Đại biểu Quốc hội nói gì về quy hoạch sử dụng đất quốc gia?

Diendandoanhnghiep.vn Tổng hợp các ý kiến của đại biểu Quốc hội đã được Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường ký trong báo cáo số: 353/BC-TTKQH, ngày 29/10.

Ngày 29/10, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) quốc gia.

Toàn cảnh phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp.

Với không khí thảo luận thẳng thắn, sôi nổi, trí tuệ, trách nhiệm, tâm huyết, tổng cộng đã có 46 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu về nội dung này tại 10 Tổ đại biểu tại Nhà Quốc hội. Sau đây là tổng hợp nhanh ý kiến thảo luận tại Tổ của các vị đại biểu Quốc hội.

Về đất trồng lúa

Đối với đất “bờ xôi”, “ruộng mật”, đất chuyên trồng lúa 2 vụ mất nhiều năm mới có, khu vực đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long là khu vực tiềm năng về trồng lúa, nông nghiệp là trụ đỡ nền kinh tế giai đoạn khó khăn.

Do đó, cần quản lý chặt chẽ, nghiêm nghặt việc chuyển đổi đất trồng lúa. Trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phải có nguyên tắc chuyển đổi trở lại nhưng cũng linh hoạt tùy đặc điểm, điều kiện từng vùng.

Cần có quỹ đất lớn để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu, đánh giá kỹ lưỡng về tác động ảnh hưởng của việc chuyển đổi đất trồng lúa sang sử dụng cho các mục đích nông nghiệp khác, khi muốn chuyển lại thành đất lúa rất khó khăn, không dễ để đáp ứng được yêu cầu cải tạo, khôi phục như nguyên trạng.

Nội dung này liên quan chặt chẽ, mật thiết tới nội dung cơ cấu lại ngành nông nghiệp và đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, cần có những giải pháp phù hợp để đạt được mục tiêu phát triển bền vững.

Việc chuyển đổi đất trồng lúa cần bảo đảm hài hòa, quản lý chặt chẽ đối với việc chuyển đổi. Tuy nhiên, đối với các khu vực bị xâm nhập mặn cần linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát huy hiệu quả cao hơn.

Đất trồng lúa có thể chuyển sang cây trồng khác để có hiệu quả kinh tế hơn, nhưng cần làm rõ những diện tích đất nào, trồng cây trồng nào để sau này vẫn có thể quay trở lại trồng lúa.

Đất trồng lúa gắn liền với vấn đề xã hội, vấn đề sinh thái. Việc chuyển đổi giữa cây lúa và cây trồng khác là quyết định của doanh nghiệp và người dân, nếu ấn định để trồng lúa, nhưng không hiệu quả bằng các cây trồng khác trong khi vẫn bảo đảm vấn đề môi trường sinh thái thì có thể chấp nhận được.

Vì vậy, cần tiếp cận việc giữ đất trồng lúa và chuyển đổi sang trồng cây khác trên cơ sở bảo đảm an ninh lương thực đất nước chứ không phải an ninh lương thực thế giới.

Diện tích 3,5 triệu ha vẫn phải giữ nhưng chỉ ấn định 300.000 ha được chuyển đổi, còn những diện tích khác không được phép là chưa phù hợp. Nên quy định những nơi đáp ứng việc trồng lúa tốt, thủy lợi, điều kiện hạ tầng phát triển tốt nhất cho trồng lúa như đồng bằng Sông Cửu Long, một phần của đồng bằng Sông Hồng thì dứt khoát phải trồng lúa.

Vấn đề này phải rành mạch, rõ ràng, nếu không sẽ rất lúng túng, rất khó sửa đổi. Làm rõ Việt Nam đặt mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực quốc gia hay cho toàn thế giới.

Có ý kiến nhất trí với Tờ trình của Chính phủ, nên tạo điều kiện từng vùng thực hiện linh hoạt, hài hòa để đời sống người dân tốt hơn và cho rằng báo cáo của Ủy ban Kinh tế khá thận trọng đối với việc chuyển đổi cơ cấu đất trồng lúa trong điều kiện giá lúa gạo thấp, giá phân bón cao, lợi nhuận trồng lúa không cao so với chuyển sang trồng các loại cây ăn trái ngắn ngày khác hoặc chuyển sang nuôi cá, tôm nhưng vẫn phải bảo đảm để có thể chuyển đổi lại để trồng lúa… Đề nghị cần bảo đảm an ninh lương thực nhưng cũng cần linh hoạt trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tạo thu nhập tốt hơn cho người nông dân.

