Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu không chỉ tăng nguồn lực cho tương lai mà điều quan trọng để kéo dài thời gian làm việc cho người lao động, tăng tích lũy hưu trí, chất lượng cuộc sống cũng cao hơn.
Đó là chia sẻ của ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội bên hành lang Quốc hội về việc Bộ LĐ-TB&XH đang hoàn thiện dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), xin ý kiến nhân dân, các bộ, ngành và chuyên gia để trình Quốc hội.
-Có ý kiến cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu để tiệm cận với quá trình già hóa dân số, vì Việt Nam đã kết thúc dân số vàng từ năm 2011, đang chuyển sang thời kỳ già hóa dân số nên bắt buộc phải điều chỉnh tuổi nghỉ hưu. Ông bình luận thế nào về vấn đề này?
Điều quan trọng nhất phải giải thích thêm trong tờ trình Chính phủ chưa có, đó là điều chỉnh tuổi nghỉ hưu không chỉ tăng nguồn lực lao động cho tương lai, điều quan trọng là để kéo dài thời gian làm việc cho người lao động để tích lũy quỹ hưu trí. Khi về hưu, tiền lương hưu của người nghỉ hưu sẽ cao hơn so với bình quân hiện nay, việc tăng này sẽ giải quyết được những khó khăn trong đời sống và đảm bảo tuổi già khi hết tuổi lao động.
Có thể bạn quan tâm
08:00, 20/05/2019
11:10, 15/05/2019
10:09, 30/04/2019
- Các phương án tăng tuổi nghỉ hưu được áp dụng cho tất cả lao động hay chỉ dành cho đối tượng nhất định, thưa ông?
Bản chất tuổi nghỉ hưu hiện nay như Bộ luật Lao động đưa ra, chỉ có một điểm khác là nâng lên 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối nữ. Nhưng việc tăng này lại đi theo lộ trình, từ năm 2029 hoặc 2035 mới đạt đến tuổi tối đa này. Do đó, không phải tăng vào năm 2021, vì vậy cần hết sức lưu ý điểm này. Ngoài ra, về cơ bản, tuổi nghỉ hưu vẫn như gốc của điều 187 Bộ luật Lao động hiện hành, tức là có 3 nhóm nghỉ hưu.
Nhóm 1, nam lên 62 tuổi, nữ lên 60 tuổi, điều chỉnh nữ 5 tuổi và nam 2 tuổi. Nhưng đó chỉ là những người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, có nghĩa lao động rất tốt, không bị ảnh hưởng của các điều kiện như nặng nhọc, độc hại hoặc không bị suy giảm khả năng lao động. Nhóm này chủ yếu là công chức, viên chức, và một số ngành nghề trong lao động, sản xuất, kinh doanh nhưng chủ yếu là lao động quản lý trong sản xuất, lao động hành chính.
Nhóm 2, những người lao động làm việc trong điều kiện bị tác động của quá trình lao động dẫn đến suy giảm khả năng lao động đến 61% vẫn được về hưu sớm. Những người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Nhóm 3, lao động đặc biệt khác.
Cả 3 nhóm này do Chính phủ quy định thì được nghỉ hưu trước 5 tuổi, nhưng nếu kết hợp cả yếu tố cùng suy giảm lao động, và cùng làm trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì được giảm không chỉ có 5 năm, mà thậm chí tới 10 năm như hiện nay. Có nghĩa, có nam giới vẫn được về hưu ở tuổi 50 và nữ giới về hưu ở tuổi dưới 50. Và tuổi như hiện nay 60 va 55 là cơ bản, không có tác động lớn.
Với những người làm công việc quản lý, chuyên môn kỹ thuật có trình độ cao và trường hợp đặc biệt như lái máy bay thì do Chính phủ quy định kéo dài thời gian, nhưng tối đa không quá 5 tuổi. Tức là nam nâng lên 67 tuổi, nữ 65 tuổi.
