VCCI và các hiệp hội ngành hàng cần tăng cường sự phối hợp để tiếp tục kiến nghị, đề xuất những chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho người lao động và doanh nghiệp.
Hôm nay (30/12), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2021-2026. Phát biểu tại Đại hội, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, ngành dệt may có kim gạch gần 40 tỷ USD trong năm 2021.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, dân số Việt Nam năm 2020 là 97,576 triệu người, là thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”, đây là một trong những điều kiện quan trọng nhất để tăng trưởng, phát triển kinh tế với tốc độ cao. Tuy nhiên chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam lại thấp, nhân lực chất lượng cao thiếu, chi phí nhân công tăng nhanh do Nhà nước thường xuyên tăng lương tối thiểu vùng và đi kèm là tăng các khoản trích nộp theo lương.
Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, nền kinh tế nước ta đã từng bước chuyển sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hàng năm tạo việc làm mới cho hàng triệu lao động. Tuy nhiên, cơ chế thị trường cũng làm phát sinh những vấn đề phức tạp trong quan hệ lao động: Các cuộc đình công, ngừng việc tập thể diễn ra ngày càng nhiều; Tình trạng biến động lao động lớn làm tăng chi phí tuyển dụng, đào tạo mới, trả trợ cấp thôi việc; làm giảm năng suất, chất lượng sản phẩm…
“Những vấn đề trên đã làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Cẩm nói. Theo ông Cẩm, trong những năm qua, ngành dệt may Việt đã phát triển trở thành một trong những ngành xuất khẩu lớn nhất cả nước. Dệt may cũng là ngành giải quyết việc làm với thu nhập ổn định và ngày càng tăng cho lực lượng lao động khoảng 2 triệu người làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp và khoảng 1 triệu lao động làm việc trong các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thương mại, dịch vụ liên quan đến dệt may, góp phần đảm bảo an sinh, trật tự xã hội, tăng thu ngân sách cho Nhà nước và các địa phương, chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông, lâm, ngư nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ cả ở những vùng sâu, vùng xa.
Có được những kết quả nêu trên, ông Cẩm cho rằng bên cạnh chủ trương đổi mới, mở cửa của Nhà nước và những cố gắng nỗ lực không mệt mỏi của các doanh nghiệp và người lao động, còn có sự đóng góp của các tổ chức cấp ngành là Công đoàn và Hiệp hội Dệt May Việt Nam.
VCCI với đại diện là Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã làm tốt vai trò dẫn dắt của mình đại diện cho phía người sử dụng lao động đảm bảo việc tăng lương tối thiểu vùng hàng năm phù hợp với điều kiện thực tế.
Việt Nam đã ký kết hoặc đang đàm phán 17 hiệp định thương mại tự do, trong đó có các FTA thế hệ mới. Vấn đề lao động chính là một trong những nội dung quan trọng làm nên chất lượng và sự khác biệt của các FTAs thế hệ mới. Đây là lĩnh vực cần sự phối hợp nhiều hơn nữa của VCCI nhằm ổn định và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hòa tiến bộ trong doanh nghiệp.
Ông Cẩm nhấn mạnh, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang phát triển với tốc độ nhanh và mạnh mẽ đến các ngành sử dụng nhiều lao động. Vì vậy, sự phối hợp giữa các bên liên quan trong đó có VCCI là hết sức cần thiết.
Vấn đề cạnh tranh đơn hàng, đơn giá sản phẩm và lao động đang diễn ra ngày càng gay gắt. VCCI, các hiệp hội ngành hàng và tổ chức đại diện người lao động các cấp cần phối hợp chặt chẽ làm việc với các nhãn hàng để họ chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người lao động.
Đại dịch Covid-19 xảy ra có tác động lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh và việc làm của người lao động, VCCI và các hiệp hội ngành hàng cần tăng cường sự phối hợp để tiếp tục kiến nghị, đề xuất những chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho người lao động và doanh nghiệp.
VCCI và cộng đồng doanh nghiệp cần phối hợp với các tổ chức đại diện người lao động để tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người lao động và có giải pháp giữ chân người lao động, đề xuất cơ chế với Nhà nước và phối hợp với địa phương triển khai các chương trình an sinh xã hội tại các khu công nghiệp, hoặc các doanh nghiệp có điều kiện để các đối tượng lao động này ổn định cuộc sống gắn bó lâu dài với doanh nghiệp và với địa phương nơi làm việc.
Có thể bạn quan tâm
16:42, 30/12/2021
16:33, 30/12/2021
16:32, 30/12/2021
16:19, 30/12/2021
15:46, 30/12/2021
15:42, 30/12/2021