Xu hướng là tăng diện tích đất trồng lúa ở Trung du và miền núi, trong khi đồng bằng lại giảm; một số tỉnh ở miền Bắc là trọng điểm trồng lúa trước đây, hiện nay đều là địa phương nghèo, do đó cần chấp nhận việc giảm diện tích đất trồng lúa, tuy nhiên, đề nghị Chính phủ cần có giải trình cụ thể.

Xu hướng chung của nhiều quốc gia là chuyển dần đất từ trồng trọt sang chăn nuôi; đề nghị bổ sung nội dung về đất chăn nuôi để có định hướng cho các quy hoạch địa phương; Luật Đất đai hiện nay cũng chưa đề cập đến đất cho chăn nuôi. Cần phân tích sâu sắc, làm rõ thêm về căn cứ xác định, tính toán cân đối với loại đất này.

Đề nghị giải trình, làm rõ việc thực hiện như thế nào để đạt được các chỉ tiêu đặt ra về đất trồng lúa tiếp tục giảm, để chuyển đổi sang cây trồng khác hoặc nuôi trồng thủy sản hiệu quả hơn, phù hợp với điều kiện xâm ngập mặn hoặc chuyển sang xây dựng hạ tầng giao thông; tăng đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất.

Phân tích, đánh giá kỹ tác động của việc cho phép một số tỉnh như Nghệ An, Thanh Hóa thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù về điều chỉnh quy hoạch, được quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất, làm rõ ảnh hưởng của chính sách đến việc thực hiện được các chỉ tiêu về chuyển đổi đất lúa sang các đất trồng cây các loại và chỉ tiêu về tăng đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất.

Chỉ tiêu đất trồng lúa đã được xác định rõ tại Kết luận số 81-KL/BCT của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, với cơ chế giao cho địa phương được chuyển đổi mục đích sử dụng đất như vậy thì khả năng thực hiện được là rất khó khăn.

Quốc hội có Nghị quyết đặc thù cho 4 địa phương trong đó trao quyền cho địa phương chuyển đổi đất nông nghiệp là 500 ha nhưng trong Quy hoạch sử dụng đất vẫn giữ diện tích đất lúa theo đúng Nghị quyết của Trung ương là hợp lý, hạn chế chuyển đổi đất nông nghiệp.

Việc giảm diện tích đất trồng lúa là đáng lo ngại, nhất là khi diện tích giảm để chuyển sang mục đích xây dựng sân golf và khu công nghiệp, trong khi đất sử dụng vào những mục đích này không thể chuyển đổi lại sang mục đích trồng lúa.

Trong 3,5 triệu ha đất trồng lúa thì cho phép chuyển đổi linh hoạt mục đích sử dụng với 300 nghìn ha. Tuy nhiên, đối với 48.000 ha đất trồng lúa khi chuyển sang mục đích đất khu công nghiệp thì không thể chuyển đổi trở lại mục đích trồng lúa.

Tính toán thêm tỷ lệ đất trồng lúa cho phép quay vòng các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Ví dụ, miền Tây Nam Bộ thì cho trồng cây ăn quả để tăng thu nhập. Diện tích đất ngập mặn cũng cần tính toán để chuyển đổi phù hợp.

Về đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng

Đối với Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và Vùng Đông Nam Bộ là những địa bàn chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ hàng năm, rất cần củng cố và mở rộng phát triển diện tích rừng phòng hộ, do đó, đề nghị rà soát, cân nhắc việc giảm diện tích tại những khu vực này.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao đổi với các đại biểu Quốc hội bên hành lang Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao đổi với các đại biểu bên hành lang Quốc hội.

Cần chú ý đối với đất rừng như vừa rồi thảo luận cơ chế đặc thù cho địa phương dưới 500ha được quyền quyết định. Trong khi tất cả đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng lại phải gắn với quy hoạch với các cơ chế đặc thù để đảm bảo sau này khi có cơ chế đặc thù thì hoàn toàn có thể thay đổi theo cách riêng sẽ phá vỡ hết quy hoạch.

Cần xây dựng quy hoạch theo hướng tăng số lượng, chất lượng rừng; xem xét kỹ cơ chế giao cho địa phương chuyển đổi mục đích sử dụng đất như thế nào, đất rừng phòng hộ giảm trong điều kiện biến đổi khí hậu như vậy là rất lo ngại.