-Tuy nhiên, chúng ta cũng phải bàn tới nhóm được giảm tuổi nghỉ hưu, vì người lao động vẫn suy nghĩ chỉ có nâng mà không có giảm tuổi, thưa ông?
Hiểu như vậy là không đúng. Về cơ bản, người lao động làm việc nặng nhọc, độc hại, hay những nghành nghề khiến người lao động nhanh bị “chân chậm, mắt mờ” đều được giảm tuổi lao động, không chỉ 5 năm mà có thể 10 năm. Việc này phải điều chỉnh tiếp trong dự thảo Bộ luật Lao động để người lao động hiểu rõ.
Tôi rất mong muốn Chính phủ kèm theo quy định tăng tuổi nghỉ hưu cho người lao động và phân theo 3 nhóm, thì cũng cần kèm theo các danh mục ngành nghề, lĩnh vực được giảm tuổi, để người lao động biết mình có trong độ tuổi nghỉ hưu hay không. Đồng thời phải đánh giá tác động xem nhóm nào nên kéo dài, nhóm nào phải giảm đi. Việc lấy ý kiến cần tập trung vào đối tượng điều chỉnh của bộ luật, không nên lấy ý kiến riêng công chức, viên chức hay người lao động.
Vì 3 nhóm này có sự xung đột với nhau, người lao động trực tiếp thì muốn giảm tuổi lao động, người làm việc hành chính, sự nghiệp thì muốn nâng tuổi, trong đó có khu vực công. Tuy nhiên, chúng ta phải tính đến lợi ích chung của tất cả người lao động, điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng.
-Và theo ông,việc nâng tuổi nghỉ hưu là hợp lý?
Đúng như vậy, vì hiện nay tuổi thọ bình quân cả nước là 76,6 tuổi. Trong đó, nam giới là 71,3 và nữ giới là 81,2. Tuy nhiên, chất lượng của việc già hóa dân số này có tốt hay không thì phải tính toán. Có nghĩa tuổi thọ cao, nhưng bệnh tật cũng rất lớn, nếu gây áp lực tăng tuổi nghỉ hưu có thể dẫn đến lợi bất cập hại. Ví dụ, có thể tăng thêm tiền lương nghỉ hưu, nhưng sức khỏe kém thì việc chi tiêu cho y tế sẽ lớn lên. Vấn đề quan trọng là phải trả lời được các câu hỏi sau.
Thứ nhất, tại sao nam giới lại là 62 tuổi và nữ giới là 60 tuổi, mà không thực hiện vấn đề bình đẳng giới của cả nam và nữ đều ở tuổi 62 theo công ước CEDAW (Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ), thì phải giải trình được vấn đề này.
Thứ hai, tại sao không để sau 5 năm nâng 1 tuổi, sau 10 năm nâng 2 tuổi, nó sẽ dễ dàng trong việc tính toán hơn. Chính phủ cho rằng, đi theo lộ trình này là để chống sự giảm sốc của thị trường lao động. Điều này theo tôi là đúng, nhưng sẽ ảnh hưởng đến vấn đề khác như tính bảo hiểm xã hội. Ví dụ, đến năm 2021 tôi tròn 60 tuổi, tôi làm thêm 3 tháng nữa thì liệu 3 tháng này có hiệu quả không? năng suất lao động có tốt không? Điều này cần phải suy nghĩ thấu đáo.
Thứ ba, trong Bộ luật Lao động có một điểm rất đặc biệt, trước đây quy định có thể kéo dài 5 năm hoặc giảm 5 năm, nhưng bây giờ đổi thành quyền được kéo dài 5 năm và quyền được giảm 5 năm. Quyền này sẽ liên quan đến vấn đề trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại mà xin về hưu sớm thì người lao động có quyền được hưởng tối đa lương bình quân của 75% hay không? Câu chuyện này cũng cần phải đặt ra.
-Xin cảm ơn ông!