích tụ từ nhiều năm trước để lại đã được giải quyết xử lý, tháo gỡ từng bước hiệu quả mà nổi bật nhất là thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu.
Bên cạnh đó, cơ cấu kiểm soát các tổ chức tín dụng chặt chẽ, hiệu quả đã tạo thêm niềm tin cho người gửi tiền và tăng trách nhiệm đối với người vay, hiệu quả vay, chỉ trong 8 tháng các tổ chức tín dụng đã xử lý được hơn 100.000 tỷ đồng rất ấn tượng, từ đó tăng thêm nguồn vốn cho vay, đồng thời giảm 0,5% lãi suất trên năm, góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng, tập trung cho sản xuất, kinh doanh và các ngành, lĩnh vực ưu tiên.
"Các doanh nghiệp thua lỗ cũng đã từng bước được xử lý giải quyết có hiệu quả bằng nhiều giải pháp phù hợp, nợ công còn 61%, lạm phát dưới 4%, thu ngân sách 4 tháng tăng 12,1% và đạt gần 34% dự toán Quốc hội giao, du lịch phát triển mạnh tăng 29,5% so với cùng kỳ và lĩnh vực giáo dục đào tạo đã đạt được nhiều kết quả, cử tri đánh giá cao kết quả hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Phấn khởi với quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non, kết quả đổi mới giáo dục Việt Nam được Ngân hàng thế giới đánh giá trong 10 hệ thống giáo dục hàng đầu khu vực". - đại biểu Vượt nhìn nhận.
4 giải pháp phát triển bền vững
Nhìn lại bức tranh kinh tế, xã hội năm 2017 và đầu năm 2018 đại biểu Vượt cho rằng kinh tế xã hội Việt Nam khởi sắc toàn diện, tạo ra không khí phấn khởi trong toàn xã hội góp phần củng cố niềm tin của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên để phát triển bền vững, từ ý kiến của cử tri, đại biểu Vượt đề nghị Trung ương quan tâm giải quyết một số vấn đề sau:
Thứ nhất, với thực trạng những bức xúc phức tạp, ách tắc trên lĩnh vực đất đai, đại biểu Vượt nghị Chính phủ sớm tập trung giải pháp nguồn lực chỉ đạo tổng kiểm tra về đất đai cả nước, tập trung ở những đô thị, những khu vực đất vàng, khu vực chuẩn bị hình thành các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
"Nhân dân bất bình, thậm chí phẫn nộ bởi vì nguồn lực cực lớn của đất nước từ đất đai, nhất là đất vàng, đất bạc rơi vào tay các doanh nghiệp bạch tuộc, không đầu tư cho sản xuất mà chăm chăm vào sang nhượng dự án hoặc phân lô bán nền và nhiều hình thức khác làm thất thu lớn ngân sách nhà nước.
Nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu là sân sau của một số quan chức cùng cộng sinh thâu tóm, chiếm đoạt bằng nhiều thủ đoạn, tùy tiện điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh dự án, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Vì lợi ích nhóm, tồn tại nhiều quy hoạch treo nhiều nhiệm kỳ cũng cần được rà soát loại bỏ vì vừa gây lãng phí, vừa gây bức xúc, khốn đốn cho người dân thuộc vùng quy hoạch là những vấn đề sớm được giải quyết.
Tuy nhiên cử tri mong muốn có sự vào cuộc của cơ quan chức năng, Trung ương nếu không sẽ khó giải quyết đến nơi đến chốn vì dây mơ, dễ má, hậu duệ, đồ đệ và lợi ích nhóm". - ông Vượt nói.
Thứ hai, tổng quan xuất khẩu nông sản đã đạt được kết quả ngoạn mục như báo cáo đã nêu. Như vùng Tây Nguyên đang phải đối mặt với những khó khăn dáng chịu, dáng giải cứu nhưng đến nay không tự mình giải quyết được. Nguy cơ suy thoái, mất lợi thế vượt trội về sản phẩm chủ lực xuất khẩu trên tỷ USD đang hiện hữu như cà phê, cao su, tiêu, mía, vừa mất mùa vừa mất giá.
Dịch bệnh trên cây tiêu xóa tán hàng loạt diện tích vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu đã và đang gây khốn đốn cho người sản xuất, kéo theo nhiều hệ lụy. Vạn hộ trồng mía và trên 1,5 triệu lao động bị ảnh hưởng ngay tức thì khi cam kết thương mại khu vực và quốc tế có hiệu lực, làm cho nông dân trồng mía vốn đã khó khăn nay càng khó khăn hơn, nhất là đồng bào các dân tộc.
"Người trồng mía hiểu điều này, tuy nhiên, vẫn mong muốn có giải pháp ngắn hạn nào đó để giải cứu tương tự, như giá xe ô tô nhập khẩu hiện nay tuy thuế suất bằng 0 nhưng giá vẫn cao, giảm không đáng kể là vấn đề đáng suy ngẫm". - ông Vượt chia sẻ.
Thứ ba, tiến độ xây dựng, giải ngân các dự án thuộc vốn nhà nước đang chậm chuyển nguồn hàng năm lớn đã được nhiều đại biểu phân tích. Theo vị đại biểu này, "đây là lãng phí, kém, vừa đội vốn lớn, vừa chậm phát huy hiệu quả, các công trình tăng nợ công là căn bệnh kinh niên, nhiều kỳ họp đã nêu nhưng chưa có biện pháp giải quyết hữu hiệu, chưa có cơ quan, người đứng đầu chịu trách nhiệm. Đại biểu đề nghị vấn đề này phải được sớm khắc phục".
Bên cạnh đó những vấn đề bất cập, đúng luật cần nghiên cứu xem xét, nơi cần tiền thì không có, nơi có tiền không tiêu được phải chuyển nguồn lớn. Ví dụ, tỉnh Gia Lai trồng rừng gấp gần 10 lần kế hoạch giao theo Quyết định 38 nhưng đến nay vẫn chưa có tiền. Hay như một số dự án mà đại biểu Quang Đà Nẵng đã nêu, hoặc vốn đối ứng cho các dự án đã ký kết rất cần nhưng đang khó khăn.
Thứ tư, đại biểu Vượt đề nghị các cơ quan tư pháp Trung ương khi nhận được các văn bản kiến nghị của cơ quan tư pháp địa phương, của đoàn đại biểu Quốc hội, nghĩa là địa phương đang rất khó khăn," kính đề nghị các đồng chí quan tâm, nghiên cứu trả lời kịp thời, khẳng định đúng, sai để lãnh đạo địa phương trả lời chấm dứt vụ việc". - ông Vượt đề nghị.