Mặc dù đã nỗ lực hết mình làm tròn nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân, tuy nhiên nhiều đại biểu vẫn còn băn khoăn, trăn trở trong những ngày cuối nhiệm kỳ.
Sau 20 năm tham gia Quốc hội, ngày 26/3, đại biểu Dương Trung Quốc đã có những phát biểu trải lòng khi nhìn nhận về các hoạt động quốc hội – ông chia sẻ có lẽ đây cũng là phát biểu cuối cùng của ông tại Quốc hội.
Điểm lại lịch sử về kỳ họp Quốc hội, ông Dương Trung Quốc cho biết, kỳ họp Quốc hội khoá 1 được thành lập sau cuộc tổng tuyển cử đầu tiên ở một nước vừa giành độc lập. Quốc hội khi đó họp ở Nhà hát lớn đã dành toàn bộ tầng trên cùng để cho báo chí, người dân có quyền được vào xem.
Khi Quốc hội triệu tập, người triệu tập là vị đại biểu Quốc hội cao niên nhất là cụ Huỳnh Thúc Kháng, vị Tổng Thư ký đầu tiên cũng là người trẻ tuổi nhất của Quốc hội là nhà thơ Nguyễn Đình Thi, khi đó Quốc hội đã có một tập quán cực kỳ quan trọng là để cho người dân tiếp cận với hoạt động Quốc hội.
Từ điểm đó, ông mong rằng một ngày không xa người dân sẽ đến đây (Hội trường Diên Hồng) tham quan và quan sát, theo dõi hoạt động của Quốc hội. "Quốc hội xây dựng cả một di sản, tức là nhà truyền thống và một bảo tàng rất giá trị nhưng ngay cả những người trong nghề chúng tôi cũng không được đến. Đương nhiên, chúng ta phải bảo đảm an ninh, vấn đề hết sức quan trọng, nhưng không thể vì thế mà ngăn cản người dân đến quan sát hoạt động của Quốc hội được"- ĐB Dương Trung Quốc nói.
Cho ý kiến về hoạt động chất vấn, vị đại biểu 75 tuổi nhìn nhận, hoạt động này có rất nhiều thay đổi, đặc biệt được tiếp sóng bởi các phương tiện thông tin, mang lại niềm tin cho người dân.
Ông Quốc viện dẫn lịch sử khi nói đến cuộc chất vấn đầu tiên vào kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá 1 vào tháng 11/1946, không chỉ các thành viên Chính phủ mà cả Chủ tịch nước cũng được chất vấn. Từ đây, ông đặt ra vấn đề: “Đã bao giờ Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước được chất vấn chưa? Ở những nhân vật ấy, tiếng nói ấy có vai trò cực kỳ quan trọng làm cho người dân tin tưởng hơn về bộ máy nhà nước của mình”.
Ông Quốc cho rằng, đã có sự trợ giúp của công nghệ truyền hình, phát thanh nhưng chưa chúng ta làm được như ngày xưa, và đôi khi “công nghệ cao lại đi ngược lại”. Từ đó, ông đề nghị, khi ứng dụng việc bấm nút biểu quyết, thì không ai được biết chính kiến của từng ĐBQH, người dân sẽ giám sát được ĐBQH do mình bầu có chính kiến như thế nào.
Đối với việc hoàn thiện những bộ luật được quy định tại Hiến pháp nhưng chưa được luật hoá như luật về biểu tình, luật về hội... theo ông Dương Trung Quốc Quốc, có nhiều lý do khó khăn và nhạy cảm, nhưng ông mong muốn Quốc hội khóa 15 sẽ hoàn thiện những gì Hiến pháp đã đề cập gần 10 năm.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) lại đặt vấn đề về câu chuyện liêm chính trong xây dựng pháp luật.
Đại biểu Nguyễn An Bộ bắt đầu bằng sự lưu ý mang tính mệnh lệnh của Thủ tướng Chính phủ về công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật ngày 24/11/2020 là cần giữ được sự liêm chính trong xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật. “Pháp luật không phải là công cụ để thể hiện lợi ích của bộ phận nhỏ xã hội, nhất là lợi ích của cơ quan tổ chức được giao soạn thảo luật” - đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu cho rằng, nếu có liêm chính thì sẽ xây dựng được những văn bản pháp luật khách quan, toàn diện có ý nghĩa tốt trong thúc đẩy quan hệ xã hội ngày càng tốt hơn. Những văn bản pháp luật đó sẽ không hoặc rất ít chồng chéo với các văn bản pháp luật đã được Quốc hội các khóa, các kỳ họp trước kỳ công ban hành. Đồng thời không quy định lợi ích của một số bộ, ngành, đặc biệt là của các bộ, ngành được giao soạn thảo dự án luật.
Nếu thiếu và không có sự liêm chính, đặc biệt là không có sự liêm chính trong quá trình soạn thảo, thẩm tra thì sẽ tạo ra những văn bản pháp luật nhiều khuyết tật.