Quy hoạch phát triển rừng, phải gắn với bảo vệ rừng, đề nghị cần quan tâm đến đất rừng tự nhiên, tuyệt đối không được chuyển đổi rừng tự nhiên. Cần làm rõ đất rừng phòng hộ giảm ở vị trí nào và tăng lên ở vị trí nào.

Về đất rừng sản xuất

Đất rừng sản xuất ở khu vực Tây Nguyên tăng, như vậy đất rừng phòng hộ sẽ giảm; đề nghị đánh giá kỹ lưỡng việc giao chuyển đổi mục đích sử dụng đất như thế nào, báo cáo rõ giải pháp như thế nào để bảo đảm thực hiện chỉ tiêu đặt ra. Phân tích sâu sắc, làm rõ thêm về căn cứ xác định, tính toán cân đối với loại đất này.

Về đất khu công nghiệp

Tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp còn thấp, vì vậy việc quy hoạch diện tích đất khu công nghiệp phải tính toán cẩn thận, làm rõ cơ sở quy hoạch để phù hợp với nhu cầu thực tiễn.

Quy hoạch chỉ tiêu đất khu công nghiệp đến năm 2030 rất cao (tăng 120,1 nghìn ha so với năm 2020) trong khi giai đoạn 2011-2020 tỷ lệ đất này chỉ đạt hơn 47%. Việc tăng chỉ tiêu này là quan trọng nhưng cần tính toán kỹ lưỡng, đề nghị Chính phủ giải trình làm rõ hơn về chỉ tiêu này.

Ngoài ra, vấn đề đặt ra là đối với các khu công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy thấp thì không được mở mới các khu công nghiệp, vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng phần chưa lấp đầy thế nào để đáp ứng nhu cầu, cần có đánh giá, tổng kết đối với chính sách này.

Đất khu công nghiệp tuy có xu hướng tăng nhiều nhưng nhu cầu thuê còn rất lớn, như tại TP.HCM giá thuê đất khu công nghiệp rất cao nhưng nguồn cung không đủ, do đó cần tiếp tục mở rộng thêm. Tuy nhiên, cần lưu ý những vùng mở đất khu công nghiệp không hiệu quả.

Diện tích đất tại khu kinh tế ven biển và khu kinh tế cửa khẩu là gần tương đương nhau nhưng tỷ lệ lấp đầy tại khu kinh tế ven biển tương đối cao, cần tiếp tục mở rộng thêm, trong khi tỷ lệ lấp đầy tại khu kinh tế cửa khẩu rất thấp.

Đối với quy hoạch diện tích đất khu công nghiệp cần bảo đảm tính liên kết vùng, không nên quy hoạch diện tích đất khu công nghiệp theo từng tỉnh.

Không nên tiếp tục chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp để xây dựng các khu công nghiệp. Đề nghị chỉ khai thác vùng đất đồi, không nên khai thác diện tích đất nông nghiệp vùng đồng bằng cho các khu công nghiệp.

Về mặt nguyên tắc, nên sử dụng đất nông nghiệp không hiệu quả để xây dựng khu công nghiệp. Tuy nhiên, trong quy hoạch diện tích đất khu công nghiệp còn cần cân nhắc các yếu tố khác như hạ tầng nước sạch, giao thông, vị trí gần cảng biển… Nếu làm khu công nghiệp không bảo đảm những yếu tố này thì sức cạnh tranh thấp, không thể phát huy được. Đi kèm khu công nghiệp, còn cần tính đến diện tích cả khu đô thị để bố trí chỗ ở cho các lao động, chuyên gia.

Về đất quốc phòng, an ninh

Nhất trí với quy hoạch diện tích đất quốc phòng, an ninh đến năm 2030 nhưng cần quan tâm bố trí đất cho các thao trường quân sự để đáp ứng yêu cầu trang bị, huấn luyện với vũ khí hiện đại. Phân tích sâu sắc, làm rõ thêm về căn cứ xác định, tính toán cân đối với loại đất này.

Đánh giá kỹ lưỡng chỉ tiêu đất quốc phòng, an ninh cho thật hợp lý. Việc thực hiện đất quốc phòng, an ninh hiện hay chưa đạt; đất quốc phòng là 243,16 nghìn ha trong khi chỉ tiêu thời kỳ 2011-2020 giao là 289,38 nghìn ha.

