Đại biểu Quốc hội nói về bảo mật thông tin khách hàng của ngân hàng

AN ĐỊNH 10/06/2023 19:03

Đại biểu Quốc hội, Luật sư Trương Trọng Nghĩa, cho rằng theo thông lệ quốc tế, thông tin của khách hàng trong một số ngành nghề được bảo vệ rất nghiêm ngặt như ngành ngân hàng, luật sư…

>>Lo ngại sở hữu chéo, thao túng trong lĩnh vực ngân hàng

Thảo luận về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại hội trường Quốc hội ngày 10/6, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn Tp.HCM) nêu rõ, hiện nay theo thông lệ quốc tế có một số ngành nghề bí mật thông tin khách hàng được bảo vệ nghiêm ngặt bằng hiến pháp và bằng luật gồm ngân hàng, y, luật sư.

Đại biểu Quốc hội, Luật sư Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại hội trường. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Quốc hội, Luật sư Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại hội trường. Ảnh: Quochoi.vn

Theo đại biểu Nghĩa, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân với gia đình. Thông tin về đời sống riêng tư cá nhân hoặc gia đình được pháp luật bảo đảm theo Hiến pháp, trừ trong các trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội…

“Bí mật của ngành ngân hàng như một số bí mật khác thuộc về bí mật đời tư, bí mật gia đình, bí mật riêng tư. Bảo vệ bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, gia đình là quyền con người được ghi nhận trong công ước quốc tế và Việt Nam là thành viên”, ông Nghĩa nói.

Theo ông Nghĩa, tại khoản 3, Điều 14 của dự thảo Luật quy định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng ngân hàng, chi nhánh nước ngoài trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và được sự chấp thuận của khách hàng.

Cụ thể, dự thảo Luật này đang quy định, nhân viên, người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được tiết lộ bí mật kinh doanh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải bảo đảm bí mật thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của Chính phủ. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng.

>>Ngày 10/6, Quốc hội thảo luận Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Trong khi đó tại Điều 21, Hiến pháp 2013 quy định mọi người có quyền bất khả xâm phạm đời sống riêng tư bí mật cá nhân bí mật gia đình. Thông tin về bí mật đời sống riêng tư, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm và ở Điều 14 Hiến pháp 2013 quy định quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của Luật trong trường hợp cần thiết vì quốc phòng an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Đại biểu cho rằng với quy định tại Điều 14 trong dự thảo luật như hiện tại là hạn chế quyền con người được bảo vệ thông tin vì quy định cung cấp thông tin theo quy định Chính phủ hoặc theo pháp luật là không đầy đủ.

Vì vậy, đại biểu đề nghị sửa lại Điều 14 theo hướng chỉ cung cấp thông tin khách hàng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và các luật có liên quan; đồng thời đề nghị chỉ yêu cầu cung cấp thông tin đối với những khách hàng có liên quan đến vụ án được khởi tố, điều tra…

Tại Nghị định 117 về bảo mật thông tin quy định chi tiết là chỉ được cung cấp thông tin khách hàng theo các quy định cụ thể của Đạo luật, của Luật, của Nghị quyết Quốc hội. Ông đề nghị đưa quy định này vào Điều 14 Luật Các tổ chức tín dụng.

Điểm thứ hai được đại biểu góp ý là chỉ yêu cầu cung cấp thông tin với những khách hàng liên quan đến vụ án đang được khởi tố Điều tra và những nội dung yêu cầu cũng là cần thiết cho việc điều tra. Ông đặt vấn đề: "Không thể bỗng dưng có công văn đến và bảo là cung cấp thông tin khách hàng".

Đại biểu Vũ Thị Liên Hương (đoàn Quảng Ngãi) cũng đồng tình với đại biểu Trương Trọng Nghĩa. Đại biểu đề nghị bổ sung trường hợp được cấp thông tin của khách hàng hoặc thực hiện theo quy định của pháp luật vào Điều 14 khoản 3.

“Ví dụ trường hợp khách hàng chết, mất năng lực hành vi dân sự, người thừa kế đến để yêu cầu cung cấp thông tin hoặc pháp luật yêu cầu ngân hàng phải thực hiện báo cáo định kỳ. Như vậy, đề nghị quy định những trường hợp nào thì được cung cấp thông tin của khách hàng một cách rõ nét trong dự thảo Luật”, nữ đại biểu góp ý.

Có thể bạn quan tâm

  • Sửa Luật Các tổ chức tín dụng: Băn khoăn đề xuất giới hạn cấp tín dụng

    Sửa Luật Các tổ chức tín dụng: Băn khoăn đề xuất giới hạn cấp tín dụng

    11:30, 10/06/2023

  • Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng có nguy cơ

    Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng có nguy cơ "ế"

    13:01, 09/06/2023

  • Ngày 10/6, Quốc hội thảo luận Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

    Ngày 10/6, Quốc hội thảo luận Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

    10:00, 09/06/2023

  • Bamboo Capital: BCG GAIA được DBS Bank giải ngân ngân gói tín dụng 1.834 tỷ đồng

    Bamboo Capital: BCG GAIA được DBS Bank giải ngân ngân gói tín dụng 1.834 tỷ đồng

    09:39, 08/06/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đại biểu Quốc hội nói về bảo mật thông tin khách hàng của ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO