Đại biểu Quốc hội Trương Quốc Huy: Cần ủy quyền “mạnh hơn” cho địa phương

Bài và ảnh: NGUYỄN VIỆT 25/05/2023 11:56

Để tháo gỡ khó khăn về cơ chế, đặc biệt là các dự án đầu tư công cần giảm bớt thủ tục và uỷ quyền “mạnh hơn” cho các địa phương, khi đó mới đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

>>Ngày 25/5, Quốc hội thảo luận kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

Đại biểu Quốc hội Trương Quốc Huy (Hà Nam) nhấn mạnh tại phiên thảo luận tại tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023, ngày 25/5.

Đại biểu Quốc hội Trương Quốc Huy (Hà Nam). Ảnh: Nguyễn Việt

Đại biểu Quốc hội Trương Quốc Huy (Hà Nam). Ảnh: Nguyễn Việt

Theo đại biểu Trương Quốc Huy, bên cạnh những kết quả đã đạt được của năm 2022 chúng ta cũng cần nhìn nhận thẳng thắn vào những khó khăn bắt đầu từ quý 4/2022. Đặc biệt, sang năm 2023 đã bộc lộ mà lãnh đạo các địa phương có thể nhìn thấy rất rõ.

Nhìn thẳng vào những khó khăn

Cụ thể, tăng trưởng quý 1/2023 chỉ có 3,32%, thấp nhất trong nhiều năm qua. Ngay như Hà Nam là địa phương nhiều năm có mức tăng trưởng hai con số, nhưng riêng quý 1/2023 cũng chỉ tăng 4,04%, đây là con số rất thấp, trong đó tăng trưởng về công nghiệp và xuất khẩu nhìn thấy giảm rõ rệt.

Nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng, trong khi nhiều năm trước thường trong tình trạng thiếu lao động để dồn lao động cho các khu công nghiệp. Nhưng hiện nay lại có hiện tượng người lao động không có việc làm. Trong hơn 8 năm qua bây giờ mới xảy ra hiện tượng người lao động không có việc làm, nhiều doanh nghiệp sa thải lao động.

“Đây là một kịch bản rất xấu, vì khi người dân không có việc làm từ đó dẫn đến bất ổn xã hội sẽ là điều hiện hữu. Chúng ta phải đánh giá rõ vấn đề này”, đại biểu Trương Quốc Huy nói.

Về cơ chế chính sách, đại biểu Trương Quốc Huy đánh giá trong điều hành chính sách còn bị “giật cục”. Đơn cử, với quy định mới về phòng cháy chữa cháy ngày hôm trước doanh nghiệp còn đúng, tất cả các thiết kế, cơ sở đã được phê duyệt, doanh nghiệp đã triển khai nhưng lại không được nghiệm thu. Thực trạng này dẫn đến nhiều cơ sở kinh doanh karaoke phải “cửa đóng then cài”.

“Như vậy, việc chuyển đổi chính sách không có bước chuyển tiếp đã gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp”, đại biểu Trương Quốc Huy bày tỏ.

Về giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu Trương Quốc Huy đánh giá “có muốn làm nhanh cũng không được”, vì quy trình đầu tư công rất phức tạp và nhiều khâu. Đơn cử, để triển khai được dự án thì phải chuẩn bị khu tái định cư. Trong khi, tái định cư nếu đúng quy trình đất nông nghiệp phải mất 6 tháng nếu nhận được sự đồng thuận của người dân, cưỡng chế phải 9 tháng nếu liên quan đến đất ở.

“Cái khó là phải chuẩn bị chỗ ở cho người dân. Quá trình này kéo dài hàng năm, chưa kể các thủ tục liên quan đến đất đai có rất nhiều quy trình”, đại biểu Trương Quốc Huy chia sẻ.

Đại biểu Trương Quốc Huy dẫn chứng, nếu chuyển đổi đất lúa 10 ha thì phải lên Chính phủ. Địa phương nào làm nhanh cũng phải mất 6 tháng mới xong, tiếp đến là khâu đấu nối giao thông, bảo vệ môi trường…

“Ách tắc đầu tư công sẽ được tháo gỡ và tiến hành rất nhanh ở khâu chuyển đổi đất lúa và cũng không cần phải lên trung ương khi các vấn đề này được giao cho địa phương. Vì các trình tự thủ tục này gây mất rất nhiều thời gian”, đại biểu Trương Quốc Huy đề xuất.

Vẫn theo đại biểu Trương Quốc Huy, đầu tư tư nhân trước đây các chủ trương đầu tư do cấp tỉnh quyết, như đánh giá tác động môi trường. Nhưng theo luật mới trên 10 ha đất lúa là phải lên bộ. Tất cả các địa phương đều bị “tắc” ở điểm này nên mới xảy ra tình trạng hồ sơ bị xếp “chồng đống”.

Với đầu tư tư nhân, nếu với quy mô 1.500 tỷ đồng, thiết kế cơ sở, phòng cháy chữa cháy, quản lý xây dựng là phải lên xin ý kiến các bộ, ngành. Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, địa phương đã phải “lách” bằng cách khi doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp với số vốn 1.500 tỷ thì sẽ giảm xuống còn 1.400 tỷ hoặc 1.450 tỷ để địa phương quyết cho nhanh, doanh nghiệp sớm đi vào sản xuất.