Chỉ tiêu đất quốc phòng thời kỳ 2021-2030 giao là 289,07 nghìn ha, bằng với chỉ tiêu thời kỳ 2011-2020, tăng 45 nghìn ha so với hiện trạng. Bên cạnh đó, đồng tình cao với Báo cáo của Ủy ban Kinh tế cần bám sát việc thực hiện Nghị quyết số 132/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động, sản xuất, xây dựng kinhđất.

Trong đó, tại Điều 5 đã giao Bộ Quốc phòng rà soát, đối với khu đất có giá trị kinh tế lớn không còn nhu cầu cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về việc chuyển mục đích sử dụng đất để phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất. Ủng hộ sự cần thiết của đất quốc phòng, an ninh, nhưng cần phải xem xét tổng thể trong việc bàn giao lại đất không còn nhu cầu quốc phòng, an ninh, như vậy thì cần cân nhắc kỹ lưỡng việc tăng chỉ tiêu này.

 Về đất phát triển hạ tầng

Nhiều khu vực đất đô thị hiện nay đã quy hoạch nhiều năm nhưng không triển khai được; nếu đặt mục tiêu tiếp tục tăng diện tích đất đô thị với tỷ lệ cao thì cần xem xét tính khả thi, có lộ trình, tính toán cụ thể.

Giai đoạn tới cần dành nhiều hơn quỹ đất cho phát triển cơ sở hạ tầng, hạ tầng đi trước một bước là đúng; xây dựng  phát triển đô thị phải gắn với kinh tế đô thị.

Đề nghị có chỉ tiêu quy hoạch đất giao thông, đất cây xanh cho các thành phố lớn (Hà Nội, TP.HCM) các nước có tỷ lệ quy hoạch này khoảng 30%.

Các loại đất khác bao gồm cả những loại đất không nằm trong danh mục chỉ tiêu sử dụng đất quốc gia

Các đại biểu tham gia thảo luận.

Các đại biểu tham gia thảo luận.

Chỉ tiêu đất nông nghiệp giảm (giảm 251 nghìn ha) chưa tương xứng với mức độ tăng của đất phi nông nghiệp (tăng 965 nghìn ha), đất khu kinh tế (tăng 15 nghìn ha), đất khu công nghệ cao (tăng 0,5 nghìn ha), đất đô thị (tằng 925 nghìn ha).

Đất chưa sử dụng hiện nay mặc dù còn 1.200 ha nhưng chủ yếu là đất đồi núi, núi đá cằn, sông, suối, rạch... mà chỉ tiêu đặt ra cho giai đoạn tới là tiếp tục giảm đất chưa sử dụng, chuyển sang loại đất khác, đề nghị xem xét lại vì không phù hợp; muốn làm khu dân cư, khu đô thị, khu công nghiệp thì phải gần khu dân cư, khu công nghiệp mới thực hiện được.

Hiện trạng năm 2020 có khoảng 2 triệu ha đất đô thị, theo định nghĩa là đất từ cấp phường, thị trấn trở lên, như vậy như ngay tại thành phố Hà Nội có một số xã không phải là đất đô thị, trong khi đất chuyển từ xã lên phường, thị trấn không lớn thì việc tăng 965 nghìn ha (khoảng 50% lũy kế đất từ trước tới nay) chỉ trong vòng 10 năm là cao.

Đề nghị phải ưu tiên hơn đất giáo dục, đào tạo, tăng chỉ tiêu đất giáo dục, đào tạo. Những quận nội thành ở những đô thị lớn như Hà Nội hiện đang rất thiếu đất giáo dục, đào tạo, xảy ra tình trạng quá tải để tổ chức các lớp học cho học sinh, một lớp tiểu học có hơn 60 học sinh, chứng tỏ không đủ lớp, không đủ trường trong khi đất chung cư, trung tâm thương mại nhiều.

Đề nghị xem lại diện tích đất xây dựng sân golf, có những tỉnh rất nhiều sân golf. Kinh nghiệm của Singapore xây dựng nhiều sân golf do đây là những vùng đất lấn biển, nền đất yếu nên phải đợi 40 - 50 năm để ổn định nền đất, trong thời gian đó, họ tận dụng làm sân golf để kết hợp thu hút du lịch.

Về giải pháp tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

Bảo đảm phân cấp, phân quyền cho địa phương trong linh hoạt chuyển đổi mục đích sử dụng trong cùng một loại đất (đất nông nghiệp, đất phi nông nghiêp và đất chưa sử dụng), kiểm soát chặt chẽ chuyển mục đích giữa các loại đất.

