Đại biểu Quốc hội vẫn trăn trở về Quỹ bảo hiểm xã hội

Diendandoanhnghiep.vn Chiều 26/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về xử lý một số vấn đề phát sinh trong điều hành ngân sách nhà nước năm 2017 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.

 

Toàn cảnh phiên họp chiều 26/5.

Toàn cảnh phiên họp chiều 26/5.

Phát biểu về vấn đề này, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nêu ý kiến về khoản tiền bảo hiểm xã hội mà Chính phủ chuyển về quỹ bảo hiểm xã hội. Ông Nhưỡng đánh giá, đây là một khoản tiền không phải là của quỹ bảo hiểm xã hội hay của công đoàn, đây là khoản tiền về quyền lợi của công nhân viên chức nhà nước trước 1995, mà đây là nghĩa vụ của nhà nước, nghĩa vụ của Chính phủ với tư cách là người đại diện cho nhà nước, là người sử dụng lao động và bình đẳng như những người khác thì phải chuyển trả cho người lao động.

Không thể thoái thác nghĩa vụ

Tuy nhiên, năm 1993 chúng ta chuyển tách quỹ bảo hiểm ra khỏi ngân sách nhà nước, đây là một chủ trương rất đúng, chính vì vậy quỹ bảo hiểm xã hội xét ở khía cạnh nào đó chỉ là giữ hộ tiền của người lao động chứ đây không phải là tiền của quỹ.

Luật năm 2006 đã quy định nghĩa vụ chuyển khoản tiền này nhưng đặc biệt là từ năm 2006 đến năm 2014 tức là trước khi có Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Chính phủ không hề báo cáo Quốc hội, không hề báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tính toán khoản này. Đến năm 2015 mới có Báo cáo 480 ngày 9/10/2015 để báo cáo Ủy ban Thường vụ để ra Nghị quyết 1083.

“Tôi cho rằng như thế là rất chậm, mấy nhiệm kỳ không đề cập, theo tôi phương án mà Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để ra Nghị quyết 1083 là tính 2 phương án rất kỹ lưỡng: Phương án thứ nhất là tính lãi tổng cộng 54.000 tỷ; phương án thứ hai là 92.000 tỷ”, ông Nhưỡng nói.

 
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre đăng ký tranh luận tại phiên thảo luận chiều 26/5.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre đăng ký tranh luận tại phiên thảo luận chiều 26/5.

Tuy nhiên, lấy lý do vì nhà nước bảo toàn cho quỹ bảo hiểm xã hội không bị phá sản nên chỉ chuyển phần gốc mà không chuyển phần lãi, ông Nhưỡng cho rằng lập luận như thế là không thuyết phục. Theo quan điểm ĐB Nhưỡng, ít nhất phải tính lãi từ năm 2006 tức là từ khi Luật Bảo hiểm xã hội 2006 có hiệu lực, và tôi tán thành phương án tính lãi theo phương án lãi gộp như trong Tờ trình 480 của Chính phủ. Vì chúng ta đã có quyết định về trần nợ công mà không ảnh hưởng đến trần nợ công, tôi hoàn toàn tán thành với quan điểm của Ủy ban Tài chính, Ngân sách là không gây sức ép cho trần nợ công của Chính phủ, nhưng không thể thoái thác được nghĩa vụ của nhà nước đối với người lao động.

Thứ nhất, người lao động là cán bộ, công chức nhà nước. Tất cả những người đó đã hưởng rồi thì bây giờ ảnh hưởng đến những người lao động, ảnh hưởng đến các vị đại biểu Quốc hội đang ngồi ở đây. Vì vậy, tôi đề nghị phải tính cả gốc, cả lãi, tính từ 2006 đến nay.

Thứ hai, tán thành phương án chuyển dần 22.090 tỷ theo lộ trình 6.000, 7.000 và 9.000 tỷ theo phương án của Chính phủ.

