Đại học tư thục sẽ "lên ngôi"

Sông Xanh 30/05/2018 09:44

Hoàn thiện hành lang pháp lý để đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục đại học là nội dung cử tri kỳ vọng đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học mà Quốc hội đang thảo luận.

Theo tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật Giáo dục đại học có 15 vấn đề lớn cần sửa đổi, trong đó đáng chú ý có các vấn đề về mô hình, cấu trúc các cơ sở giáo dục đại học; Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học; Phân tầng, xếp hạng đại học; Điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục đại học; Tự chủ và trách nhiệm giải trình về chất lượng đào tạo trong các cơ sở giáo dục đại học…

Trong khi nguồn nhân lực đang là nút thắt hàng đầu của nền kinh tế 4.0 thì các trường đại học tư thục vẫn đang hạn chế cả về chất lượng và số lượng sinh viên tham gia. Theo ĐBQH Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, mặc dù thời gian qua, các trường tư thục phát triển tốt, nhưng bên cạnh đó còn có nhiều vấn đề giữa Hội đồng quản trị và hiệu trưởng cùng các thành viên, có sự mua bán giữa các trường tư thục, số lượng sinh viên tại các trường này thấp chỉ khoảng 20%.

Xây dựng chuẩn thương hiệu ra sao?

Muốn thu hút được sinh viên, các trường đại học phải xây dựng từ thương hiệu đến chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Thực tế, thời gian qua, hầu hết các ngành đều phải đào tạo lại nhân viên. Thổng kê của ngành công nghệ thông tin cho thấy, 70% sinh viên ra trường đi làm bắt buộc doanh nghiệp phải đào tạo lại. Trong đó, 40% phải đào tạo lại kỹ năng. Còn Hiệp hội Logistics cho biết, chỉ có 4% nhân lực thông thạo tiếng Anh nghiệp vụ...

Chính vì vậy, theo ĐBQH Phan Thanh Bình, dự thảo luật đang phân thành 3 loại trường đại học, đó là nghiên cứu, ứng dụng và thực hành. Ban soạn thảo không nên nói rằng, nghiên cứu là đứng đầu, còn trường ứng dụng thì thấp hơn nghiên cứu, trường thực hành đứng phía dưới nữa.

Một quan điểm cũng nhận được nhiều sự đồng tình, khi nói về nội dung xây dựng thương hiệu, xếp hạng các trường Đại học, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng đề nghị, nội dung này cần xem xét lại vì thứ bậc phải trên cơ sở đáp ứng các yêu cầu của xã hội. “Thương hiệu ở đây chính là thứ bậc, mà muốn có thứ bậc phải đánh giá, thi đua. Thực tế trên thế giới, việc đánh giá các trường, xếp hạng thứ trường không phải do tổ chức Nhà nước mà do các tổ chức Hiệp hội đứng ra tổ chức theo yêu cầu của xã hội. Dự thảo luật cần tính lại.”, ông Phan Xuân Dũng nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học

    Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học

    06:48, 30/05/2018

  • Tự chủ giáo dục: Phải đảm bảo “kiềng 3 chân”

    Tự chủ giáo dục: Phải đảm bảo “kiềng 3 chân”

    11:52, 29/05/2018

  • Cảm ơn quyết định thu hồi đề án của Bộ trưởng Giáo dục!

    Cảm ơn quyết định thu hồi đề án của Bộ trưởng Giáo dục!

    11:00, 25/05/2018

Tư thục tự chủ đến đâu?

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc chia sẻ: “Các trường tư thục tác động lớn đến huy động nguồn lực, xã hội hóa, làm sao để việc sửa đổi bổ sung lần này tạo khuôn khổ pháp lý để trường tư phát triển mạnh hơn với chất lượng cao hơn đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực”.

Chính vì vậy, dự Luật Giáo dục Đại học cần theo hướng tăng cường tính tự chủ cho các trường, gắn với tự chịu trách nhiệm, không phân biệt công – tư. Ban soạn thảo có thể mạnh dạn giao quyền tự chủ toàn bộ cho các trường đại học tư thục cũng như các trường công lập đã tự chủ tài chính.

Từ thực tế hoạt động đào tạo, GS Nguyễn Lộc, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho rằng, dự luật cần xem xét đưa thêm điều khoản cho các trường đại học tư thục đã được kiểm định được tự chủ về nhân sự, tự chủ về giảng viên, được mời giảng viên cơ hữu từ doanh nghiệp tổ chức bên ngoài theo quy định cụ thể, tăng cường tự chủ về quy định giờ chuẩn… Dự luật cần giải thích rõ hơn về đại học tư thục không vì lợi nhuận và cần được vận hành thông qua Hội đồng ủy thác và theo cơ chế tự chủ.

Cũng nói về vấn đề sở hữu, PGS TS Chu Hồng Thanh, Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GD&ĐT) đưa ra đề nghị, dự Luật cần xác định rõ vấn đề sở hữu, cần hoàn thiện hệ thống giáo dục, quy hoạch theo hướng tư duy mới, cần tạo sân chơi bình đẳng, hợp tác tốt giữa các trường. Đặc biệt, việc phân biệt giữa nhà trường và doanh nghiệp, nhà trường là đơn vị sự nghiệp, còn doanh nghiệp là đơn vị kinh doanh. Dù là công hay tư thì nhà trường cũng vẫn là đơn vị sự nghiệp không phải là cơ quan hành chính và cũng không để là đơn vị sản xuất kinh doanh.

PĐBQH Dương Trung Quốc Đoàn đb tỉnh đồng nai:Dự Luật cần hướng tới chất lượng giáo dục

Phải tạo dựng được hệ thống từ lý luận tới thực hành, giáo dục nên khuyến khích điều đó. Xã hội hiện nay tồn tại nạn sính học hàm học vị, thậm chí thành chuẩn mực hóa cán bộ nhà nước tạo sự hỗn loạn về chất lượng giáo dục và văn bằng. Hệ thống giáo dục cần phải có xếp hạng theo đẳng cấp theo chuẩn mực. Những chuẩn mực đó rất cần thiết và hoàn toàn có thể làm được. Chúng ta phải phải thực hiện đánh giá theo năng suất, hiệu quả làm việc. Nhất là khi tự chủ giáo dục thì phải tính tới điều đó, Chúng ta phải tư duy một cách hết sức thực tế là làm thế nào đào tạo những nguồn nhân lực chất lượng, nếu tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao thì có quyền được ghi nhận.

GS-TS Phạm Duy Nghĩa – Trưởng khoa Luật kinh tế (Đại học kinh tế TPHCM):Hướng đến xã hội hóa “phi lợi nhuận”

Giáo dục đại học những năm qua việc đáng lo hàng đầu là mô hình tổ chức, chất lượng giáo dục… và đặc biệt là những biến tướng của xã hội hóa giáo dục đại học. Hiện không ít trường học đặt lợi nhuận lên hàng đầu và hoạt động theo kiểu “công ty cổ phần”, không chịu trách nhiệm xã hội với những hệ lụy lâu dài về nguồn nhân lực do mình đào tạo. Vì vậy cần phải hướng đến xã hội hóa “phi lợi nhuận” bằng những cơ chế, chính sách cụ thể để xã hội hóa giáo dục được hiểu và hoạt động đúng nghĩa. Vẫn còn sự phân biệt giữa đại học công và đại học tư. Đại học tư chưa có chỗ đứng vững chắc cả trong luật và trong suy nghĩ của mọi người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đại học tư thục sẽ "lên ngôi"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO