Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là sự kiện trọng đại, có ý nghĩa lịch sử, đánh dấu bước phát triển mới của đất nước.
Đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2021 - 2026, xác định mục tiêu, phương hướng đến năm 2030.
“Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hoá, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo” là những yêu cầu tại dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 – 2030 trình Đại hội. Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Theo quan điểm phát triển trong Chiến lược trên, việc cải cách, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước.
Ở đó, thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực sản xuất, nhất là đất đai. Ở đó, hệ thống pháp luật phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới. Mọi cấp, mọi ngành phải coi trọng hơn quản lý phát triển xã hội; mở rộng dân chủ phải gắn với giữ vững kỷ luật, kỷ cương. Các khu vực kinh tế và các loại hình doanh nghiệp được phát triển nhanh, hài hoà. Kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Dự thảo Chiến lược đã nêu rõ tầm quan trọng của việc xây dựng khung pháp lý và thể chế để có thể phát triển kinh tế theo hướng kinh tế thị trường. Do đó, sự cần thiết trong giai đoạn tới là phải rà soát và đánh giá tất cả các quy định pháp lý hiện hành để đảm bảo không còn chồng chéo và tạo ra những tắc nghẽn ngoài ý muốn cho doanh nghiệp và người dân.
Ngoài ra, việc nâng cao trách nhiệm giải trình đối với các cơ quan của Chính phủ trước người dân cũng là yêu cầu của nền hành chính hiện đại. Đặc biệt, việc tạo ra một sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp nhà nước và khu vực tư nhân, cũng như sử dụng các lực lượng thị trường để phân bổ nguồn lực được coi trọng.
Theo nhóm chuyên gia WB, để Việt Nam thực sự phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, điều đầu tiên Việt Nam cần tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giải quyết tốt hơn quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội.
Nhóm chuyên gia WB hoàn toàn đồng ý với Chính phủ về tầm quan trọng của việc tăng cường chất lượng và tính chuyên nghiệp của cơ quan hành chính nhà nước vì nó sẽ quyết định không chỉ chất lượng các chính sách của Chính phủ mà còn cả việc thực hiện chính sách. Đây là một lĩnh vực cải cách cấp bách trong thời kỳ này của Chiến lược. Đặc biệt, các chuyên gia đánh giá cao việc Chính phủ đã nêu bật sự cần thiết phải tăng cường quá trình hoạch định chính sách và thực thi chính sách. Điều này đang có ý nghĩa hết sức quan trọng trên con đường phát triển của Việt Nam trong những thập kỷ tới.
Tại bài viết "Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới" về phần mục tiêu được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, “Chú trọng xây dựng, hoàn thiện các thể chế, chính sách để giải quyết hiệu quả, hài hoà mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội. Đặc biệt, phải tạo được những bước đột phá thực sự về thể chế để giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, rất thiết thực và cụ thể như: Huy động, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển, khắc phục tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong việc quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, tài sản công; tích tụ, tập trung đất đai cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao; phát triển đồng bộ và tạo ra sự liên kết giữa các chủ thể kinh tế và các loại hình tổ chức sản xuất kinh doanh; đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế nhà nước và doanh nghiệp nhà nước; khuyến khích, tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế; tháo gỡ tình trạng không thống nhất, mâu thuẫn, chồng chéo trong xây dựng và thực thi pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đang cản trở sự phát triển và vận hành của nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập quốc tế”.
Để phát triển nhanh và bền vững, Chiến lược 2021 - 2030 chỉ ra, chúng ta phải dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Từ cấp quản lí trung ương đến địa phương và doanh nghiệp, nhà đầu tư phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số. “Động lực mới” của nền kinh tế chính là phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Dự thảo Chiến lược đã quan tâm đến đổi mới mô hình kinh doanh thông qua áp dụng công nghệ và chuyển giao công nghệ. Vai trò bổ sung của việc nâng cao năng lực của doanh nghiệp, kỹ năng đào tạo và quản lý để hỗ trợ áp dụng công nghệ cũng đã được chú trọng. Dự thảo đã nêu “lấy việc nâng cao trình độ công nghệ của nền kinh tế là tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của khoa học, công nghệ” và “phấn đấu đến năm 2030, tỉ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt 40%”.
Điều quan trọng là tạo ra các động lực và môi trường kinh doanh thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư vào khoa học, công nghệ và đổi mới. Dự thảo Chiến lược nhấn mạnh “quỹ phát triển khoa học và công nghệ sẽ đóng vai trò quan trọng hơn trong việc thúc đẩy nghiên cứu, đổi mới, khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ”. Tuy nhiên, cần phải hoàn thiện khung pháp lý và khuôn khổ thể chế để doanh nghiệp cùng đầu tư vào đổi mới, sáng tạo.
Để xây dựng nền kinh tế tự chủ, dự thảo Chiến lược yêu cầu phải trên cơ sở làm chủ công nghệ và chủ động, tích cực hội nhập, đa dạng hoá thị trường, nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế. Chúng ta phải hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới có tính tự chủ, tham gia hiệu quả, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu và khả năng chống chịu hiệu quả trước các cú sốc từ bên ngoài. Phát huy nội lực là yếu tố quyết định gắn với ngoại lực và sức mạnh thời đại. Chúng ta không ngừng tăng cường tiềm lực kinh tế, phát triển lực lượng doanh nghiệp của người Việt Nam ngày càng vững mạnh và huy động sức mạnh tổng hợp của đất nước, nâng cao hiệu quả và lợi ích do hội nhập quốc tế mang lại.
Để nói về mục tiêu phát triển giai đoạn tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, đẩy mạnh “đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ tạo nền tảng thúc đẩy sự phát triển của những ngành mới, lĩnh vực mới, nhất là kinh tế số, xã hội số và chính phủ số. Xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh; phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá lớn, ứng dụng công nghệ cao; phát triển mạnh khu vực dịch vụ dựa trên nền tảng kinh tế số và ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ hiện đại. Thực hiện nhất quán chủ trương khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tạo đột phá mạnh mẽ trong phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua đổi mới căn bản, toàn diện, đồng bộ giáo dục và đào tạo; trong đó chú trọng xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách, đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, kiên quyết khắc phục bệnh thành tích, xử lý nghiêm các tiêu cực trong giáo dục và đào tạo”.
Có thể bạn quan tâm
05:00, 20/01/2021
06:54, 19/01/2021
05:00, 17/01/2021
09:15, 16/01/2021
11:00, 14/01/2021
05:00, 11/01/2021
05:00, 30/12/2020
05:00, 29/12/2020
18:26, 28/12/2020
20:08, 23/12/2020
13:50, 18/12/2020
11:07, 14/12/2020
05:12, 02/11/2020
17:16, 21/10/2020