Khuyết tật thứ nhất là mâu thuẫn chồng chéo với các văn bản pháp luật mà Quốc hội các khóa, các kỳ họp đã mất nhiều thời gian để nghiên cứu, ban hành.
Khuyết tật thứ hai là văn bản pháp luật đó sẽ là công cụ để cơ quan soạn thảo hoặc là hiện thực hóa lợi ích của bộ, ngành mình trong đó có lợi ích xung đột với lợi ích nhân dân, hoặc là công cụ để tiếm quyền của bộ, ngành khác trái với quy định Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Khuyết tật thứ ba là vòng đời của văn bản pháp luật đó rất ngắn, kéo theo là Chính phủ, Quốc hội tốn thời gian, kinh phí để ban hành văn bản thay thế.
“Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, đa số tuyệt đối hoạt động soạn thảo, thẩm tra và thảo luận, xây dựng luật là có liêm chính. Chính sự liêm chính đó mà Quốc hội đã thảo luận và thông qua rất nhiều văn bản pháp luật không tồn tại những khuyết tật nêu trên và đã làm một phần thể chế tốt đẹp để thúc đẩy quan hệ xã hội, góp phần tăng trưởng kinh tế”. - Đại biểu khẳng định.
Liên quan đến công tác lập pháp, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) khẳng định, thành công trong công tác lập pháp là rất quan trọng, khẳng định trách nhiệm của Quốc hội trong xây dựng thể chế pháp luật để phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và phục vụ nhân dân.
Tuy nhiên, theo ông không thể không đề cập đến một số vấn đề hạn chế như: ngoài việc chậm trễ trong khâu chuẩn bị và chuyển hồ sơ các dự án luật thì vẫn còn tình trạng đề xuất chính sách không phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Có dự án luật gây bức xúc cho dư luận; dự án luật chưa đánh giá đầy đủ, sâu sắc tác động kinh tế - xã hội, bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế; không lường hết hậu quả trước mắt và lâu dài của quy định.
Trong công tác thẩm tra, thẩm định các dự án luật, đại biểu cho rằng, vẫn còn sơ hở, một số dự án chất lượng chưa cao. Năng lực phân tích chính sách trong quá trình xây dựng luật của một số đại biểu Quốc hội chưa đáp ứng yêu cầu, thậm chí còn tình trạng dễ dãi, dĩ hòa vi quý, cảm tính chứ chưa thực sự dành tâm huyết nghiên cứu, thể hiện được quan điểm và trách nhiệm xây dựng luật pháp trước nhân dân.
Trong công tác giám sát, đại biểu cho biết, ngay Kỳ họp thứ nhất, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước phát biểu yêu cầu Quốc hội phải coi trọng giám sát là nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt chú trọng hoạt động hậu giám sát. Cả nhiệm kỳ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Quốc hội đã thường xuyên quan tâm đến chức năng giám sát, thực hiện giám sát trên nhiều lĩnh vực quan trọng. Hoạt động giám sát tối cao, giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Hội đồng Dân tộc, của các Ủy ban đã đi vào những vấn đề trọng yếu của đất nước, của lĩnh vực, ngành mà cử tri quan tâm, gồm cả những vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh, tư pháp, giải quyết kiến nghị của cử tri; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng chống tham nhũng. Hiệu lực, hiệu quả giám sát ngày một nâng cao.
Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại như: giám sát vẫn chưa toàn diện, còn lĩnh vực bị bỏ ngỏ. Giám sát của Quốc hội, cơ quan Quốc hội chưa được thực hiện những vụ việc lớn, nổi cộm, bức xúc dư luận...
Để góp phần nối tiếp những thành công của Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng kiến nghị: Quốc hội tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết về tăng cường năng lực, hiệu lực và hiệu quả của giám sát Quốc hội, Hội đồng nhân dân; chú trọng giám sát việc sử dụng quyền lực và sử dụng nguồn lực của đất nước. “Cần xây dựng Quốc hội là một Quốc hội nhân văn, không chỉ là một trung tâm quyền lực mà còn là một trung tâm dân chủ và đoàn kết của quốc gia, của dân tộc. Quốc hội cần xây dựng một hình ảnh đẹp trong lòng cử tri và nhân dân. Quốc hội cần công bằng trong phân bổ nguồn lực và trao quyền lực, kiểm soát quyền lực”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng bày tỏ mong muốn.
Có thể bạn quan tâm
07:40, 27/03/2021
13:00, 26/03/2021
16:31, 25/03/2021
10:00, 25/03/2021
10:44, 24/03/2021
10:32, 24/03/2021
10:21, 24/03/2021
09:58, 24/03/2021
05:38, 24/03/2021
16:01, 18/03/2021
10:37, 18/03/2021
12:15, 15/03/2021