Tên gọi Luật Căn cước phù hợp phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng quy định trong dự thảo luật, gồm công dân Việt Nam, người gốc Việt Nam sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch.
>>Ngày 17/3, thảo luận về Luật Căn cước công dân
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nêu quan điểm tại phiên thảo luận về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), ngày 28/8.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, về vấn đề tên gọi hiện đang có 2 luồng ý kiến khác nhau về việc giữ tên Luật Căn cước công dân hay đổi thành Luật Căn cước, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhất trí với phương án đổi tên dự án luật thành Luật Căn cước.
“Tên gọi Luật Căn cước phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng quy định trong dự thảo luật, gồm cả công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch, phù hợp với chính sách, mục tiêu, định hướng khi xây dựng luật. Việc bổ sung đối tượng áp dụng là cần thiết cho công tác quản lý con người, an ninh trật tự, mang tính nhân văn sâu sắc”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nói.
>>VietCredit hợp tác FPT IS triển khai giải pháp xác thực căn cước công dân gắn chip
>>BIDV triển khai thành công giao dịch ngân hàng bằng Căn cước công dân gắn chip
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, các đối tượng người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch tuy có số lượng không nhiều, nhưng đang hiện hữu, sinh sống, là một phần của cộng đồng, phần nhiều là những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương, người nghèo, không nghề nghiệp, không nhà cửa…
“Nếu không có căn cước, không có gì chứng minh về nhân thân, lai lịch, đặc điểm nhân dạng, thì những người đó sẽ đứng bên lề xã hội, không được hưởng chế độ an sinh, dẫn đến nhiều hệ lụy xảy ra, tạo ra nhiều gánh nặng xã hội”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ.
Vẫn theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, việc mở rộng cấp căn cước với các đối tượng này sẽ giúp nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan chức năng, đồng thời cũng giúp những đối tượng đó ổn định cuộc sống, có giấy tờ hợp pháp để tham gia các hoạt động xã hội, được hưởng các chế độ an sinh cần thiết.
Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) thống nhất với việc đặt tên là thẻ căn cước. Mặc dù, một số đại biểu cho rằng việc đổi tên thẻ sẽ gây tốn kém ngân sách. Tuy nhiên, dự thảo quy định những người đã được cấp thẻ căn cước công dân gắn chip không nhất thiết phải đổi thẻ. Do đó, việc này sẽ không gây tốn kém như lo lắng của các đại biểu.
Mặt khác, phạm vi điều chỉnh của thẻ căn cước cũng bao quát được đối tượng áp dụng của luật bao gồm công dân Việt Nam, người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa được xác định quốc tịch. Đây là vấn đề mới, phù hợp và cần thiết.
Đại biểu Phạm Văn Hòa đánh giá, việc đổi tên là thẻ căn cước hoàn toàn phù hợp với thực tiễn, đồng thời cũng bày tỏ thống nhất với việc cần thiết cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định quốc tịch.
Phát biểu ý kiến về dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh) tán thành với việc đổi tên dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) thành dự án Luật Căn cước. Theo đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy, thẻ căn cước mang tính chất định danh và thẻ căn cước công dân chủ yếu xác định vấn đề quốc tịch, còn vấn đề quan trọng nhất là dữ liệu gốc- cơ sở dữ liệu quốc gia mà chúng ta lưu trữ.
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy cho biết, chúng ta đang hướng tới tiến đến một giai đoạn mà không cần phải thể hiện quá nhiều dữ liệu trên thẻ, mà quan trọng nhất là dữ liệu gốc. Do đó, việc đổi tên thành Luật Căn cước, theo đại biểu cũng không có ảnh hưởng gì.
Trước đó, trình bày Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đa số ý kiến ĐBQH tán thành về sự cần thiết ban hành Luật; đánh giá cao việc chuẩn bị hồ sơ dự án Luật và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh; cơ bản nhất trí với các nội dung của dự thảo Luật và góp ý nhiều vấn đề cụ thể.
Về tên gọi, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới nêu rõ, hiện còn 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất đồng ý đổi tên luật thành Luật Căn cước. Loại ý kiến thứ hai đề nghị giữ tên luật là Luật Căn cước công dân.
“Thường trực UBQPAN nhất trí với loại ý kiến thứ nhất. Tuy nhiên, đây là nội dung còn có ý kiến khác nhau, đề nghị các vị ĐBQH tiếp tục cho ý kiến về tên gọi của Luật”, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới bày tỏ.
Có thể bạn quan tâm
16:55, 16/03/2023
18:23, 11/11/2022
07:50, 10/05/2022
05:00, 22/12/2021