Bảo đảm xác định được chủ sử dụng đất đối với từng diện tích đất cụ thể để quy trách nhiệm cụ thể cho chủ sử dụng đất khi sử dụng đất trái pháp luật, xây dựng hệ thống chế tài xử lý mạnh đối với các hành vi vi phạm pháp luật đất đai để tránh lãng phí đất đai trong quá trình sử dụng đất, qua đó nâng cao trách nhiệm của chủ sử dụng đất khi đất được giao cho chủ sử dụng đất.

Có cơ chế cụ thể để Nhân dân thực hiện hiệu quả quyền giám sát của người dân với tư cách là người chủ sở hữu về đất đai trong quá trình sử dụng đất của các chủ sử dụng đất; đồng thời là cơ chế giải trình việc sử dụng đất của chủ sử dụng đất trong quá trình sử dụng đất của mình( nếu có).

Xây dựng chính sách giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp lý, phù hợp thực tiễn, tránh mâu thuẫn về giá quyền sử dụng đất như hiện nay. Giá nhà nước 1tr/m2 trong khi thực tế giao dịch trong dân có thể gấp 4-5 hoặc nhiều lần, tránh gây xung đột lợi ích giữa nhà nước và công dân, tránh thất thu cho ngân sách nhà nước, đặc biệt là chống lợi ích nhóm trong quản lý, quy hoạch và sử dụng đất.

Các nội dung khác

Cần nghiên cứu khắc phục tình trạng sử dụng quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch để hợp lý hóa mong muốn, lợi ích của doanh nghiệp. Cần có sự tính toán kỹ lưỡng, gắn quy hoạch với an ninh, quốc phòng và quan điểm về phát triển bền vững trong các lĩnh vực môi trường, xã hội, đời sống thì mới đảm bảo vững chắc quy hoạch.

Nâng cao kỷ cương quy hoạch, khi quy hoạch đã được ban hành, không tùy tiện thay đổi, tránh tư duy nhiệm kỳ. Cần phải làm cho rõ cái nào được phép, cái nào không được phép, giữ kỷ cương, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.

Với quy định như hiện nay thì việc điều chỉnh quy hoạch là vấn đề không hề đơn giản. Quy hoạch sử dụng đất quốc gia là cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch khác phải phù hợp với Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, nếu như quy hoạch không đảm bảo thì chúng ta sẽ trả giá rất lớn, nhất là có sự mâu thuẫn, không phù hợp giữa các quy hoạch.

Vấn đề an ninh lương thực quốc gia không đồng nghĩa phải đảm bảo an ninh lương thực cho thế giới. Giá trị gia tăng cho việc sản xuất lúa không mang lại hiệu quả cả cho người dân, chưa kể đến các tác động môi trường, sử dụng tài nguyên.

Khi xây dựng quy hoạch sử dụng đất thì các ngành, các địa phương tính toán không sát với thực tế, đưa nhu cầu cao lên dẫn đến quy hoạch rất cao dẫn đến sự lãng phí và quy hoạch treo. Cần xem xét rất kỹ khi xây dựng quy hoạch ngành, lĩnh vực, địa phương.

Trong quy hoạch sử dụng đất phải gắn với thực hiện tinh thần, quan điểm, định hướng trong Nghị quyết 19 về hài hòa lợi ích trong tổ chức thực hiện của người dân, nhà nước và doanh nghiệp.

Nếu không sẽ không giải quyết được những xung đột của người dân với doanh nghiệp và vai trò quản lý của nhà nước. Vấn đề biến đổi khí hậu và thoái hóa đất đai là vấn đề rất lớn. Cần quan tâm đến vấn đề bảo vệ, cải tạo đất đai.

Kế hoạch sử dụng đất đai chúng ta vẫn theo tư duy của nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, nhà nước lo hết. Điều này cũng bộc lộ nhiều vấn đền liên quan đến, tiêu cực về đất đai, phát sinh những vấn đề khiếu kiện, khiếu nại, tố cáo… Do đó cần xử lý vấn đề sử dụng đất đai có hiệu quả để hạn chế những tiêu cực về đất đai.

 

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Đại biểu Quốc hội nói gì về quy hoạch sử dụng đất quốc gia? tại chuyên mục Bất động sản của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711718639 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711718639 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10