Tại phiên thảo luận sáng nay (25/5), một số đại biểu đã "hiến kế" thực hiện sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, thu hút người tài.
Đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Đoàn Quảng Ngãi) cho rằng, để thực hiện có hiệu quả giải pháp này, vấn đề trọng tâm và cơ bản là phải nâng cao chất lượng công tác của đội ngũ cán bộ, công chức.
“Tôi cho rằng, việc đẩy mạnh cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước là một cơ hội, dịp để chúng ta cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Cải cách hành chính vừa là sức ép buộc phải tinh giảm biên chế, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho việc tinh giảm biên chế, tinh gọn bộ máy hành chính. Vì vậy, trong giải pháp về cải cách hành chính, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, cần quan tâm hai vấn đề sau”. – bà Trang nói.
Một là, cần phải xây dựng quy trình, cơ chế thật rõ ràng trong đánh giá cán bộ, công chức. Bên cạnh việc xây dựng tiêu chí, cách thức tổ chức đánh giá cần quy định rõ chế tài, cách thức sau đánh giá, như vậy mới tinh giản được những người không đáp ứng yêu cầu công việc, phẩm chất đạo đức và khuyến khích tạo động lực để cán bộ, công chức nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt nghiệp vụ, phục vụ Tổ quốc, nhân dân.
Hai là, cần có cơ chế, chính sách cụ thể trong thu hút người tài, có đất tham gia làm việc cho cơ quan nhà nước. "Hiện nay, chúng ta sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức chủ yếu dựa trên lực lượng đội ngũ hiện có nên về lâu dài phải có chính sách đủ mạnh để tiếp tục thu hút bổ sung vào hệ thống cơ quan hành chính nhà nước nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hội nhập sâu rộng với thế giới, thực hiện có hiệu quả chính sách đối với người có tài năng được quy định tại Điều 6 Luật Cán bộ, công chức về chủ trương nhà nước có chính sách để phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng". - bà Trang đưa đề xuất.
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Phạm Xuân Thăng (Đoàn Hải Dương) cũng đưa ra 6 giải pháp cụ thể.
Một là, trong báo cáo kết quả phát triển kinh tế - xã hội hàng năm đề nghị Chính phủ đánh giá rõ hơn kết quả thực hiện các mục tiêu về tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy, theo đó cần chỉ rõ bộ, ngành, địa phương chưa hoàn thành chỉ tiêu đề ra, đặc biệt mục tiêu tinh giản biên chế đã xác định rõ cho từng năm, cho tới năm 2021, mỗi năm giảm ít nhất 2,5% bảo đảm đến năm 2021 giảm ít nhất 10% tổng biên chế được giao.
Hai là, cần khẩn trương rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và quản lý biên chế, đặc biệt Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, trước mắt là sửa đổi, bổ sung các nghị định, quy định về tổ chức bộ máy các bộ, ngành Trung ương, tổ chức, các cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và trực thuộc Ủy ban nhân dân huyện, đồng thời sửa đổi, bổ sung Nghị định 92 của Chính phủ quy định chức danh, số lượng, một số chế độ đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã làm căn cứ cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh giản biên chế ở các địa phương.
Ba là, đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, xã hội hóa với các đơn vị sự nghiệp công lập, trước hết là giáo dục đại học, cao đẳng dạy nghề, các cơ sở khám chữa bệnh, sự nghiệp khoa học, kỹ thuật. Kiên quyết thực hiện lộ trình chuyển phí thành giá dịch vụ phù hợp quy định Luật Phí, lệ phí. Đôn đốc quyết liệt trong triển khai thực hiện Nghị định 16 của Chính phủ, theo đó khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn còn thiếu, chưa đồng bộ để đẩy mạnh chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ.
Bốn là, cùng với việc triển khai quyết liệt việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy thuộc hệ thống chính trị và các đơn vị sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu sửa đổi Nghị định số 108 về chính sách tinh giản biên chế nhằm có chính sách thỏa đáng cho những người trong diện tinh giản biên chế, nhất là những người có nguyện vọng xin nghỉ chế độ do sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn nhằm tạo điều thuận lợi cho tinh giản biên chế.
Năm là, cần đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hiện tinh giản biên chế và sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức theo đề án vị trí việc làm, đảm bảo thực hiện nghiêm yêu cầu của trung ương về vấn đề này, coi đây là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Không đề bạt bổ nhiệm cán bộ là người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu phụ trách công tác tổ chức nhân sự thực hiện không nghiêm giải pháp về tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy ở địa phương, cơ quan, đơn vị mình phụ trách.
Sáu là, vừa qua tại kỳ hợp thứ 4, Quốc hội ban hành Nghị quyết 56 về tiếp tục cải cách bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đây là nghị quyết quan trọng với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và lộ trình thực hiện cụ thể, thể hiện quyết tâm cao của Quốc hội với lĩnh vực quan trọng cấp thiết và khó khăn này.
"Tôi đề nghị Quốc hội, đại biểu Quốc hội cần tăng cường giám sát thực hiện nghị quyết ở địa phương, bộ, ngành Trung ương. Trong báo cáo đánh giá phát triển kinh tế - xã hội hàng năm nên đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 56 Quốc hội để năm 2021 chúng ta đánh giá kết quả thực hiện toàn bộ nghị quyết trong 4 năm thực hiện.
Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế là việc làm khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, đụng chạm lợi ích, cần quyết tâm chính trị cao, cách làm sáng tạo, lộ trình phù hợp. như vậy mới giảm chi ngân sách, có thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển thực hiện chính sách cải cách tiền lương và tạo động lực mới phát triển đất nước" - đại biểu Thăng nói.