Thứ ba, Chính phủ tính toán thật kỹ lưỡng về khoản lãi và đề nghị Quốc hội khoanh nợ đến khi nào Chính phủ có điều kiện thì chuyển trả cho quỹ bảo hiểm xã hội để báo cáo với người lao động, báo cáo với toàn dân xác định là Chính phủ hoàn toàn sòng phẳng với tư cách là đại diện của người sử dụng lao động lớn nhất và có tính nhân văn.

ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) cho biết, quỹ nhà nước nợ người lao động đóng bảo hiểm xã hội từ trước ngày 1/1/1995 là 2.090 tỷ đồng. ĐB Lợi cho rằng ý kiến ĐB Lưu Bình Nhưỡng rất đúng, lẽ ra chúng ta phải trả nợ cả gốc cả lãi từ ngày 1/1/1995 là chính xác. Xuất phát từ Nghị quyết 1083 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào năm 2015, lúc đó chúng ta bàn rồi, tính lại cả gốc, lãi mẹ đẻ lãi con, nên lưu ý một điều là trong Luật Bảo hiểm xã hội, kể cả Luật Bảo hiểm năm 2006 và năm 2014 đều nói rằng nhà nước bảo hộ quỹ bảo hiểm xã hội, toàn bộ quỹ bảo hiểm xã hội từ trước ngày 01/01/1995 là người lao động không phải đóng bất kỳ một đồng nào bằng tiền lương của mình như bây giờ chúng ta đóng 8% mà toàn bộ do nhà nước chuyển trả và nhà nước phải chịu trách nhiệm khi lương của người về hưu bị biến động trượt giá thì nhà nước phải bù để trả cho người lao động để đảm bảo tiền lương thực tế cho người về hưu nên mới có chuyện hàng năm chúng ta tăng cho người đang đương chức 7% thì lập tức người về hưu cũng được 7%.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định không đòi nợ này vì chúng ta đang khó khăn về ngân sách nên chúng ta tính lãi từ ngày 01/01/2016 là hoàn toàn đúng với tinh thần Nghị quyết 1083. Vừa qua Chính phủ báo cáo, chúng tôi thấy phương án trình của Bộ Tài chính, Chính phủ trình như thế là hoàn toàn chính xác và đảm bảo được nguyên tắc và đúng theo quy định của Nghị quyết 1083 do Quốc hội quyết định”, ông Lợi nói.

Trao đổi nội dung về chuyển quỹ bảo hiểm xã hội 22.900 tỷ đồng từ ngân sách sang cho quỹ bảo hiểm xã hội, ĐB Đỗ Văn Sinh Quảng Trị) cho biết, theo quy định của pháp luật (lúc đó là nghị định) thì từ ngày 1/1/1995, quỹ bảo hiểm xã hội hình thành độc lập với ngân sách nhà nước. Tất cả những người đang hưởng các chế độ lương hưu, trợ cấp từ trước ngày 1/1/1995 thì vẫn do Nhà nước chi trả.

 
Đại biểu Quốc hội Đõ Văn Sinh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị đăng ký tranh luận tại phiên thảo luận chiều 26/5.

Đại biểu Quốc hội Đõ Văn Sinh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị đăng ký tranh luận tại phiên thảo luận chiều 26/5.

Khi đó có khoảng 1.850.000 người và đến thời điểm này còn khoảng 1.200.000. Ngân sách nhà nước năm 2017 vẫn phải chuyển 44.000 tỷ đồng để hệ thống bảo hiểm xã hội Việt Nam chi trả cho khoảng 1,2 triệu người này. Tất cả những người đã bắt đầu được hưởng chính sách bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/1995 trở lại đây do quỹ bảo hiểm xã hội Việt Nam chi trả.

Lý giải con số 22.090 tỷ đồng được tính thời điểm đó, ông Sinh phân tích, tất cả những người lao động thuộc hệ biên chế Nhà nước đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước năm 1995 bình quân là 14,5 năm cho 2.850.000 người và tính ra là 22.090 tỷ đồng, đấy là con số.