“Tuy nhiên, nếu sau này doanh nghiệp làm thêm gara để xe hay đầu tư thêm khâu nào đó mà vượt lên trên 1.500 tỷ, khi đó lại phải “lôi lên” để thẩm định. Địa phương chấp nhận phải tìm cách đi vòng như vậy để đưa doanh nghiệp nhanh chóng đi vào sản xuất, còn các bước khác thì đành phải làm sau”, đại biểu Trương Quốc Huy thẳng thắn.

Đại biểu Trương Quốc Huy cho rằng, với tư nhân còn phức tạp như vậy thì đầu tư công còn chậm đến như thế nào. Chúng ta phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, chính chúng ta đang tự “trói” mình, muốn làm nhanh cũng không được.

Về tiếp cận vốn, thực tế hiện nay lợi nhuận của các ngân hàng rất cao, chênh lệch giữa lãi huy động tiết kiệm và cho doanh nghiệp vay vẫn còn lớn. “Trong thời điểm khó khăn như hiện nay, ngân hàng phải biết chia sẻ khó khăn với người dân và doanh nghiệp”, đại biểu Trương Quốc Huy nói.

>>Chiều 24/5, Quốc hội họp về chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2%

>>Quốc hội thảo luận dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi)

4 kiến nghị

Thứ nhất, phải tháo gỡ về cơ chế. Đại biểu Trương Quốc Huy khẳng định vốn kích cầu mà Quốc hội thông qua chắc chắc không có địa phương nào thực hiện được trong năm 2022 và 2023.

Toàn cảnh phiên thảo luận. Ảnh: Nguyễn Việt

Toàn cảnh phiên thảo luận. Ảnh: Nguyễn Việt

“Chúng tôi đã làm “hết cỡ” nhưng đúng đến 30/6 này mới khởi công được dự án. Vì vướng rất nhiều quy trình và cũng không thể giải ngân được. Có thể các địa phương sẽ phải xin ý kiến Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội xin kéo dài sang năm 2024 thì mới giải ngân được”, đại biểu Trương Quốc Huy bày tỏ.

Chỉ trừ những dự án đầu tư nào không liên quan đến giải phóng mặt bằng, như bệnh viện, trường học, còn liên quan đến lĩnh vực giao thông thì sẽ rất chậm. Trong khi, các dự án đầu tư thường liên quan đến giao thông.

Do đó, chúng ta phải tháo gỡ về cơ chế, những vấn đề nào uỷ quyền được cho địa phương thì đề nghị nên uỷ quyền, đặc biệt là các dự án đầu tư công cần giảm bớt các thủ tục và uỷ quyền “mạnh hơn” cho các địa phương, khi đó mới thúc đẩy được nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

Với những thủ tục đơn giản, như tư vấn lập các dự án giao thông nếu các đơn vị của nhà nước có uy tín thì có thể chỉ định thầu, tái định cư có thể làm trước và chỉ định thầu. Như vậy, sẽ đẩy nhanh được tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong điều kiện hiện nay một bộ phận cán bộ công chức có hiện tượng né tránh vì sợ trách nhiệm.

Thứ hai, phải có các chính sách hỗ trợ để kích cầu. đại biểu Huy đồng tình quan đểm nên tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, như giảm 2% thuế VAT đối với một số mặt hàng có tính chất kích cầu.

Thứ ba, phải có các chính sách về tài chính, tiền tệ, trong đó giảm lãi vay. Đại biểu Huy cũng đồng tình việc nới lỏng tín dụng nhưng trong khả năng kiểm soát được để đảm bảo không xảy ra những rủi ro, bất ổn cho nền kinh tế.

Phải làm sao để doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay với cơ chế thông thoáng, lãi vay thấp. Thực tế, lợi nhuận của doanh nghiệp không cao nhưng phải trả từ 12 – 13% cho chi phí, đây là khoản chi rất lớn và doanh nghiệp cũng không thể làm được. Nếu không xử lý được vấn đề này thì nhiều doanh nghiệp sẽ phải “bán mình” và bán cổ phiếu giá thấp. Từ đó dẫn đến hiện tượng nước ngoài thâu tóm các doanh nghiệp Việt với chi phí thấp.

Thứ tư, phải quan tâm đến chính sách lâu dài để có những cơ chế chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển, đặc biệt là các doanh nghiệp liên quan đến sản xuất hàng hoá, doanh nghiệp nằm trong chuỗi cung ứng thương mại… Thực tế, hiện nay đã có một số hệ thống bán lẻ trong nước bị rơi vào tay của các nhà đầu tư nước ngoài. Về lâu dài sẽ bị mất thị trường và không hỗ trợ được cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển.

Có thể bạn quan tâm

  • Ngày 25/5, Quốc hội thảo luận kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

    00:20, 25/05/2023

  • Chiều 24/5, Quốc hội họp về chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2%

    00:06, 24/05/2023

  • Quốc hội thảo luận dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi)

    01:39, 23/05/2023

  • Ông Lê Quang Mạnh giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội

    17:07, 22/05/2023

  • Quốc hội sẽ tiếp tục cho ý kiến về dự án Luật Đất đai sửa đổi

    10:05, 22/05/2023

  • Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV: Tìm lời giải cho nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp

    09:06, 22/05/2023

  • Quốc hội đề nghị xem xét trách nhiệm chậm phân bổ vốn đầu tư công

    10:48, 19/05/2023

  • Quốc hội sẽ bầu Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách

    10:12, 19/05/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đại biểu Quốc hội Trương Quốc Huy: Cần ủy quyền “mạnh hơn” cho địa phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO