Cần làm rõ cụm từ “tương đương 750 triệu euro trở lên” được đề cập trong dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.
>>Quốc hội khóa XV: Đổi mới đã tạo ra những bước tiến mới về chất
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP. HCM) nêu ý kiến tại thảo luận về dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu trong chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khoá XV, ngày 20/11.
Phát biểu ý kiến về dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu tại hội trường, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho rằng, dự thảo Nghị quyết này có nhiều nội dung rất chuyên ngành, do vậy cơ bản tin tưởng vào cơ quan thẩm tra và chỉ góp ý hoàn thiện một số vấn đề về kỹ thuật lập pháp…
Về các khái niệm cần làm rõ trong dự thảo Nghị quyết này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị cần làm rõ cụm từ “tương đương 750 triệu euro trở lên” được đề cập trong dự thảo Nghị quyết. Theo đó cần làm rõ cơ sở để quy đổi “tương đương”.
Theo đại biểu Nghĩa, cụm từ “tương đương” này rất dễ gây phát sinh tranh chấp. Mặt khác, với một số quốc gia không sử dụng đồng euro thì lấy cơ sở thời giá như thế nào?
“Bên cạnh đó, cụm từ “chuẩn mực kế toán tài chính được phép chấp nhận”, “chuẩn mực kế toán tài chính được phép sử dụng” và “năm tài chính” cũng cần phải được làm rõ là của nước ta hay nước khác?”, đại biểu Nghĩa nêu ý kiến.
Ngoài ra, để dự thảo Nghị quyết này khi được ban hành đảm bảo tính khả thi, đại biểu Nghĩa đề nghị cần sớm xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn đi kèm.
Thảo luận về nội dung này, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP. HCM) đánh giá rất cao nỗ lực của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu vào tại kỳ họp.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh đến sự cần thiết ban hành nghị quyết sẽ giúp môi trường thu hút đầu tư nước ngoài trên toàn cầu đảm bảo tính minh bạch, công bằng giữa các quốc gia. Việt Nam áp dụng việc áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu sẽ giúp chúng ta đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam.
Giúp Việt Nam thu được một khoản thuế bổ sung từ thuế tối thiểu toàn cầu, đảm bảo tính công bằng giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thể hiện sự tiến bộ và minh bạch trong hệ thống quản lý thuế, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam tiệm cận với xu thế chung của thế giới.
Đồng thời, vẫn giữ nguyên được các chính sách ưu đãi đối với các trường hợp áp dụng các doanh nghiệp mà không thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.
Để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng bên cạnh việc tiếp tục đầu tư nâng cao hệ thống hạ tầng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội quốc gia, cần tiếp tục đầu tư nhiều nữa cho hạ tầng về giao thông góp phần giảm chi phí logistics, chi phí sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp.
Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nhất là lĩnh vực công nghệ cao và kinh tế xanh.
Hỗ trợ thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó nên có đầu mỗi hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính – điều mà các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài rất lo ngại.
Cùng với đó, xem xét có chính sách ưu đãi nhất là vấn đề về hỗ trợ tài chính trực tiếp như nội dung được đề cập trong nghị quyết 98 của TP. HCM với 3 ưu đãi, có thể cho phép áp dụng các ưu đãi này trên toàn quốc.
>>Cử tri và nhân dân có quyền được biết tiến độ thực hiện các lời hứa trước Quốc hội
>>Đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm thực hiện tinh thần Nghị quyết 41-NQ/TW
Làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ khi chúng ta ban hành Nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu là xác định về quyền đánh thuế của đất nước chúng ta và mang lại lợi ích cho đất nước.
“Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế của thế giới thì các quy định của quốc tế phải thực hiện, đòi hỏi nước ta phải luôn chủ động để sửa đổi quy định của pháp luật phù hợp với yêu cầu của quốc tế để thúc đẩy cho sự phát triển kinh tế của đất nước”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ.
Lý giải vì sao nộp thuế đưa về ngân sách Trung ương, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ dự toán ngân sách hàng năm và 3 năm đã được Quốc hội thông qua đã quy định tỉ lệ điều tiết nên việc nộp vào ngân sách trung ương không ảnh hưởng ngân sách địa phương.
Về tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương cho các tỉnh, vì vậy việc mà nộp vào ngân sách Trung ương sẽ không ảnh hưởng gì đến vấn đề điều hành và quản lý của ngân sách địa phương. Nếu thay đổi thì phải thay đổi tỉ lệ điều tiết. Mặt khác, nếu nộp vào địa phương khó xác định, tranh chấp nguồn thu và phát sinh thủ tục hành chính nếu doanh nghiệp trên nhiều địa bàn.
Về thuế nhà đầu tư nước ngoài mà nộp qua sàn thương mại điện tử xuyên biên giới thông qua Cổng thông tin điện tử xuyên biên giới hiện nay, Bộ Tài chính đang thu nộp theo tỷ lệ vào ngân sách trung ương. Hiện tính là 5% thuế VAT và 5% thuế thu nhập doanh nghiệp nộp vào ngân sách trung ương.
Về giao Tổng cục thuế chỉ định đơn vị nộp thuế, Bộ trưởng cho biết đầu tiên phải ưu tiên cho các doanh nghiệp, công ty mẹ chỉ định và khi họ không chỉ định được thì nước ta chỉ định là biện pháp cuối cùng để thực hiện theo đúng quy định của Luật.
Về việc bù trừ, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết quy định này nhằm tránh thu thuế 2 lần đối với những nước đã kí hiệp định song phương. Liên quan đến chuẩn mực của kế toán, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết sẽ có trách nhiệm để hướng dẫn về các chuẩn mực.
Có thể bạn quan tâm
03:00, 19/11/2023
15:31, 09/11/2023
11:04, 06/11/2023
01:00, 04/11/2023