“Tôi đồng ý quan điểm là phải tính lãi từ Nghị quyết 1083 của Quốc hội có hiệu lực tức là từ 1/1/2016 và Chính phủ nhận nợ chính thức theo 3 năm 2018 là 6.000, 2019 là 7.000 và 2020 là 9.090”, ông Sinh nói.

Đã có thời gian bị “bỏ ngỏ”

Tuy nhiên, ông Lưu Bình Nhưỡng không đồng tình ý kiến đại biểu Đỗ Văn Sinh ở chỗ tại sao chỉ tính lãi từ khi có Nghị quyết 1083. Theo ông Nhưỡng, chúng ta không thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội 2006 đến tận năm 2014, mất 8 năm không thực hiện Điều 39 luật năm 2006, chưa kiểm điểm trách nhiệm đã là chuyện may mắn, ở đây lại không tính lãi thì tôi không đồng tình.

“Ở đây tôi muốn nói câu chuyện nhà nước và nhân dân là một, nhưng đã là phân tách thì phải phân tách cho rõ ràng, từ khi chúng ta phân tách ra ngân sách nhà nước, quỹ bảo hiểm xã hội là một quỹ công, bảo hiểm xã hội chỉ quản lý thay, chúng ta phải rất sòng phẳng với người lao động, nếu không cũng phải tuyên bố trước quốc dân đồng bào rằng vì khó khăn thì Chính phủ không trả nữa, Chính phủ xin những người lao động đó, chứ không thể nói rằng tự mình quyết định lúc nào thích trả thì trả, thích trả bao nhiêu thì trả, cách tính là do chúng ta tính toán, ở đây không có sự tham gia của những người lao động, mà những người đó được gọi là sở hữu hợp pháp, Quốc hội phải thay mặt quốc dân đồng bào tôn trọng quyền của người dân, chứ chúng tôi không muốn gây sức ép cho Chính phủ, muốn tạo ra một điều gì đó thực sự là pháp lý, sòng phẳng”, ông Nhưỡng bày tỏ.

Vẫn theo ông Nhưỡng, chúng ta nên tính toán lại cho thật đàng hoàng, và phương án khoanh nợ rất đẹp, nhân văn, tôi tin tưởng với đà  tăng trưởng tốt của nền kinh tế thì sẽ có lúc Chính phủ trả đàng hoàng, thậm chí Chính phủ nhiệm kỳ này không trả thì Chính phủ của nhiệm kỳ sau sẽ trả. Như thế tốt hơn việc chúng ta bỏ qua, không nên lờ đi khoản này.

Giải trình tại Quốc hội về vấn đề này, ông Đinh Tiến Dũng - Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, một phần vì trong giai đoạn vừa qua ngân sách có khó khăn, nếu chúng ta vẫn bố trí cả thì vẫn được, nhưng chúng ta lại ưu tiên cho các mục tiêu khác, nhất là đầu tư, an sinh xã hội.. nên “bỏ ngỏ” chỗ này.

Vẫn theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, nhiệm kỳ từ năm 1995 đến giờ hơn 20 năm, nhưng năm 2015 Chính phủ báo cáo Quốc hội, hôm nay Chính phủ cũng báo cáo Quốc hội nội dung này điều này cho thấy Chính phủ rất nghiêm túc và đàng hoàng.

“Với tinh thần đó, xin Quốc hội thống nhất việc nhận lãi từ ngày 1/1/2016 khi Nghị quyết 1083 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực, chúng tôi đã có cách tính, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã tham gia. Trong dự toán 2017-2018 chưa tính lãi khoản này, xin trái phiếu hóa 2019-2020, nếu có điều kiện sẽ bố trí trả nợ luôn lãi. Nếu vẫn ưu tiên cho đầu tư, cho làm lương, để khoản này lại thì nhập gốc để trái phiếu hóa. Chúng tôi xin phương án mở như vậy”, ông Dũng đề xuất.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Đại biểu Quốc hội vẫn trăn trở về Quỹ bảo hiểm xã hội tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714154278 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714154278 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10